Cuối năm 2019, những người dùng mạng xã hội chia sẻ nhau thông tin cảnh báo về những trang web giả mạo tuyên bố của tỷ phú Việt để thu hút đầu tư Bitcoin.
Là người giàu nhất Việt Nam, tỷ phú đô la đầu tiên của Việt Nam, ông Phạm Nhật Vượng đã được các trang web này "lựa chọn" để chia sẻ bí quyết làm giàu từ Bitcoin.
Cụ thể, trang web livemagazine.to được thiết kế giao diện giống hệt báo điện tử Vnexpress khiến người dùng dễ nhầm lẫn và giật tít: "Báo cáo đặc biệt: Lần đầu tư gần đây nhất của Phạm Nhật Vượng khiến các chuyên gia kinh ngạc và các ngân hàng lớn khiếp sợ".
Họ vẽ ra các tuyên bố giả mạo của tỷ phú Phạm Nhật Vượng về một công cụ kiếm tiền là hệ thống giao dịch tự động tiền điện tử mới gọi là Bitcoin Loophole. Những tuyên bố này hoàn toàn là bịa đặt.
Trước đó, mô hình Bitcoin này đã sử dụng một trang web tương tự giả mạo lời phát biểu của cựu thủ tướng Singapore Goh Chok Tong (Thủ tướng Singapore từ 1990 đến 2004) sau đó cơ quan tiền tệ Singapore đã phải phát đi cảnh báo về trang web lừa đảo.
Sau những chia sẻ giả mạo tỷ phú, trang web tiếp tục kêu gọi độc giả nhanh chóng đăng ký miễn phí và đầu tư một khoản tối thiểu là 5 triệu đồng vào Bitcoin Loophole.
Tiếp tục dùng những lời phát biểu giả mạo của tỷ phú Việt để lấy niềm tin của người đọc, trang web đưa ra hướng dẫn chi tiết việc đăng ký miễn phí trong đó có cả phần khai báo thông tin chi tiết thẻ tín dụng của người đọc để tiến hành các giao dịch tự động và mời gọi gửi số tiền tối thiểu 5 triệu đồng để bắt đầu đầu tư.
Sau khi trang web này bị cảnh báo và biến mất thì gần đây, một tỷ phú khác của Việt Nam lại trở thành nạn nhân. Đó là ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát.
Trên trang web có tên promodealclub.com xuất hiện một bài viết với tiêu đề "Ông Trần Đình Long đầu tư 3 triệu USD vào Doanh nghiệp khởi nghiệp, ông cho biết "Đó chính là tương lai".
Bằng những lời lẽ hùng hồn, bài viết bịa rằng: Tuần trước, ông Trần Đình Long xuất hiện trong cuộc phỏng vấn của chương trình "Tôi &VN" trên kênh "FBNC Vietnam" với người dẫn chương trình Quốc Khánh và công bố một "lỗ hổng giàu có" mới đang cho thấy khả năng biến bất cứ ai thành tỷ phú chỉ trong vòng 3-4 tháng.
Ông Trần Đình Long kêu gọi tất cả người dân Việt Nam tham gia và không bỏ lỡ cơ hội tuyệt vời này trước khi các ngân hàng lớn đóng lỗ hổng này mãi mãi.
Và đúng như vậy, chỉ vài phút sau khi cuộc phỏng vấn kết thúc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã kêu gọi dừng phát sóng cuộc phỏng vấn này - nhưng đã quá muộn.
Đồng thời, website này cũng "chế biến" ra một bài phỏng vấn độc quyền ông Trần Đình Long, sử dụng hình ảnh chụp ông Long từ một bài phỏng vấn khác trên báo Trí Thức trẻ và bịa ra nội dung ông Long chia sẻ kinh nghiệm đầu tư bitcoin qua nền tảng đầu tư tiền điện tử mới có tên gọi Bitcoin Revolution.
Nội dung trên còn được quảng cáo trên một số báo điện tử qua hệ thống Google Network.
Phía Tập đoàn Hòa Phát khẳng định, bài viết này hoàn toàn sai sự thật, ông Trần Đình Long – Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát chỉ đầu tư, điều hành doanh nghiệp duy nhất là Tập đoàn Hòa Phát. Ông Long cũng chưa từng phát ngôn những nội dung được trích dẫn trong bài viết.
Hòa Phát cũng khẳng định cá nhân ông Long cũng như các thành viên Hội đồng Quản trị, Ban Điều hành Hoà Phát đều duy nhất chỉ làm việc cho Tập đoàn, không ai có doanh nghiệp riêng.
Ngay sau khi phát hiện sự việc nêu trên, Hòa Phát đã báo cáo lên Google và các báo điện tử, đồng thời tiến hành lập vi bằng số 995/2020/VB-10/06/2020 về nội dung trên. Vi bằng đã được đăng ký tại Sở tư pháp Hà Nội.
Theo quy định của Pháp luật Việt Nam, tiền ảo Bitcoin là phương tiện thanh toán bất hợp pháp tại Việt Nam, do đó thông tin bài viết mạo danh quảng bá sai sự thật trên không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân nếu bị lừa tham gia đầu tư mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín cá nhân của ông Trần Đình Long nói riêng và Tập đoàn Hòa Phát nói chung.
Tập đoàn Hòa Phát đã gửi Công văn tới Cục An ninh Chính trị Nội bộ (Bộ Công An) và Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đề nghị các Cơ quan Quản lý Nhà nước ngăn chặn thông tin giả mạo trên lan truyền trên mạng internet.
Không chỉ giả mạo, cung cấp thông tin giả, việc yêu cầu người đọc cung cấp thông tin cá nhân cũng tiềm ẩn nguy cơ ăn cắp dữ liệu cá nhân, dữ liệu thẻ tín dụng và gây thiệt hại về tài sản cho người dùng.
Nguồn: