Đầu tháng 6/2020, Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) - Công an TP HCM đã phối hợp với Công an Quận 1 tiến hành kiểm tra trụ sở Công ty TNHH Cashwagon, được cho là liên quan đến việc cho vay qua ứng dụng (app) với lãi suất, phí “cắt cổ” và bị nhiều nạn nhân tố cáo. Trường hợp Cashwagon có liên quan với các app cho vay đến mức nào sẽ được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra để làm rõ chân tướng, đặc biệt là những thủ đoạn, chiêu trò biến con nợ thành những con nợ lớn hơn, chất chồng các khoản nợ đến mức không thể trả nổi.
Trước đó, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an đã phối hợp, chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP HCM điều tra vụ án “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” do các đối tượng người Trung Quốc cùng đồng bọn thực hiện. Cơ quan công an cho hay, một số đối tượng người nước ngoài lập công ty tài chính, thuê người đứng tên giấy phép kinh doanh, đại diện pháp luật, tạo ra ứng dụng cho vay tiền trực tuyến. Điển hình có thể kể đến các ứng dụng như “Vaytocdo”, “Moreloan”, “VD online”.
Một công ty Fintech chia sẻ với ICTnews, việc Chính phủ Trung Quốc siết chặt quản lý thị trường P2P (cho vay ngang hàng) sau một thời gian thả lỏng đã khiến nhiều công ty P2P Trung Quốc chạy sang Việt Nam. Các công ty này lập app cho vay online với lời quảng cáo “lãi suất vay thấp" "cho vay không thế chấp"… và tràn vào Việt Nam để "hớt váng" trong bối cảnh thị trường cho vay online bắt đầu phát triển khoảng 2 năm nay. Nếu người dùng không lựa chọn cẩn thận thì rất dễ trúng cạm bẫy của tín dụng đen đội lốt ứng dụng cho vay trực tuyến. Điều này không chỉ gây ra nhiều hệ luỵ phiền toái, tiêu cực cho khách hàng, mà còn ảnh hưởng đến uy tín của những doanh nghiệp Fintech chân chính, cũng như nguy cơ về lâu dài sẽ ảnh hưởng xấu tới thị trường chung.
Ứng dụng cho vay nặng lãi lậu đã cắt ghép hình ảnh từ VTV để quảng cáo trên mạng xã hội.
Sau khi ICTnews và một loạt cơ quan truyền thông liên tục đăng tải về vấn đề này và công an ra tay xử lý, một số ứng dụng cho vay nặng lãi của đối tượng Trung Quốc núp bóng đã bất ngờ dừng hoạt động.
Một Fintech của Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực cho vay ngang hàng cho hay, một số ứng dụng cho vay online lậu đang tâp trung thu nợ, một vài ứng dụng khác đã đóng cửa. "Sau vụ ứng dụng Cashwagon bị phát hiện, một số app lậu chuyển sang hình thức hoạt động kín đáo, âm thầm hơn. Một số người vay cũng nhân cơ hội đục nước béo cò. Tôi biết có nhiều người sử dụng thông tin giả, giấy tờ giả để vay tận 50 app. Những ứng dụng cho vay nặng lãi online đã gây rối loạn thị trường, làm cho hình thức cho vay ngang hàng bị biến tướng ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp của Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực này. Bản thân chúng tôi cũng bị những ứng dụng lậu liên tục tấn công mạng trong một thời gian gây ảnh hưởng đến hoạt động của công ty", CEO của Fintech này chia sẻ
Thông tin trên truyền thông, một số người phản ánh họ vay tiền qua các ứng dụng đã nhận được thông báo "Tài khoản không hợp lệ" và thông tin số tài khoản bên cho vay cũng biến mất. "Tôi nhận được tin nhắn của 2 app là 'Vay tốt' và 'Ví vui vẻ' với nội dung đã thanh toán thành công và nợ của tôi được tự động xóa trong khi tôi chưa hề chuyển tiền. Sau đó, vào lại app thì thấy mọi thông tin của tôi đã bị xóa. Họ ghi là tài khoản đã bị vô hiệu", một người vay qua app cho biết.
Trả lời câu hỏi của ICTnews liệu có phải các ứng dụng lậu của Trung Quốc đang rút khỏi Việt Nam? Ông Trần Việt Vĩnh, CEO của Fiin cho rằng, có những dấu hiệu cho thấy như vậy, nhưng vẫn còn quá sớm để đưa ra nhận định này.
Mới đây, Bộ Công an khẳng định, tín dụng đen là loại tội phạm luôn nằm trong tầm ngắm của cơ quan đấu tranh chống tội phạm, đặc biệt là cảnh sát hình sự, công an các địa phương. Tín dụng đen là loại tội phạm nguy hiểm, mục tiêu đấu tranh của công an. Tới đây, Bộ Công an sẽ tiến hành sơ kết việc thực hiện Chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm có hoạt động vi phạm liên quan đến tín dụng đen, sẽ có hội nghị với các nội dung cụ thể hơn…
Nguồn: