Tỷ trọng của đồng USD trong dự trữ tiền tệ toàn cầu quý 2 năm nay đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuối năm 2013, trong khi tỷ trọng của đồng Yên Nhật tăng lên mức cao nhất gần 2 thập kỷ - hãng tin CNBC dẫn số liệu do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố ngày 30/9 cho hay.
Theo đó, dự trữ bằng đồng USD đạt 6,79 nghìn tỷ USD, chiếm 61,63% tổng dự trữ trong quý 2, so với mức 6,74 nghìn tỷ USD, chiếm 61,68% trong quý 1.
Đây là tỷ trọng thấp nhất của đồng USD trong dự trữ tiền tệ toàn cầu kể từ quý 4/2013, thời điểm tỷ trọng giảm còn 61,27%.
Tổng dự trữ tiền tệ trên toàn cầu trong quý 2 năm nay đạt 11,02 nghìn tỷ USD, từ mức 10,9 nghìn tỷ USD trong quý 1.
Dự trữ này là tài sản của các ngân hàng trung ương, được nắm giữ dưới dạng nhiều đồng tiền khác nhau. Mục đích của dự trữ tiền tệ là để hỗ trợ khả năng thanh toán các khoản nợ ngoại tệ của quốc gia, cũng như hỗ trợ cho tỷ giá đồng nội tệ.
Tỷ trọng trong dự trữ tiền tệ toàn cầu của đồng Yên, Euro và Nhân dân tệ trong quý 2 đều tăng so với quý trước, tiếp nối xu hướng gần đây trong đó tỷ trọng dự trữ bằng đồng USD giảm xuống và tỷ trọng của các đồng tiền khác tăng lên.
"Với việc Nhân dân tệ trở thành một đồng tiền dự trữ nhờ sự hậu thuẫn của IMF, các khoản vay và tài sản định giá bằng Nhân dân tệ giờ ngày càng thịnh hành", nhà giao dịch tiền tệ Juan Perez thuộc Tempus Inc nhận xét.
"Ngoài ra, tỷ trọng dự trữ đồng Euro và đồng Yên cũng tăng nhờ nhiều ngân hàng trung ương bắt đầu xem Euro là kênh đầu tư an toàn, địa vị ‘vịnh tránh bão’ của đồng Yên thì đã sẵn có", ông Perez phát biểu.
Từ dữ liệu do IMF công bố, có thể thấy USD vẫn là đồng tiền dự trữ chủ đạo của thế giới, nhưng các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đang tiếp tục đa dạng hóa dự trữ khỏi đồng bạc xanh.
Xu hướng này đưa tỷ trọng dự trữ đồng Yên đạt mức 5,41% trong quý 2 năm nay, mức cao nhất kể từ quý 1/2001.
Tỷ trọng dự trữ đồng Nhân dân tệ đạt 1,97%, mức cao nhất kể từ khi IMF bắt đầu công bố tỷ trọng của đồng tiền này trong dự trữ tiền tệ toàn cầu vào quý 4/2016.
Nguồn: