Đồng USD phiên cuối tuần lao dốc xuống mức thấp nhất 1 tuần so với rổ các đồng tiền chủ chốt, sau khi có mức giảm mạnh nhất trong vòng gần một tháng. Biến động của USD phiên này do những câu hỏi về số phận của công ty bất động sản China Evergrande Group vẫn chưa có lời giải đáp.
USD vốn được coi là nơi trú ẩn an toàn. Tuy nhiên, xu hướng tăng của đồng tiền này mấy phiên vừa qua bị lung lay, nhất là sau khi Bắc Kinh bơm mạnh tiền vào hệ thống ngân hàng để tăng tính thanh khoản đúng vào ngày 23/9, là thời điểm Evergrande thông báo sẽ thực hiện thanh toán lãi suất cho một khoản trái phiếu trong nước. Tuy nhiên, một số chủ sở hữu trái phiếu nước ngoài của công ty cho biết họ chưa nhận được khoản thanh toán lợi suất trái phiếu ở thời hạn chót này.
Những lo lắng về nghĩa vụ thanh toán của Evergrande và những rủi ro gây ra cho hệ thống Tài chính Trung Quốc từ khó khăn của gã khổng lồ bất động sản này đã đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư trong những phiên gần đây, gây áp lực giảm giá cho các tài sản rủi ro trên toàn cầu.
Bloomberg đưa tin, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) ngày 24/9 tiếp tục bơm thanh khoản vào hệ thống tài chính với nỗ lực hạn chế sự tác động lây lan từ China Evergrande Group sang các thị trường trong nước. Tổng cộng trong 5 ngày vừa qua, PBoC đã bơm ròng 460 tỷ nhân dân tệ (71 tỷ USD) tiền mặt ngắn hạn vào hệ thống ngân hàng trong nước, riêng 24/9 bơm 70 tỷ nhân dân tệ. Các động thái này đã giúp xoa dịu thị trường tài chính của Trung Quốc sau khi lo sợ về Evergrande gây ra một đợt bán tháo tài sản trên toàn cầu hôm thứ Hai (20/9). Trong khi đó, lãi suất khoản trái phiếu bằng USD cũng sẽ đến hạn phải thanh toán vào tuần tới.
Do đó, chỉ số Dollar index (DXY) – so sánh USD với 6 đồng tiền đối tác chủ chốt – sáng 24/9 theo giờ Việt Nam giảm 0,5%, xuống 93,037. Cuối chiều 24/9, Dollar Index nhích nhẹ 0,08% lên 93,175. Phiên liền trước, 23/9, Dollar index đã giảm 0,36% xuống mức thấp nhất kể từ 17/9, là 92,977.
Tuy nhiên, Dollar index hiện vẫn không thấp quá xa so với mức cao nhất gần 10 tháng đạt dược hồi cuối tháng Tám.
Mặc dù DXY tăng mạnh ở những phiên đầu tuần, song sự sụt giảm ở những phiên cuối tuần khiến tính từ đầu tuần đến nay DXY giảm 0,09%.
Đồng yen Nhật phiên 24/9 cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng Tám so với USD, khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng lên mức cao nhất kể từ đầu tháng Bảy. USD đã tăng 0,16% so với JPY lên 110,57, cao nhất kể từ 11/8.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm ở Tokyo – kỳ hạn tham chiếu – lần đầu tiên kể từ ngày 2/7 đã tăng lên 1,452%. Mức lợi suất gần đây nhất là 1,4320% .
Những lời bình luận mang tính "diều hâu" từ Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) hôm thứ Năm (23/9) đã đẩy lợi suất trên toàn cầu tăng lên, một ngày sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết họ có thể bắt đầu giảm lượng mua trái phiếu hàng tháng ngay từ tháng 11 và lãi suất có thể tăng nhanh hơn dự kiến kể từ năm tới.
BOE cho biết hai trong số các nhà hoạch định chính sách của họ đã bỏ phiếu cho việc sớm chấm dứt việc mua trái phiếu chính phủ - đã áp dụng trong suốt thời kỳ đại dịch, đồng thời cảnh báo rằng lạm phát tại Anh có thể sẽ vượt ngưỡng 4% - cao hơn gấp đôi mức mục tiêu đề ra - trong quý IV/2021 do giá năng lượng và hàng hóa leo thang. Sau những phát ngôn này, thị trường dự đoán BoE có thể sẽ bắt đầu tăng lãi suất từ tháng 3/2022.
Các nhà phân tích Francesco Pesole và Chris Turner của ING cho biết: "Số phận của Evergrande vẫn chưa chắc chắn, nhưng thị trường hiện đã giảm lo ngại về bất kỳ tác động tiềm ẩn nào của vụ việc này, khiến giá các tài sản rủi ro lại hồi phục trở lại", và "Tâm lý nhà đầu tư được cải thiện khiến USD chịu áp lực giảm".
Đồng bảng Anh ngày 24/9 tương đối vững ở mức 1,3717 USD sau khi tăng tới 1,3750 USD lúc kết thúc phiên liền trước – mức cao nhất kể từ ngày 20 tháng 9.
Đồng euro cũng đi ngang trong suốt phiên này, quanh mức 1,1738 USD, hồi phục từ mức thấp nhất trong hơn một tháng là 1,16835 USD chạm tới hôm 23/9.
Đồng đô la Australia – loại tiền nhạy cảm với các yếu tố rủi ro – giảm 0,2% xuống 0,7280 USD, từ mức cao nhất 1 tuần là 0,73165 USD.
Trên thị trường trong nước, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng ngày 24/9 là 23.828 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.439 VND/USD.
Tại các ngân hàng thương mại, giá USD và đồng Nhân dân tệ (CNY) biến động nhẹ. Vietcombank niêm yết giá USD ở mức 22.630 - 22.860 VND/USD (mua vào - bán ra); CNY ở mức 3.452 - 3.597 VND/CNY(mua vào - bán ra). BIDV niêm yết USD ở mức 22.665 - 22.865 VND/USD (mua vào - bán ra); CNY ở mức 3.470 - 3.572 VND/NDT (mua vào - bán ra).
Tỷ giá tiền tệ châu Á
Bitcoin trải qua một phiên biến động mạnh, khởi đầu ngày thuận lợi nhưng lao dốc vào cuối ngày do Trung Quốc tăng cường ‘đàn áp’ thị trường tiền điện tử.
Bitcoin đã giảm gần 5% trong ngày 24/9, từ chỗ có lúc đạt gần 45.000 USD lao dốc xuống còn 42.000 USD. Các đồng tiền nhỏ hơn cũng lao dốc theo, trong đó Ether giảm hơn 8% trong khi XRP giảm 7%.
PBoC ngày 24/9 thông báo sẽ ‘đàn áp’ giao dịch tiền điện tử, cấm các sàn giao dịch ở nước ngoài cung cấp dịch vụ cho các nhà đầu tư đại lục, tuyên bố sẽ cấm các tổ chức tài chính, công ty thanh toán và công ty internet tạo điều kiện cho giao dịch tiền điện tử, đồng thời sẽ tăng cường giám sát rủi ro từ các hoạt động này.
Joseph Edwards, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại nhà môi giới tiền điện tử Enigma Securities, cho biết: "Các thị trường tiền điện tử đang ở trong một trạng thái cực kỳ ‘yếu ớt’ và sự lao dốc của các loại tiền này cho thấy điều đó - một tâm trạng hoảng loạn".
Diễn biến giá Bitcoin trong ngày 24/9
Riêng vàng hôm nay tăng giá vững chắc do những lo ngại về số phận của Evergrande khiến một số nhà đầu tư chuyển tài sản sang vàng. Đồng USD yếu đi cũng hậu thuẫn giá vàng.
Đảo ngược lại mức giảm 1% ở phiên liền trước, giá vàng thế giới phiên 24/9 tăng, với vàng giao ngay thêm 0,7% lên 1.754,73 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn tháng 12 tăng 1.755,10 USD.
Về triển vọng thị trường, nhà phân tích hàng hóa Peter Fertig cho biết, với cảnh báo từ Bắc Kinh đối với các chính quyền địa phương nước này về rủi ro Evergrande có thể ‘sụp đổ’ là "một lời nhắc nhở rằng các rủi ro vẫn hiện hữu". Tuy nhiên, ông Fertig thêm rằng triển vọng các ngân hàng trung ương lần lượt nâng dần lãi suất cũng sẽ tác động đến thị trường tài chính toàn cầu.
Nhà phân tích Lukman Otunuga của FXTM cho biết sự tồn tại của những yếu tố không chắc chắn có thể đẩy nhà đầu tư về phía những tài sản an toàn như USD hay vàng. "Bất chấp sự thận trọng và căng thẳng trong tuần này, giá vàng vẫn tăng nhẹ 0,1%. Diễn biến này cho thấy thị trường vàng có thể còn có những động lực khác chứ không chỉ từ dự báo FED sắp tăng lãi suất hay giảm kích thích kinh tế", ông Otunuga kết luận.
Đối với USD, ngân hàng Westpac của Australia dự báo DXY sẽ đi ngang hoặc có thể nhích tăng một chút vào cuối năm nay, sau khi duy trì giữa khoảng 92,0-93,5 trong thời gian tới. Theo Westpac: "Tín hiệu rõ ràng của FED và việc nhích dần về phía các kế hoạch nâng lãi suất, chưa kể đến những yếu tố rủi ro xung quanh Evergrande, sẽ giữ cho Dollar index vững".
Trong khi đó, Ngân hàng Quốc gia Australia cho rằng DXY sẽ giảm mạnh xuống 89,6 vào cuối năm do tâm lý nhà đầu tư cải thiện và "không có yếu tố hỗ trợ rõ ràng nào trong ngắn hạn".
Tham khảo: Reuters, Coindesk, Bloomberg
Nguồn: