Chỉ số Dollar index (DXY) – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt của Mỹ - tuần trước tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng 20 năm do kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ quyết liệt hơn trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ khi mà lạm phát đang ở tốc độ nhanh nhất trong vòng 40 năm.
Nhưng các nhà đầu tư cũng đang băn khoăn liệu phần lớn thái độ ‘diều hâu’ của Fed đã tính toán kỹ lưỡng thực trạng tình hình hiện nay hay chưa? Và đà tăng giá của đồng USD có thể phải tạm dừng hay không?
Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản và công bố kế hoạch giảm bảng cân đối kế toán 9 nghìn tỷ USD khi kết thúc cuộc họp kéo dài hai ngày vào thứ Tư (4/5). Các nhà giao dịch nhìn chung dự kiến Fed sẽ nâng lãi suất tham chiếu lên 2,89% vào cuối năm, từ mức 0,33% hiện nay.
Nhận định của Chủ tịch Fed Jerome Powell khi kết thúc cuộc họp sẽ được thị trường xem xét kỹ lưỡng để tìm kiếm bất kỳ dấu hiệu mới nào về việc liệu ngân hàng trung ương Mỹ có tiếp tục tăng lãi suất để chống lại áp lực giá cả gia tăng ngay cả khi nền kinh tế suy yếu.
Chỉ số DXY kết thúc phiên 3/5 ở mức 103,43, giảm 0,12% so với phiên liền trước, sau khi đạt 103,93 vào thứ Năm tuần trước (28/4), mức cao nhất kể từ tháng 12 năm 2002.
Dữ liệu hôm thứ Ba (3/5) cho thấy tỷ lệ người có việc làm mới của Mỹ tháng 3 đã tăng lên mức cao kỷ lục do tình trạng thiếu công nhân vẫn tiếp diễn, cho thấy các nhà tuyển dụng trong thời gian tới có thể sẽ tiếp tục tăng lương cho người lao động và điều đó sẽ khiến lạm phát duy trì ở mức cao. Thứ Sáu tuần này (6/5), Chính phủ Mỹ sẽ công bố dữ liệu việc làm tháng 4 – dữ liệu quan trọng đang được thị trường chờ đợi.
Đồng đô la Australia tăng vọt trong phiên vừa qua sau khi Ngân hàng Dự trữ Australia tăng tỷ lệ lãi suất thêm 25 điểm cơ bản lên 0,35%, lần tăng đầu tiên trong hơn một thập kỷ, và phát tín hiệu sẽ tăng nhiều hơn nữa khi kết thúc các chương trình kích thích đã áp dụng trong giai đoạn đại dịch.
Đồng AUD kết thúc phiên tăng 0,60% lên 0,7094 USD.
Đồng euro cũng đã tăng lên 1,0526 USD, cao hơn 0,16% so với đóng cửa phiên liền trước, sau khi giảm xuống 1,0470 USD vào thứ Năm tuần trước (28/4), mức thấp nhất kể từ tháng 1 năm 2017.
Lo ngại về lạm phát, tăng trưởng và mất an ninh năng lượng do các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga sau khi bắt đầu thực hiện "chiến dịch đặc biệt" ở Ukraine đã khiến đồng euro giảm 14% so với đồng USD trong ba tháng qua.
Thủ tướng Italy Mario Draghi hôm 3/5 đã kêu gọi Liên minh châu Âu hành động để giải quyết vấn đề chi phí năng lượng tăng cao, nói rằng cần có "các giải pháp về mặt cơ cấu".
"Các vấn đề an ninh năng lượng của Liên minh châu Âu vẫn còn bấp bênh cho thấy rằng đồng euro chắc chắn vẫn chưa thoát khỏi mớ bùng nhùng hiện nay", Jane Foley, người phụ trách mảng chiến lược tiền tệ của Rabobank ở London, cho biết.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu có thể cần phải tăng lãi suất ngay sau tháng 7 để ngăn lạm phát quá cao trong thời gian dài, ông Isabel Schnabel thành viên hội đồng quản trị ECB nói với tờ báo Đức Handelsblatt hôm 3/5.
Đồng yên Nhật Bản tiếp tục ở mức thấp nhất trong vòng hơn 20 năm so với đồng USD sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tái khẳng định cam kết giữ lãi suất ở mức cực thấp bằng cách cam kết mua số lượng trái phiếu không giới hạn hàng ngày để bảo vệ mục tiêu lợi suất của mình.
Đồng yen Nhật Bản kết thúc phiên vừa qua ở mức 130,19 JPY, sau khi đạt mức 131,24 vào thứ Năm tuần trước (28/4), mức thấp nhất kể từ tháng 4 năm 2002.
Đồng đô la Mỹ cũng được hưởng lợi từ các dòng chảy tài sản tìm đến nơi trú ẩn an toàn khi các hạn chế chống COVID-19 ở Trung Quốc gây ra lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu và sự gián đoạn chuỗi cung ứng một lần nữa.
Tỷ giá các đồng tiền chủ chốt.
Thành phố Thượng Hải của Trung Quốc đã phong tỏa 25 triệu dân trong vòng hơn một tháng nay để ngăn chặn dịch bệnh, trong khi Thủ đô Bắc kinh đang tập trung xét nghiệm hàng loạt và cho biết sẽ đóng cửa các trường học.
Đáng chú ý, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc giao dịch trên thị trường quốc tế giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 17 tháng, gần sát 6,7 nhân dân tệ đổi một đô la Mỹ do các nhà đầu tư nước ngoài vẫn bi quan về động thái phong tỏa chống COVID-19 của Bắc Kinh - ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng kinh tế.
Theo đó, đồng nhân dân tệ giao dịch trên thị trường quốc tế (CNH) giảm xuống 6,6979 CNH/USD, thấp nhất kể từ tháng 11 năm 2020. Thị trường Trung Quốc đóng cửa từ thứ Hai đến thứ Tư tuần này (2-4/5).
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin mất hơn 1.000 USD trong 24 giờ qua, xuống khoảng 37.700 USD vào sáng 4/5.
Giá Bitcoin trong 24 giờ qua.
Giá vàng tăng trở lại do USD và lợi suất trái phiếu Mỹ giảm, với vàng giao ngay tăng 0,4% lên 1.870,56 USD/ounce vào lúc kết thúc phiên giao dịch, trong phiên có lúc chạm 1.849,90 USD, mức thấp nhất kể từ ngày 16 tháng 2; giá vàng giao tháng 6 tăng 0,4% lên 1.870,60 USD/ounce.
Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã giảm xuống mức 3% trong phiên vừa qua, cùng với USD giảm khiến vàng trở nên rẻ hơn đối với những người mua bằng các tiền tệ khác.
Thị trường vàng cũng đang chờ đợi kết quả cuộc họp của Fed. Nếu Fed tỏ thái độ ‘diều hâu’ hơn những gì đã thể hiện trong thời gian qua, giá vàng có thể sẽ quay đầu giảm trở lại. Tuy nhiên, nếu các nhà hoạch định chính sách của Fed tỏ ra hòa nhã hoặc căng thẳng địa chính trị leo thang hoặc lo ngại lạm phát tăng có thể đẩy vàng trở lại mức 1.900 USD/oz, các nhà phân tích của Standard Chartered cho biết.
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk
https://cafef.vn/usd-va-bitcoin-quay-dau-giam-vang-tang-khi-thi-truong-cho-doi-ket-qua-hop-cua-fed-20220504064652035.chnNguồn: