Ủy ban Kinh tế: Vẫn có thể giảm tiếp lãi suất, nghiên cứu nới quy định chuyển lỗ để hỗ trợ dòng tiền

23/11/2024
Theo báo cáo của Chính phủ, nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay. Nhiều ý kiến tại Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng vẫn có thể giảm tiếp.

Chính phủ đã có báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và dự kiến năm 2022, chuẩn bị trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai tới đây. Báo cáo đã được gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về chính sách tiền tệ, Chính phủ thông tin, năm 2021 đã đẩy mạnh việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng.

Cụ thể, lũy kế từ ngày 23/01/2020 đến nay, tổng số tiền lãi các tổ chức tín dụng (TCTD) miễn, giảm cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 là gần 26.000 tỷ đồng. Các TCTD vẫn đang tiếp tục thực hiện các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán trực tuyến, giảm lãi suất cho vay.

Liên quan đến kết quả giảm lãi suất và cập nhật mới, theo kế hoạch Ngân hàng Nhà nước sẽ có họp báo về kết quả điều hành chính sách tiền tệ quý 3 trong tuần này. BizLIVE sẽ thông tin thêm về nội dung cuộc họp này.

Còn về định hướng từ Chính phủ, theo báo cáo trên, trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022, Chính phủ xác định điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 dự kiến khoảng 12-13% (khi áp dụng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng, cho phép ngân hàng đủ vốn (theo chuẩn Basel II) và quản lý rủi ro tốt được chủ động tăng tín dụng với điều kiện tuân thủ các chỉ số an toàn).

Chính phủ cũng định hướng phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay, giám sát chặt chẽ tình hình phát sinh nợ xấu của các TCTD.

Phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng các công cụ, giải pháp điều hành chính sách tiền tệ nhằm đảm bảo thanh khoản, hỗ trợ TCTD sẵn sàng cung ứng đầy đủ và kịp thời vốn cho quá trình phục hồi kinh tế; lãi suất, tỷ giá biến động phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường.

Chủ động điều hành các giải pháp tín dụng nhằm kiểm soát quy mô, tăng trưởng tín dụng theo mục tiêu định hướng, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng và quá trình cơ cấu lại TCTD; tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là cấp tín dụng với mục đích đầu tư, kinh doanh bất động sản, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp...

Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế cho biết, theo Báo cáo của Chính phủ, lãi suất liên tục được điều chỉnh giảm, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng mức giảm 0,55% ở thời điểm cuối tháng 7/2021 so với cuối năm 2020 vẫn còn thấp, chưa đáp ứng kỳ vọng với mức độ khó khăn của doanh nghiệp, chưa thực sự tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân; dư địa để các ngân hàng giảm thêm lãi suất vẫn còn; doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ vẫn rất khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng ưu đãi với lãi suất cho vay thấp.

Cơ quan của Quốc hội đề nghị báo cáo rõ hơn các hoạt động hỗ trợ của các ngân hàng thương mại đối với doanh nghiệp, người dân và người lao động bị ảnh hưởng nặng từ dịch bệnh.

Nguy cơ gia tăng nợ xấu là hiện hữu, Ủy ban đề nghị báo cáo, phân tích rõ hơn về tăng trưởng tín dụng, kết quả xử lý nợ xấu, tình hình nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng, nhất là nợ xấu đối với tín dụng tiêu dùng, tín dụng của các khách hàng lớn, tín dụng đối với các dự án bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông, thực chất nợ xấu do cơ cấu lại nợ, không chuyển nhóm nợ; so sánh số liệu về nợ xấu trước và sau khi dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát.

Vẫn theo cơ quan thẩm tra,  trong bối cảnh kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn phát triển mạnh và có dấu hiệu “nóng”; đề nghị bổ sung phân tích, đánh giá rõ hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp bất động sản, tỷ lệ trái phiếu không có tài sản đảm bảo, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro trong tổng khối lượng phát hành; có chế tài xử lý nghiêm các doanh nghiệp lách luật phát hành trái phiếu sai quy định.

Năm 2022, Ủy ban Kinh tế đề nghị, đối với doanh nghiệp, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm, giãn, hoãn thuế, hỗ trợ hiệu quả hơn về cơ cấu lại nợ vay và phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay sâu hơn, nghiên cứu, xem xét việc áp dụng nới lỏng trong thời gian giới hạn quy định pháp luật về chuyển lỗ để giảm bớt khó khăn, hỗ trợ dòng tiền cho doanh nghiệp.

Ủy ban cũng cho rằng cần quyết liệt, hiệu quả hơn nữa trong cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu và các dự án, doanh nghiệp kém hiệu quả. Đánh giá, tổng kết cụ thể việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (sẽ hết hiệu lực vào tháng 8/2022).

Nguồn: