Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) kết thúc cuộc họp tháng 11 vào ngày 3/11, với kết luận bắt đầu giảm 15 tỷ USD trong tổng khối lượng trái phiếu mua hàng tháng, từ mức 120 tỷ USD/tháng đã áp dụng trong suốt giai đoạn đại dịch, song Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell, cho biết Fed sẽ chưa vội tăng lãi suất.
Ông Powell cho biết ngân hàng trung ương Mỹ sẽ "kiên nhẫn" trong việc quyết định khi nào tăng lãi suất qua đêm – hiện đang gần bằng 0.
"Cục Dự trữ Liên bang cuối cùng đã thừa nhận nền kinh tế đã đủ vững vàng để bắt đầu giảm tốc độ chương trình Nới lỏng định lượng (QE)", các nhà phân tích của ING viết trong một thông báo phát đi, và cho biết thêm rằng: "Nền kinh tế (Mỹ) đang tăng tốc trở lại và lạm phát sẽ chạm mức 6%, có nghĩa là áp lực buộc Fed phải kết thúc sớm QE và áp lực tăng lãi suất chắc chắn sẽ gia tăng."
Động thái này ban đầu được thị trường coi là có lợi cho các tài sản rủi ro, khiến các chỉ số chứng khoán Phố Wall đóng cửa phiên 3/11 vọt lên mức cao kỷ lục, trong khi đồng đô la Mỹ - với vai trò là nơi trú ẩn an toàn - giảm mạnh so với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt.
Tuy nhiên, sau đó các nhà đầu tư đã trấn tĩnh lại và có quan điểm cân bằng hơn về quyết sách tiền tệ của Fed cũng như bức tranh tổng thể mà Fed vẽ ra với những dữ liệu lạc quan đến từ lĩnh vực dịch vụ.
Chỉ số Dollar index, từ mức thấp 93,80 điểm ngay sau khi Fed kết thúc cuộc họp của Fed, đã đảo chiều hồi phục lên 94,25 điểm vào tối 4/11 theo giờ Việt Nam, mức cao nhất trong tuần này.
Kit Jukes, chiến lược gia kinh tế vĩ mô thuộc Societe Generale, cho biết: "Tôi nghĩ hầu hết mọi người đều coi USD giảm giá là cơ hội để mua vào".
Ông lưu ý rằng đồng euro vẫn chịu áp lực so với đồng đô la do Ngân hàng Trung ương châu Âu tụt lại xa sau Fed trong tiến trình thắt chặt tiền tệ.
Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), Christine Lagarde, hôm 3/11 đã khiến các nhà đầu tư giảm kỳ vọng vào khả năng ECB nâng lãi suất sớm khi nói rằng rất khó có khả năng một động thái như vậy trong năm 2022.
Đồng euro tối 4/11 giảm giá so với USD, mất 0,5%, còn 1,1578 đô la.
Bảng Anh ban đầu tăng mạnh mẽ so với USD (sau khi Fed kết thúc họp), song đến tối 4/11 cũng giảm 0,3% còn 1,3644 USD trong bối cảnh nhà đầu tư chờ đợi xem liệu các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) có công bố đợt tăng lãi suất đầu tiên sau đại dịch hay không. Biên bản cuộc họp Ủy ban Chính sách Tiền tệ của BoE sẽ được công bố vào đêm 4/11 theo giờ Việt Nam.
Các thị trường hiện vẫn đang kỳ vọng BoE sẽ nâng lãi suất, nhưng các nhà kinh tế tham gia cuộc thăm dò ý kiến của Reuters thì cho rằng động thái này có thể chưa xảy ra sớm như vậy, vì Anh cũng giống như các nền kinh tế khác trên thế giới, đang phải chật vật với tình trạng lạm phát tăng cao nhưng nếu nâng lãi suất sớm có thể ảnh hưởng đến quá trình hồi phục kinh tế, vốn vẫn còn mong manh.
Chuyên gia tiền tệ Jack Siu của Credit Suisse cho biết: "Động lực quan trọng đối với thị trường tiền tệ G10 là tốc độ và quy mô thắt chặt chính sách tiền tệ giữa các ngân hàng trung ương G10.", "Chúng tôi nghĩ rằng Ngân hàng Trung ương Anh sẽ phải cân nhắc kỹ càng do lạm phát gần đây tăng nhanh. Nhưng kỳ vọng chính sách tỷ giá của Vương quốc Anh đã đi quá xa, nên đồng bảng Anh không được hỗ trợ thêm nữa. Chúng tôi dự đoán tỷ giá GBP / USD sẽ vẫn dao động trong biên độ hẹp. "
Đồng yen giảm giá nhẹ so với USD, xuống 113,98 JPY, song dù sao mức này vẫn cao hơn mức thấp nhất nhiều năm là 114,69 JPY chạm tới vào tháng trước.
Đô la Australia giảm 0,26% xuống 0,7430 USD, tiếp tục xu hướng đi xuống sau khi Ngân hàng Dự trữ Australia có thái độ ôn hòa trong cuộc họp chính sách kết thúc vào ngày 2/11.
Các đồng tiền châu Á hầu hết đi ngang so với USD trong ngày 4/11, sau khi Fed công bố kết quả cuộc họp mới nhất. Riêng nhân dân tệ tăng mạnh, thêm 0,2%, phản ánh việc USD giảm giá lúc đầu phiên.
"Có thể ‘con voi bị nhốt trong chuồng hẹp’ sẽ là Trung Quốc", Jeffrey Halley, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao phụ trách khu vực Châu Á Thái Bình Dương của OANDA ví von. Ông cho rằng nếu Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng chậm lại, đồng nhân dân tệ sẽ giảm giá và điều đó sẽ "làm đau đầu" các nhà hoạch định chính sách tiền tệ ở các nước Châu Á khác.
Đồng baht Thái Lan, đô la Đài Loan và peso Philippines hầu hết đều không đổi trong ngày giao dịch 4/11.
Tỷ giá tiền tệ châu Á.
Trên thị trường tiền điện tử, đồng bitcoin giảm khoảng 2% xuống 61.589 USD trong bối cảnh giao dịch khá ổn định.
Đồng ether tiếp tục biến động theo xu hướng mạnh lên, ngày 4/11 có lúc gần chạm 4.700 USD, tối cùng ngày theo giờ Việt Nam vẫn trên 4.500 USD.
Diễn biến Bitcoin 24 giờ qua.
Giá vàng tăng do Fed tuyên bố sẽ kiên nhẫn trong chính sách lãi suất. Giá vàng giao ngay tối 4/11 theo giờ Việt Nam tăng 0,5% lên 1.777,40 USD/ounce, vàng kỳ hạn tháng 12 tăng 0,8% lên 1.777,20 USD/ounce.
Việc giá vàng tăng trong phiên này cho thấy thị trường vàng còn có nhiều mối quan tâm khác ngoài cuộc họp của Fed. "Fed không phải là một sự kiện bánh mì kẹp thịt, hay nói cách khác là tất cả không thú vị như vậy. Chúng tôi muốn thấy vàng vượt ra khỏi phạm vi giao dịch hẹp gần đây sau cuộc họp của Fed", nhà phân tích độc lập Ross Norman cho biết.
Tham khảo: Reuters, Coindesk
Nguồn: