Như chúng tôi đã thông tin, Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước (Uỷ ban) tại doanh nghiệp mới đây có văn bản cập nhật ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của 19 tập đoàn, tổng công ty. Uỷ ban cho biết, dự kiến cả năm 2020, nếu dịch bệnh kéo dài, giá dầu không phục hồi, doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty sẽ giảm khoảng 279.767 tỷ đồng so với kế hoạch. Ngoài ra sẽ có 8/19 tập đoàn, cổng công ty bị thua lỗ, tổng số lỗ khoảng 26.326 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước giảm khoảng 32.836 tỷ đồng so với kế hoạch.
Trên cơ sở đó, Uỷ ban đã đưa ra một số kiến nghị, đề xuất tới các bộ ngành liên quan về hỗ trợ thuế, tài chính, thương mại, đầu tư và chế độ chính sách cho người lao động. Đáng chú ý, Uỷ ban đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm có hướng dẫn trình tự, thủ tục khơi thông nguồn vốn, để các tập đoàn, tổng công ty sớm tiếp cận được gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng, thời hạn cho vay tối thiểu 3 năm, lãi suất 0% phục vụ nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thanh toán lương cho người lao động. Trong đó, Tổng công ty Hàng không Việt Nam đang rất khó khăn và đề nghị được hỗ trợ khoảng 12.000 tỷ đồng, bắt đầu từ tháng 4/2020 để duy trì hoạt động, bảo đảm thanh khoản cho doanh nghiệp.
Như vậy, rõ ràng là Uỷ ban đang muốn ngành ngân hàng tạo điều kiện cho tiếp cận gói tín dụng 250.000 tỷ đồng với lãi suất 0%. Việc này liệu có khả thi?
Trước hết cần khẳng định rằng, gói tín dụng 250.000 tỷ đồng kia không phải là khoản tiền do ngân sách Nhà nước bỏ ra để hỗ trợ nền kinh tế, mà đó là nguồn vốn của các ngân hàng thương mại, là tiền gửi của người dân và doanh nghiệp mà các ngân hàng đang phải trả lãi huy động, cao nhất tới hơn 8%/năm.
Gói tín dụng này, hiện đã lên tới 285.000 tỷ, với hơn chục ngân hàng cam kết cho vay, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp hay hộ gia đình chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 để phục vụ cho thanh khoản, nhu cầu vốn lưu động cũng như chi trả lương cho người lao động… với lãi suất thấp hơn mức lãi suất cho vay thông thường khoảng 0,5 - 1,5%/năm. Và đặc biệt, cơ chế, quy trình cho vay của gói tín dụng này cơ bản giống như cho vay thương mại thông thường, trách nhiệm vay – trả thuần túy là giữa các ngân hàng và bên vay vốn, có chăng thủ tục sẽ nhanh gọn hơn, linh hoạt hơn, lãi suất ưu đãi hơn tùy thuộc vào từng dự án, khách hàng vay vốn.
Như vậy, nhìn về bản chất của gói tín dụng 250.000 tỷ (hay 285.000 tỷ) thì việc vay được vốn với lãi suất 0% trong thời hạn 3 năm là điều gần như không tưởng. Ấy là chưa kể ngân hàng thương mại cũng là doanh nghiệp!
Tham vấn ý kiến của một số chuyên gia, chúng tôi cũng nhận được câu trả lời là đề xuất vay 0% với thời hạn 3 năm từ gói tín dụng 250.000 tỷ là điều bất khả thi. Các doanh nghiệp muốn vay ưu đãi, như đề xuất của Uỷ ban quản lý vốn là vay 0%, thì chỉ áp dụng được với gói an sinh xã hội, thời hạn vay tối đa chỉ 1 năm mà thôi.
Cụ thể, như trong Dự thảo gói hỗ trợ người lao động, đảm bảo an sinh xã hội để đối phó với tác động tiêu cực của dịch Covid-19 với tổng số tiền gần 61.600 tỷ đồng được Chính phủ công bố hôm 5/4 thì ngân sách Nhà nước hỗ trợ gần 35.900 tỷ đồng; có 6 nhóm sẽ được nhận hỗ trợ từ chính sách an sinh xã hội này, trong đó ưu tiên những người mất việc, giảm sâu thu nhập.
Riêng về nội dung vay vốn lãi suất 0%, dự thảo cho biết đó là các doanh nghiệp vay thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội, thời hạn không quá 12 tháng, mức vay tối đa theo 50% mức lương tối thiểu vùng/tháng/người để trả lương cho người lao động bị ngừng việc trong 3 tháng và có trách nhiệm trả số tiền lương ngừng việc còn lại cho người lao động, và dự kiến tổng gói này khoảng 16.200 tỷ đồng và dự kiến có 3 triệu lao động được hỗ trơ.
Liên hệ với phía Ngân hàng Nhà nước về đề xuất trên của Uỷ ban quản lý vốn, một cán bộ chuyên trách của cơ quan quản lý cho chúng tôi biết, khi Uỷ ban có đề xuất gửi lên chính thức thì phía NHNN cũng sẽ có những phản hồi cụ thể. Tuy nhiên do gói tín dụng này không phải của Nhà nước mà là của các ngân hàng thương mại cùng ra sức cho vay, nên việc có vay được vốn với lãi suất ưu đãi tới 0% hay không là do phía các đơn vị đó làm việc với bản thân các ngân hàng và do các ngân hàng quyết định.
NHNN thời gian qua (từ khi xảy ra dịch bệnh đến nay) đã có những chỉ đạo cụ thể để toàn ngành ra sức chung tay hỗ trợ doanh nghiệp, khách hàng và toàn xã hội khắc phục khó khăn do dịch bệnh gây ra, chẳng hạn các phương án cơ cấu lại nợ, giãn nợ, giảm lãi suất, miễn/giảm phí dịch vụ...
Nguồn: