Mới đây, một khách hàng vay mua ô tô là ông Trương Văn K, trú tại huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội bị đơn vị thu hồi nợ của ngân hàng cưỡng đoạt chiếc xe ô tô của ông khi xe đang lưu thông.
Trước đó, ngày 8/3/2018, ông K làm thủ tục vay thế chấp tại ngân hàng để mua chiếc xe ô tô mang nhãn hiệu Huyndai i10, với khoản vay 284 triệu đồng, để kinh doanh dịch vụ taxi. Phương thức trả nợ định kỳ hàng tháng gồm cả lãi và gốc.
Tuy nhiên, theo ông K, từ đầu năm 2021 đến nay, ngân hàng này không có thông báo nhắc khách hàng trả nợ với ông. Đến ngày 7/6/2021, phía đơn vị thu hồi nợ của ngân hàng đã bất ngờ tiến hành cưỡng đoạt chiếc xe taxi này khi đang trên đường chở khách.
Thời gian trước, cứ đến kỳ trả lãi phía ngân hàng đều thông báo trước cho khách qua điện thoại, nhưng 6 tháng nay ngân hàng không có thông báo nhắc.
Ngày 28/4/2021, ông K gọi điện cho nhân viên tín dụng của ngân hàng để hỏi về việc trả nợ và được phía ngân hàng thông báo rằng ông phải nộp 17 triệu đồng bao gồm tiền gốc, lãi, phí phạt của 6 tháng qua. Vấn đề khiến khách hàng bức xúc là phía ngân hàng cho người thu giữ xe giữa đường nhưng không thông báo trước cho ông.
Ảnh minh họa.
Trao đổi với PV Infonet về vụ việc, đại diện truyền thông của ngân hàng này khẳng định ngân hàng đã gửi thông báo bằng văn bản trước đó về việc thu giữ tài sản cho ông Trương Văn K. Tuy nhiên, địa chỉ đăng ký nhận văn bản và địa chỉ thường trú của khách hàng là hai nơi khác nhau nên văn bản này đã không đến được tay khách hàng và việc này là nằm ngoài ý muốn của ngân hàng.
Đại diện truyền thông nhà băng này cho biết, giữa ngân hàng và khách hàng (ông Trương Văn K) đã gặp nhau, trao đổi để tìm ra phương án hỗ trợ khách hàng.
"Chúng tôi sẽ hỗ trợ để khách hàng lấy được xe ra", vị đại diện ngân hàng này cho hay. "Chúng tôi vẫn thông báo cho khách hàng theo đúng địa chỉ do khách hàng đăng ký. Còn theo nguyên tắc thì đến hạn khách hàng phải trả nợ".
Trước đó, vào đầu tháng 6 vừa qua, một khách hàng của SB là anh Nguyễn Minh Đức, làm nghề tài xế taxi công nghệ tại Hà Nội cũng bức xúc về việc muốn đổi sang biển số màu vàng theo quy định của CSGT nhưng bị ngân hàng gây khó khăn.
Theo chia sẻ của anh Minh Đức trên một diễn đàn về ô tô hôm 6/6, trước đây anh vay tiền tại ngân hàng này chi nhánh Láng Hạ để mua ô tô, ngân hàng yêu cầu anh phải nộp đủ khoản nợ ngân hàng mới "cho mượn" giấy tờ gốc để đi làm thủ tục đổi sang biển vàng.
"Tôi nghĩ nếu ngân hàng nào cũng vậy thì 70% anh em mua xe nợ ngân hàng không có cơ hội mượn đăng ký để đổi biển vàng. Cực chẳng đã, tôi đã vay mượn để tất toán khoản vay này", anh Minh Đức cho hay.
Trao đổi với PV Infonet về vụ việc này, đại diện truyền thông SB trả lời do đây là nghiệp vụ của ngân hàng nên phía ngân hàng không thể trả lời. Tuy nhiên, bình thường thì ngân hàng vẫn cấp giấy tờ (bản sao) cho khách và CSGT vẫn căn cứ vào giấy này để làm việc.
Anh Trần Văn Sơn, một lái xe taxi công nghệ tại Hà Nội cho biết: "Tôi không biết quy trình tại SB như thế nào, nhưng ở ngân hàng tôi vay, lái xe chỉ cần cầm một bản công chứng của ngân hàng, còn bản gốc đăng ký xe do ngân hàng giữ. Ngân hàng sẽ đưa cho lái xe một loại giấy có thời hạn 3 hoặc 6 tháng tùy từng ngân hàng. Đây là tờ giấy photo công chứng đầy đủ, kèm xác nhận của ngân hàng thay cho bản gốc đăng ký. Lái xe có tờ giấy này là phương tiện đủ điều kiện lưu thông trên đường và CSGT hay cơ quan đăng kiểm chấp nhận tờ giấy này khi làm bất cứ thủ tục gì".
Trong khi đó, các tài xế taxi công nghệ đều khẳng định họ không gặp khó khăn gì khi đổi sang biển vàng vì đều được ngân hàng hỗ trợ thủ tục giấy tờ.
Theo luật sư, Điều 7 Nghị quyết 42/2017/QH14 về xử lý nợ xấu quy định: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu thực hiện công khai thông tin về việc tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm là động sản theo quy định sau đây:
Đăng tải thông tin trên trang thông tin điện tử của mình và thông báo về việc thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi bên bảo đảm đăng ký địa chỉ theo hợp đồng bảo đảm trước khi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm;
Thông báo cho bên bảo đảm bằng văn bản trước thời điểm thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm bằng cách gửi theo đường bưu điện có bảo đảm đến địa chỉ của bên bảo đảm theo hợp đồng bảo đảm hoặc gửi trực tiếp cho bên bảo đảm.
Quá trình thu giữ tài sản bảo đảm, chính quyền địa phương các cấp và cơ quan Công an nơi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm theo đề nghị của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu.
Nguồn: