Vay mua ô tô: Khách hàng 'ngồi trên đống lửa' bán chạy nợ vì Covid-19

12/01/2025
Nhiều khách hàng vay mua ô tô tại các ngân hàng như đang “ngồi trên đống lửa” khi không biết kiếm tiền ở đâu để trả nợ ngân hàng khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4. Còn các ngân hàng cũng đang lo ngại nợ xấu gia tăng, phải “chật vật” thanh lý ô tô để xử lý nợ.

Theo Tổng cục Thống kê, đến hết tháng 6/2021, hai đợt dịch đã ảnh hưởng xấu đến 12,8 triệu người lao động, trong đó có 557 nghìn người bị mất việc (chiếm 4,4%); 4,1 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh (chiếm 31,8%); 4,3 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên (chiếm 34,1%) và 8,5 triệu lao động báo cáo họ bị giảm thu nhập (chiếm 66,4).

Điều này đã gián tiếp khiến khách hàng vay tiền mua nhà, mua ô tô có nguy cơ bị siết nợ.

 Vay mua ô tô: Khách hàng ngồi trên đống lửa bán chạy nợ vì Covid-19 - Ảnh 1.

Nhiều khách hàng vay mua ô tô tại các ngân hàng như đang “ngồi trên đống lửa” khi không biết kiếm tiền ở đâu để trả nợ ngân hàng khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4. (Ảnh: CTG)

Vay mua ô tô: Kẻ lao đao, người tính bán "chạy nợ" vì Covid-19

Hồi cuối năm 2019, anh Nguyễn X.D. (Cầu Giấy, Hà Nội) vay vốn ngân hàng theo hình thức trả góp để mua một chiếc xe với giá trị gần 600 triệu đồng. Mỗi tháng, anh D. phải trả cho ngân hàng 10 triệu đồng cả gốc và lãi.

Tuy nhiên, chưa được bao lâu đại dịch Covid-19 bùng phát trong nước khiến cho nhu cầu đi lại của người dân bị hạn chế, thu nhập của anh D. và gia đình đều giảm sút, khoản tiền trả nợ hàng tháng trở nên vô cùng khó khăn.

"Từ đầu năm 2021, khi dịch tái bùng phát đến nay, gia đình đã không còn khả năng trả nợ nên buộc phải để ngân hàng phong tỏa tài sản đảm bảo là chiếc xe ô tô", anh D ngậm ngùi chia sẻ.

Tương tự, anh Nguyễn Đăng Th. (Quận 4, TP.HCM) cho biết, gia đình anh vay số tiền 900 triệu đồng đầu tư xe 7 chỗ chạy dịch vụ, song hiện tại anh này rất đau xót khi nhìn tài sản đứng yên, trong khi gánh nợ ngày càng lớn dần.

Cuối năm 2019, anh Mai Hồng D. (Hoài Đức – Hà Nội) vay 70% giá trị xe từ một ngân hàng thương mại cổ phần lớn và số tiền bình quân phải trả cho ngân hàng dao động từ 7-8 triệu đồng/tháng, trong khoảng thời gian 8 năm.

Anh D. cho biết ban đầu chạy xe có có thu nhập ổn định, mỗi tháng từ 15-18 triệu đồng/tháng. Khoản thu nhập này đủ để anh chị trả tiền vay mua ô tô hàng tháng, và gần 6 triệu trả gốc và lãi vay mua nhà ở xã hội mà gia đình anh vay mua nhà từ năm 2016 cho đến nay.

"Trước khi dịch bùng phát lần thứ 4, lượng khách đã sụt giảm từ 30% - 40% so với trước dịch, đến bây giờ vừa giãn cách nhưng cũng vừa sợ dịch bệnh nên 2 tháng nay tôi cho xe "nghỉ tết" sớm. Một lúc gánh 2 khoản nợ mua nhà và mua xe, tôi rất mong ngân hàng giảm mạnh lãi vay, giảm mức tiền đóng hàng tháng, kéo giãn thời gian trả góp để vượt qua giai đoạn khó khăn. Nếu dịch bệnh kéo dài, gia đình buộc phải bán xe để trả nợ", anh D, nói.

 Vay mua ô tô: Khách hàng ngồi trên đống lửa bán chạy nợ vì Covid-19 - Ảnh 2.

Khách hàng vay mua ô tô xin gia hạn và cơ cấu nợ. (Ảnh: NLD)

Mới đây, ông Bùi Th.(TP.HCM) là lao động tự do cũng phản ánh, ông vay ngân hàng mua xe ô tô trả góp hàng tháng để làm phương tiện đi làm và chở khách để có thêm thu nhập. Nhưng do tình hình dịch bệnh phức tạp, ông Thái phải nghỉ việc nên không có khả năng trả góp cho ngân hàng.

Ông Th. có tham khảo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước về việc xin gia hạn và cơ cấu nợ vay. Tuy nhiên, hiện do tình hình dịch Covid-19 phải cách ly nên ông Th. vẫn chưa xin được "ưu ái" của ngân hàng bởi vẫn còn loay hoay với yêu cầu phải nộp đơn xin gia hạn trực tiếp tại ngân hàng.

"Cái khó" của ngân hàng

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho biết, trước khó khăn chung của nhiều khách hàng trong bối cảnh dịch bệnh, ngân hàng đã cơ cấu nợ cho một số khách hàng vay mua ô tô theo hướng giãn nợ hoặc giảm số tiền phải trả nợ hàng tháng, kéo dài thời gian vay để phù hợp với thu nhập hiện nay của khách hàng. Với những trường hợp xét thấy không còn khả năng thanh toán, có nguy cơ mất vốn, ngân hàng sẽ thu hồi tài sản, thanh lý để xử lý nợ.

Tuy nhiên, việc thanh lý tài sản đảm bảo là ô tô lại đang gặp nhiều khó khăn, gây khó cho các ngân hàng mặc dù xe ô tô bị siết nợ được ngân hàng rao bán nhận được sự quan tâm nhất của cộng đồng, bởi giá thanh lý khá rẻ so với các sản phẩm tương tự đang được bán ngoài thị trường.

 Vay mua ô tô: Khách hàng ngồi trên đống lửa bán chạy nợ vì Covid-19 - Ảnh 3.

Ô tô thanh lý của ngân hàng. (Ảnh: VIB)

Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường trầm lắng, cộng thêm nhiều người dân và nhà đầu tư cũng khó khăn về dòng tiền nên khó thu hút giao dịch.

Bên cạnh đó, nhiều người dân Việt Nam có tâm lý kiêng kỵ mua những xe thanh lý do chủ cũ bị thua lỗ, thế chấp ngân hàng sẽ vướng vận đen, không tốt cho bản thân, gia đình và công việc kinh doanh.

Tại một hội thảo diễn ra gần đây, phụ trách quản lý tài sản nợ đã thu hồi của một ngân hàng tại Hà Nội cũng phải thừa nhận, từ đầu năm đến nay, số ô tô thu hồi của khách hàng tăng nhanh, thu cả hàng trăm chiếc nhưng bán thì chẳng được bao nhiêu, càng để càng hư hại. Có nhiều xe mang đấu giá tới 4-5 lần chẳng ai mua. Mỗi lần đấu giá lại giảm 5%, tới lần thứ 4 giá giảm 20% so với định giá ban đầu, vậy nhưng đến nay vẫn để không. Bãi xe của ngân hàng giờ đã đầy, còn xe để lâu ngày cũng hỏng nhưng luật đã quy định, ngân hàng không thể không siết nợ khi món vay toàn tiền trăm triệu tới cả tỷ đồng", vị này kể.

Khảo sát tại trang thông tin của một số ngân hàng cũng cho thấy, lượng xe các ngân hàng rao bán thanh lý đều tăng cao.

Như tại TPBank, chỉ từ đầu tháng 6 đến nay, ngân hàng này đã phát ra 10 thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản là nhiều loại xe với nhiều mức giá khác nhau.

VPBank từ đầu tháng 6 đến nay cũng đã thông báo rao bán 44 chiếc xe ô tô, với giá khởi điểm 240-400 triệu đồng.

Còn tại VIB, từ đầu năm đến nay, hàng trăm xe ô tô cũng đã được ngân hàng rao bán thanh lý, đấu giá, nhiều xe chỉ có giá khởi điểm hơn 60 triệu đồng…

Nguồn: