Quảng cáo trên app cho vay
H.Võ, quản trị viên một diễn đàn tập hợp những “con nợ” luôn tìm cách “bùng” tiền vay từ các công ty tài chính và các nhóm tín dụng đen, chia sẻ: “Nhiều bạn cứ sợ mấy công ty tài chính đe dọa khủng bố. Trước sau gì cũng phải trả nợ nếu không muốn thông tin nợ xấu lên CIC (nếu xác định sau này vay vốn), nên đừng nghĩ xin xỏ làm gì cho mệt. Vì có xin kiểu gì họ cũng vẫn đòi nợ; lãi vẫn cứ lên và công ty tài chính cũng chẳng giảm cho đồng nào…”.
Không chỉ các tổ chức tín dụng đen hay các công ty tài chính trong nước vốn đã quá nhiều tai tiếng, một số công ty tài chính nước ngoài hoạt động tại Việt Nam cũng bị người vay tố có nhân viên hành xử côn đồ. Trong giới này vẫn còn truyền tai nhau câu chuyện một nhân viên thu nợ thuộc một công ty tài chính có tên L.F từng dọa “đốt nhà” khách hàng. Rất may anh ta mới chỉ dừng lại ở mức độ dọa nạt nhưng hậu quả để lại là sự ảnh hưởng nghiêm trọng về hình ảnh của một tổ chức tín dụng từ nước ngoài vừa mới 'chân ướt chân ráo' vào Việt Nam.
Những tin nhắn đòi nợ khủng bố con nợ. |
|
Một công ty tài chính nước ngoài khác gần đây cũng trở thành tâm điểm về những cách đòi nợ kiểu dọa nạt đối với những khách hàng “khó bảo”.
An Nhiên, một khách hàng từng trễ nợ, cho biết: “Mình trễ vài ngày là công ty này cho người nhắn tin hăm dọa tùm lum. Đến ngày thứ 12 thì họ không chỉ nhắn tin đe dọa mình với những lời lẽ khó nghe mà còn nhắn tin cho người quen của mình”.
Cùng cảnh ngộ, anh Ngọc Dương, một khách hàng vay nợ chậm trả nợ cho biết, vì chậm trả nợ nên anh bị phạt 1,5 triệu đồng gọi là phí chậm nộp, không đồng ý với mức phạt này, giờ đây anh phải đối mặt với mức phạt lên đến 4,2 triệu đồng.
Với mức lãi suất theo kiểu “hút máu” người đi vay, các công ty tài chính và cả các nhóm tín dụng đen thường phải chấp nhận một tỷ lệ rủi ro nhất định là người vay “xù nợ”. Thực tế có những “con nợ” chây ỳ cùng lúc 4-6 app vay tiền online và luôn phải sống trong tâm trạng sợ hãi, điều mà khi vay họ đã bất chấp không thèm đếm xỉa đến.
Ngân hàng và app cho vay tiền chạy đua cho vay lãi suất cắt cổ. |
|
Anh N.V.T, nhân viên thu nợ thuộc một công ty tài chính lớn chia sẻ: “Nhiều khi muốn nhẹ nhàng với con nợ cũng không được nếu đối tượng cho thấy rõ biểu hiện không muốn trả nợ. Thậm chí, có những trường hợp khách hàng chơi trò ú tim khiến chúng tôi phải mật phục rồi truy tìm như phim hành động”.
Ở góc độ người đi vay, việc nợ nần chồng chất, không còn khả năng trả nợ khiến họ cảm thấy cuộc sống không lối thoát. Cũng trên diễn đàn nói trên, một thanh niên có nick name “Tùng...” tâm sự: “Em đang nợ 100 triệu đồng. 3 cái ngân hàng 60 triệu đồng, 20 triệu đồng lãi, 10 triệu đồng cắm đăng ký xe, và một bát họ 5 triệu đồng. Vừa hôm trước bên ngân hàng TPB gửi giấy về thông báo số nợ 30 triệu đồng, gia đình biết và đang tính trả cho em số tiền mà ngân hàng này thông báo. Gia đình hỏi em vay ở đâu nữa mà em vẫn giấu, mấy hôm nay nó (nhân viên thu nợ - PV) chửi rất nhiều. Thực sự áp lực quá, lúc nghĩ đến cái chết, lúc nghĩ bỏ nhà đi thật xa”.
Trát đòi nợ kiểu khủng bố người vay chậm trả nợ |
|
Tâm sự của gã trai "lầm đường lạc lối" nhận được vô số lời khuyên từ những người đồng cảnh ngộ. Hầu hết mọi người khuyên anh chàng này nên mạnh dạn “khai báo” hết với gia đình rồi làm lại từ đầu: “Cảnh nợ nần xoay tiền suốt ngày rồi bị nã điện thoại thật là kinh khủng. Cách duy nhất chỉ có nói thật với gia đình, nhờ gia đình giúp đỡ rồi làm lại từ đầu thôi, chứ càng cố giấu thì càng lún sâu vào nợ nần không thoát ra được”; “Kinh nghiệm của mình đây. Đã báo là báo hết đi, cứ giấu giấu sau này lòi ra cha mẹ biết nữa là sốc lần 2”...
Nguồn: