Vay vốn ngân hàng: Doanh nghiệp vẫn vướng cảnh “trần ai”

15/12/2024
Để tiếp cận vốn ưu đãi ngân hàng, vẫn còn cảnh “trần ai” vì doanh nghiệp vẫn phải nhiều lần làm văn bản, cùng các hồ sơ thủ tục, chưa kể mức lãi suất được hưởng ưu đãi rất ít.

Nhu cầu tín dụng tăng vọt

Kinh tế xã hội Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2022 có nhiều điểm sáng, trong bối cảnh kinh tế thế giới duy trì đà hồi phục, các hoạt động sản xuất được đẩy mạnh, chuỗi cung ứng toàn cầu bắt đầu được khơi thông. Tuy nhiên, những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới lại cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến tăng trưởng toàn cầu, trong đó có Việt Nam, mặc dù sự phục hồi của doanh nghiệp Việt Nam vẫn được đánh giá có nhiều khởi sắc, đi cùng với đó là nhu cầu tiếp cận tín dụng ngân hàng ngày một tăng cao.

Vay vốn ngân hàng: Doanh nghiệp vẫn vướng cảnh “trần ai” - Ảnh 1.

Tiếp cận tín dụng là bài toán sống còn của các doanh nghiệp để triển khai kế hoạch kinh doanh trong thời điểm này

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm ngày 21/3, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,49% so với cuối năm 2021, cùng thời điểm, huy động vốn của các tổ chức tín dụng đã tăng 2,15%, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế tăng 4,03%.

Do sức cầu vốn tăng tăng cùng với động lực hạ lãi suất, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng khá tốt trong những tháng đầu năm, mặt bằng lãi suất có biến động do nhu cầu vốn của nền kinh tế tăng dần, mức điều chỉnh không quá lớn. Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn với các lĩnh vực ưu tiên là 4,5%/ năm, sản xuất kinh doanh thông thường là từ 7-10,5% một năm và 8,5 -12 % một năm cho trung và dài hạn, còn cho vay tiêu dùng dao động ở mức 8,5 - 13 % một năm.

Kể từ sau Tết nguyên đán đến nay, hầu hết các ngân hàng thương mại đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động cao hơn, để thu hút lượng tiền gửi bù đắp cho thanh khoản căng thẳng do tín dụng tăng mạnh và áp lực lạm phát gia tăng. Dự báo trong thời gian tới, nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp tiếp tục tăng cao, khi năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% và có điều chỉnh phù hợp với chuyển biến tình hình thực tế.

Tuy nhiên, ở giai đoạn phục hồi trong bối cảnh năng lực tài chính đã bị bào mòn khi dịch COVID-19 xảy ra liên tiếp trong 2 năm vừa qua, khiến cho tiếp cận tín dụng là bài toán sống còn của các doanh nghiệp để triển khai kế hoạch kinh doanh trong thời điểm này.

Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Quốc Tuấn, Tổng giám đốc công ty cổ phần AQuawoo cho biết, ngân hàng vẫn luôn là kênh dẫn vốn truyền thống của các doanh nghiệp tại Việt Nam và thường cho vay dựa trên tài sản đảm bảo hoặc tín chấp. Tuy nhiên, rất ít doanh nghiệp có thể vay vốn dựa trên tín chấp. Còn về mặt tài sản đảm bảo thì cũng rất hạn chế đối với doanh nghiệp. Do đó, rất mong các tổ chức ngân hàng ngân hàng nhà nước có thể hỗ trợ nguồn vốn vay phù hợp cho doanh nghiệp, giúp đẩy mạnh đầu tư, không chỉ để nâng cấp nhà máy, tăng năng suất mà còn đáp ứng nhu cầu lớn của các khách hàng hiện có.

Có thể thấy, thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách liên quan tới việc hỗ trợ doanh nghiệp thông qua nhiều hình thức, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn cảm thấy loay hoay trong việc tiếp cận tín dụng.

Bà Ngô Thị Lương, Tổng giám đốc công ty cổ phần sản xuất kinh doanh VNS chia sẻ, công ty có nhận được sự hỗ trợ của ngân hàng đó là giảm lãi trên vốn lưu động và lãi cho món trung và dài hạn cho đầu tư máy móc thiết bị, nhưng giảm không đáng kể. Bởi vì theo sự trả lời của ngân hàng, doanh nghiệp sản xuất đã được tiếp cận gói ưu đãi nhất rồi, nên nếu được giảm thì chỉ được giảm một ít nữa so với dịp đại dịch COVID xảy ra. Song, để tiếp cận với ưu đãi thì đúng là “trần ai” vì doanh nghiệp phải làm văn bản lên lần thứ tư cùng nhiều hồ sơ thủ tục khác.

Đề xuất chính sách để DNNN tiếp cận vốn vay ưu tiên với các ngành đặc thù

Gỡ khó cho doanh nghiệp...

Việc khó tiếp cận nguồn vốn vay thực chất đến từ cả hai phía, một mặt các doanh nghiệp đã suy yếu do ảnh hưởng của dịch bệnh trong 2 năm, sức khỏe tài chính không đủ để đáp ứng các tiêu chuẩn vay. Trong khi về phía ngân hàng, dù vẫn tăng trưởng mạnh về tín dụng nhưng cũng rất lo ngại về tỷ lệ nợ xấu đang gia tăng, nên cẩn thận hơn trong các quyết định giải ngân của mình.

Vay vốn ngân hàng: Doanh nghiệp vẫn vướng cảnh “trần ai” - Ảnh 2.

Doanh nghiệp kỳ vọng, mức lãi suất giảm dưới 5% thì doanh nghiệp mới có nguồn vốn và tính toán chiến lược để thực hiện kế hoạch kinh doanh

Ông Đào Ngọc Long, Giám đốc công ty cổ phần Greenspan cho biết, sau đợt dịch kéo dài, các công ty mở cửa hoạt động trở lại nhưng đa phần đều gặp khó khăn khi các dự án vừa khởi động trở lại, nguồn thu bắt đầu có nhưng vẫn chậm, khiến doanh nghiệp khó khăn về dòng tiền.

“Nếu để đề xuất hỗ trợ từ Chính phủ, chúng tôi mong chính phủ và ngân hàng có những hỗ trợ như là miễn giảm lãi suất trong thời gian phục hồi. Nhà nước có thể xem xét trong 6 tháng đến một năm cho hoạt động sản xuất kinh doanh và sau thời gian hỗ trợ giảm lãi suất đó, thì vẫn có chính sách điều chỉnh mức lãi suất thấp hơn. Chúng tôi kỳ vọng, mức lãi suất giảm dưới 5% thì doanh nghiệp mới có nguồn vốn và tính toán chiến lược để thực hiện kế hoạch kinh doanh, còn khi lãi suất cao thì việc xoay vòng cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh áp lực rất lớn”, ông Long bày tỏ.

Bên cạnh các chính sách về lãi vay, thời hạn vay, thì việc nghiên cứu đưa ra các gói tín dụng phù hợp với thực tế hoạt động của doanh nghiệp cũng là một giải pháp quan trọng để có thể tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận vốn của doanh nghiệp ở thời điểm này.

Bà Ngô Thị Lương bày tỏ thêm, khi doanh nghiệp muốn đầu tư mô hình bán tự động phục vụ sản xuất, nhưng hầu như máy móc này rất đắt tiền, trong khi đầu tư theo quy trình công nghệ thì phải đủ máy, đủ dây chuyền với số tiền khá lớn. Do vậy, doanh nghiệp muốn chuyển đổi nhưng điều kiện cần và đủ đều chưa đủ, thì không thể chuyển đổi được. “Doanh nghiệp mong Chính phủ đưa ra một một số các gói hỗ trợ, ví dụ chúng tôi sẽ làm một phương án chuyển đổi bán tự động, để khi mua máy sẽ được ưu đãi với phần lãi suất ưu đãi và lấy chính dàn máy đó để thế chấp ngân hàng luôn, chứ không cần tài sản đảm bảo nào khác”, vị nữ doanh nhân đề xuất.

Liên quan đến vấn đề đa dạng nguồn vốn tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế đánh giá, quy mô thị trường vốn tại Việt Nam vẫn còn khá nhỏ so với nhiều quốc gia trong khu vực, thiếu tính ổn định, các sản phẩm còn ít, tính minh bạch, chuyên nghiệp và tuân thủ chưa cao, trong khi chế tài chưa đủ sức răn đe… Do đó, giải pháp cần đưa ra với các doanh nghiệp là phải minh bạch hoạt động và báo cáo tài chính, phải tăng hiểu biết về tài chính - tín dụng, bảo lãnh và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; tăng cường liên kết, tham gia chuỗi giá trị với các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.

“Về phía doanh nghiệp, nên chủ động tiếp cận với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng trong hai năm. Một kênh tiếp cận vốn đáng chú ý hiện nay nữa là cho thuê tài chính, đây là một loại nguồn vốn rất tích cực vì thủ tục đơn giản, không cần tài sản thế chấp. Tới đây, Chính phủ sẽ sớm hoàn thiện khung pháp lý cho phát triển hoạt động cho thuê tài chính và Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm có hướng dẫn để triển khai gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng theo Nghị định của Chính phủ”, vị chuyên gia cho biết.

Nguồn: