Vay vốn rẻ mùa dịch: Coi chừng 'tính già hóa non'

29/03/2024
Nhiều ngân hàng giảm lãi suất vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân trong dịch COVID-19. Không ít người tận dụng cơ hội này vay vốn rẻ để đầu tư, đảo nợ… bất chấp chuyên gia cảnh báo rủi ro.

Tận dụng nguồn vay rẻ

Hiện nay, lãi suất vay mua nhà ở ngân hàng (NH) VIB là 10,6%/năm. Trước dịch, lãi suất ở mức 10,8-11%/năm. Bà Đỗ Thị Nguyệt (42 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM) kể: “Tôi đã chọn được căn hộ ở khu vực quận Bình Tân (TPHCM) rộng 75m2 có 2 phòng ngủ, giá tầm 1,7 tỷ đồng. Do dịch bệnh, chủ nhà cần tiền cần bán nhà gấp với giá khá mềm. Tôi bèn liên hệ với ngân hàng (NH), được giải ngân ngay gói ưu đãi để mua nhà dễ dàng, nhanh chóng”.

Trong khi đó, ông Mai Trường Duy, chủ một doanh nghiệp cơ khí ở quận 6, TPHCM, đang tìm cách vay vốn rẻ từ NH để đảo nợ. “Công ty bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 nhưng muốn NH hỗ trợ không dễ chút nào. Doanh nghiệp phải chứng minh bị tổn thất trên 20% tổng thu nhập và có phương án khắc phục sau khi COVID-19 đi qua; hoặc chứng minh không còn khả năng trả nợ do bị mất nguồn thu nhập…

Nếu đủ các điều kiện, NH hỗ trợ bằng hình thức kéo dài thêm một khoảng thời gian trả nợ gốc, lãi vẫn trả bình thường. Thế nên tôi muốn vay nợ mới để trả dứt nợ cũ, vì dù sao khoản nợ mới lãi suất vẫn dễ thở hơn trong lúc này”, ông nói.

Phải cẩn trọng

Theo tìm hiểu thực tế của phóng viên, đa số NH có rất ít ưu đãi cho cá nhân, những khoản giảm chỉ áp dụng với tiền gốc. Đại diện một NH thương mại ở quận 3, TPHCM cho hay, ưu đãi giảm hẳn 0,5%/năm trong năm đầu tiên khoản vay mới. Sau khi tính toán, mức giảm này được áp dụng cho tiền gốc, còn tiền lãi không có gì thay đổi. Nhân viên VIB khẳng định, lãi suất vay mua nhà giảm là do nhu cầu thị trường đi xuống, chứ không có khoản vay rẻ nào mùa dịch COVID-19. Có chăng chỉ những khách hàng đã vay trước 30/12/2019, đang trả nợ và giải ngân trước giai đoạn này thì mới được ưu đãi.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, lưu ý: “Vay vốn rẻ trong mùa dịch để đầu tư bất động sản, đảo nợ… phải cẩn trọng vì tính rủi ro cao. Tùy theo hợp đồng cho vay, nếu hợp đồng có lãi suất rẻ trong mùa dịch COVID-19 nhưng sau dịch, NH thường lấy lãi suất huy động bình quân của những NH lớn, sau đó cộng thêm biên độ 3-5% trên lãi suất cơ bản, mức lãi suất không hề thấp, thường từ 10-12,5%/năm. Do đó, khách hàng phải biết NH tính lãi suất như thế nào trong và sau mùa dịch, còn nếu cứ “tính già hóa non”, thấy lãi suất rẻ mà ký hợp đồng thì coi chừng ôm hận”.

Theo các chuyên gia kinh tế, gần đây, nhiều khách hàng có ý định vay vốn rẻ để đầu tư “lướt sóng” bất động sản hoặc đảo nợ. Đây là cách làm nhiều rủi ro vì hầu hết NH lớn chỉ hạ lãi suất thêm 0,5-1% trong vài tháng, có NH kéo dài một năm, nhưng chỉ thấp hơn 0,2-0,5%, mức giảm không đáng kể. Sau thời gian hưởng lãi suất ưu đãi thấp, lãi vay cũng sẽ quay lại mức lãi cao hơn, có thể 11-13%/năm, thậm chí 15%/năm tùy theo NH.

Hơn nữa, để hoàn tất một hồ sơ vay, mất rất nhiều thời gian, mà thời điểm dịch bệnh, NH xét duyệt sẽ gặp khó khăn hơn. Thu nhập người vay giảm, phần thẩm định hồ sơ vay cũng sẽ không được như trước. Chưa kể dịch COVID-19 chưa biết bao giờ mới kiểm soát được hoàn toàn, nên vay tiền đầu tư lúc này khá mạo hiểm.

TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, cho rằng, các NH nói giảm lãi suất để hỗ trợ mùa dịch nhưng thực tế lãi suất vẫn quá cao. Thực chất, họ đang thu hút khách hàng, chứ chưa có chính sách hỗ trợ thật sự hấp dẫn với nhu cầu người tiêu dùng. Ông Hiển kể, ông từng trò chuyện với một số nhân viên NH và được biết, mức lãi suất giảm 0,2-0,3% mà NH nói hỗ trợ khách hàng mùa dịch thực ra là mức lãi suất đã giảm từ cuối năm 2019, khi giá bất động sản đang chững lại và đi xuống.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/3, tín dụng toàn nền kinh tế và hệ thống NH tăng 1,3% so với đầu năm. Nhờ giảm lãi suất thông thường từ 0,5-3%/năm, các tổ chức tín dụng đã cho vay mới 354.286 khách hàng với doanh số hơn 165.000 tỷ đồng. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo vay 60.000 tỷ đồng, buôn bán lẻ vay 43.000 tỷ đồng; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản vay 16.000 tỷ đồng…

Nguồn: