Vì sao lại siết cầm cố sổ tiết kiệm?

27/11/2024
Việc kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay cầm cố sổ tiết kiệm có thể ảnh hưởng đến huy động vốn trung - dài hạn của các ngân hàng.

Nhiều năm qua, cho vay cầm cố bằng sổ tiết kiệm là một nghiệp vụ khá phổ biến, được nhiều ngân hàng (NH) thương mại triển khai nhằm tạo thuận lợi cho khách hàng.

Xử lý nghiêm nếu cố tình vi phạm

Theo đó, sổ tiết kiệm có thể được dùng làm tài sản bảo đảm để vay tiền cho những nhu cầu kinh doanh, tiêu dùng, bảo lãnh cho người thân vay NH, con cái đi du học... Mức vay thường lên tới 90%, thậm chí 100% giá trị sổ tiết kiệm.

Chị Ngọc Khanh (ngụ quận Tân Bình, TP HCM) cho biết lần nào đi gửi tiết kiệm, chị cũng được nhân viên giao dịch khuyên chọn kỳ hạn dài để được lãi suất cao. "NH nói khi cần tiền gấp, tôi có thể thế chấp sổ tiết kiệm để vay tiền sử dụng rồi hoàn trả NH. Lãi suất vay có cao nhưng thời gian vay ngắn nên tiền lãi cũng không đáng là bao, đổi lại, tôi không phải rút tiền trước hạn. Nhưng vì tính lo xa nên tôi vẫn chọn gửi kỳ hạn ngắn cho yên tâm" - chị Ngọc Khanh kể.

Lãnh đạo các NH thương mại đều thừa nhận cho vay cầm cố bằng sổ tiết kiệm trước nay là nghiệp vụ khá phổ biến. Sổ tiết kiệm cũng như các loại giấy tờ có giá khác sẽ được NH cầm cố rồi cho vay khi khách hàng có nhu cầu. Chẳng hạn, khách hàng mở sổ tiết kiệm tại NH nhưng cần vốn đột xuất khi sổ tiết kiệm chưa đến hạn có thể thế chấp chính sổ này để vay lại với lãi suất ưu đãi. Biện pháp này có lợi hơn nhiều so với rút trước hạn sẽ chỉ được lãi suất không kỳ hạn rất thấp…

Vì sao lại siết cầm cố sổ tiết kiệm? - Ảnh 1.

Một số ngân hàng than phiền việc kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay từ việc cầm cố sổ tiết kiệm sẽ gây khó cho khách hàng cũng như việc huy động vốn trung và dài hạn

Tuy nhiên, mới đây NH Nhà nước (NHNN) lại có văn bản gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài (không bao gồm quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô) cảnh báo về cho vay cầm cố sổ tiết kiệm không có phương án sử dụng vốn vay.

Văn bản nêu rõ qua công tác thanh tra, giám sát, NHNN nhận thấy có hiện tượng một số tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài cho khách hàng vay có bảo đảm bằng cầm cố sổ tiết kiệm nhưng không có phương án sử dụng vốn vay; vi phạm quy định về sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để giải ngân. Do đó, NHNN yêu cầu tổ chức tín dụng không thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về cho vay, lãi suất huy động bằng ngoại tệ, sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để giải ngân vốn vay và kiểm soát chặt chẽ khoản vay… "Đặc biệt, NH thương mại phải kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay và giải ngân vốn vay khi khách hàng bảo đảm bằng cầm cố sổ tiết kiệm. NHNN sẽ xử lý nghiêm các tổ chức tín dụng cố tình vi phạm" - cơ quan Thanh tra Giám sát NHNN nêu rõ.

Ngoài ra, các tổ chức tín dụng cần tăng cường công tác tự kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ quy định pháp luật và quy định nội bộ liên quan đến hoạt động huy động vốn và cho vay, đặc biệt là các khoản cho vay có bảo đảm cầm cố sổ tiết kiệm.

Kiểm soát là cần thiết

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về yêu cầu siết mục đích vay cầm cố sổ tiết kiệm, giám đốc kinh doanh một NH cổ phần quy mô vừa tại TP HCM cho rằng khách hàng thế chấp sổ để vay tiền chủ yếu cho nhu cầu vốn đột xuất, vay tiêu dùng nên rất khó chứng minh mục đích sử dụng vốn. Nếu NHNN bắt buộc người vay phải chứng minh mục đích mới được giải ngân sẽ gây khó cho khách vừa khó cho cả NH trong việc huy động vốn trung - dài hạn. Bởi nếu gửi tiền kỳ hạn dài, đến khi cần vốn đột xuất lại không được vay cầm cố sẽ không còn ai chọn tiết kiệm trung và dài hạn nữa.

"Chưa kể, một số NH cố tình lách luật tìm cách hợp thức hóa vi phạm, trong khi những NH tuân thủ tốt có thể bị "vạ lây" từ động thái cảnh báo và xử lý của NHNN" - vị này nêu giả thiết và khẳng định hầu hết các khoản cho vay bảo đảm bằng sổ tiết kiệm ở NH ông đều không phát sinh nợ xấu.

Chuyên gia tài chính - TS Cấn Văn Lực cho rằng việc NHNN cảnh báo cho vay cầm cố sổ tiết kiệm phải bảo đảm phương án vay nhằm nhắc nhở tổ chức tín dụng để hoạt động tín dụng có tính thực chất, được phản ánh đúng số liệu trên các báo cáo tín dụng. Dù vậy, hình thức cho vay này chiếm dư nợ không quá lớn và nhiều NH cũng khống chế tỉ lệ cho vay. "Riêng kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay là không dễ thực hiện, bởi nhiều khoản vay là để tiêu dùng. Tuy vậy, có thể thấy động thái nhắc nhở của NHNN là cần thiết để dòng chảy tín dụng được kiểm soát tốt hơn" - TS Cấn Văn Lực nói.

Tổng giám đốc một NH cổ phần quy mô nhỏ tại TP HCM nhận xét việc NHNN đưa ra cảnh báo nói trên là cần thiết, tránh trường hợp cầm cố sổ tiết kiệm rồi sử dụng vốn vay sai mục đích. Vị này chia sẻ ở NH ông cho vay cầm cố không chỉ với khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm khoản nhỏ, mà nhiều khách hàng gửi 10-20 tỉ đồng muốn vay cầm cố để kinh doanh, đầu tư, sản xuất, mua bán bất động sản… đều phải chứng minh phương án vay vốn.

Ít người dùng vốn vay mua trái phiếu

Về ý kiến có khách hàng vay cầm cố sổ tiết kiệm để đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, lãnh đạo các NH cho hay nhóm này không đáng kể, bởi không phải doanh nghiệp nào cũng được phát hành trái phiếu với lãi suất cao. Đồng thời, với những khoản vay lớn cầm cố từ sổ tiết kiệm, NH thương mại đều yêu cầu khách hàng phải đưa ra phương án tài chính hợp lý mới giải ngân...

Nguồn: