Vì sao lãi suất huy động giảm tiếp trong tháng 9?

23/11/2024
Mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục giảm trong tháng 9 tại nhiều ngân hàng với mức giảm phổ biến từ 0,2-0,5%/năm so với biểu lãi suất đầu tháng 8.

Theo bản tin thị trường tiền tệ hàng tuần vừa công bố của Công ty chứng khoán MBS, lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm trong nửa đầu tháng 9 do việc giãn cách xã hội tiếp tục kéo dài. Thanh khoản hệ thống vẫn dồi dào nên thị trường mở không phát sinh giao dịch nào mới. 

Mặc dù tăng trưởng tín dụng trong 8 tháng đầu năm đạt 7,4%, cao hơn nhiều so với mức gần 4,8% cùng kỳ năm trước, nhưng thanh khoản hệ thống ngân hàng còn khá dồi dào, thể hiện bởi mức giảm của lãi suất liên ngân hàng trong nửa đầu tháng 9. Khảo sát của Bloomberg cho thấy lãi suất liên ngân hàng qua đêm đang giao dịch ở mức 0,54%/năm, giảm 5 điểm cơ bản so với cuối tháng trước. Lãi suất các kỳ hạn khác cũng ở quanh mức 0,64%-0,96%/năm, giảm 9-11 điểm cơ bản so với cuối tháng 8. 

Tuy tăng trưởng tín dụng cao hơn so với năm trước nhưng tốc độ đã tăng chậm lại do dãn cách xã hội kéo dài tại các thành phố kinh tế trọng điểm. Riêng trên địa bàn Hà Nội tín dụng đến cuối tháng 8 tăng 8,3% so với đầu năm và tăng 1% so với tháng trước. Trong khi đó, tại TP HCM, tín dụng tới đầu tháng 8 tăng 5,8% so với đầu năm và tăng 0,2% so với tháng trước. 

Ngoài ra, mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục giảm trong tháng 9 tại nhiều ngân hàng với mức giảm phổ biến từ 0,2-0,5%/năm so với biểu lãi suất đầu tháng 8 do sức ép giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, với mức tăng trưởng tín dụng như hiện nay, theo MBS, lãi suất liên ngân hàng khó quay trở về mức thấp như năm 2020. Lãi suất liên ngân hàng liên tục giảm và vẫn đang thấp hơn lãi suất OMO của NHNN là 2,5%/năm nên các NHTM chưa cần đến sự hỗ trợ của NHNN.

Nguồn: