Đang có sự dịch chuyển…
Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đạt 192.203 tỷ đồng. Trong đó, TPDN phát hành riêng lẻ đạt 176.828 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2020; khối lượng phát hành TPDN ra công chúng là 15.375 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2020.
Tổ chức tín dụng là đối tượng phát hành lớn nhất, chiếm 42,3% tổng khối lượng phát hành. Tiếp theo là doanh nghiệp bất động sản , chiếm 24,8% tổng khối lượng TPDN phát hành riêng lẻ 6 tháng đầu năm 2021.
Lãi suất phát hành bình quân 6 tháng đầu năm 2021 là 7,9%/năm, giảm 1,6%/năm so với mức 9,5% cùng kỳ năm 2020. Ở góc độ nhà đầu tư, công ty chứng khoán là nhà đầu tư chính trên thị trường sơ cấp, chiếm 44,4% tổng khối lượng phát hành.
Tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mua TPDN riêng lẻ trên thị trường sơ cấp chiếm 5,9% khối lượng phát hành, giảm mạnh so với tỷ trọng 12,68% nhà đầu tư cá nhân năm 2020.
Đánh giá diễn biến nửa đầu năm 2021 trên thị trường TPDN, các chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế - Ngân hàng MSB cho rằng, bước đầu có sự dịch chuyển từ phát hành riêng lẻ sang phát hành ra công chúng sau khi có các văn bản pháp luật mới được ban hành để hoàn thiện hơn khung pháp lý cho thị trường trái phiếu.
Các văn bản mới này bao gồm Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định về chào bán và giao dịch trái phiếu riêng lẻ, chào bán TPDN ra thị trường quốc tế. Một văn bản nữa là Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán (bao gồm nội dung quy định về phát hành TPDN ra công chúng).
Nghị định 153 đưa ra những nguyên tắc khá đầy đủ đối với tổ chức phát hành, theo đó, doanh nghiệp phát hành trái phiếu theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và đảm bảo khả năng trả nợ.
Mục đích phát hành trái phiếu cũng đã được quy định, bao gồm để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư; tăng quy mô vốn hoạt động; cơ cấu lại nguồn vốn của chính doanh nghiệp hoặc mục đích phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Doanh nghiệp phải nêu cụ thể mục đích phát hành tại phương án phát hành và công bố thông tin cho nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu. Việc sử dụng vốn huy động từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp phải đảm bảo đúng mục đích theo phương án phát hành và nội dung công bố thông tin cho nhà đầu tư.
Các nhà đầu tư cũng được cảnh báo phải cẩn trọng khi đầu tư trái phiếu, khi pháp luật quy định nhà đầu tư tự đánh giá rủi ro và tự chịu trách nhiệm về việc mua TPDN.
Nhu cầu vẫn tăng và lãi suất khó giảm
Sang quý 3/2021, các chuyên gia cũng nhận định, nhu cầu TPDN vẫn cao với lãi suất khó giảm.
“Dù lãi suất phát hành TPDN nằm trong xu hướng giảm từ quý 3/2020 đến nay, nhưng rất nhỏ so với mức giảm mạnh của lãi suất tiền gửi tại ngân hàng. Chênh lệch giữa lãi suất phát hành TPDN và lãi suất tiền gửi giữ ở mức cao giúp thị trường TPDN tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2021”, chuyên gia phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế MSB nhận định.
Ngoài ra, thanh khoản các NHTM vẫn khá dồi dào và NHNN vẫn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế đang bị ảnh hưởng bởi đợt dịch Covid-19 lần 4. Do đó, lãi suất tiền gửi có thể vẫn giữ ở mức thấp và chỉ tăng nhẹ vào cuối năm 2021, lợi tức từ TPDN vẫn hấp dẫn so với kênh đầu tư tiền gửi.
Đồng thời, hạn mức tín dụng của các NHTM, dù mới được NHNN nới room, vẫn còn ở mức thấp so với cùng kỳ và thấp hơn đề xuất của các NHTM. Bên cạnh đó, việc tiếp cận vốn tín dụng giá rẻ của các NHTM không dễ đối với các doanh nghiệp không nằm trong các nhóm ngành được ưu tiên hoặc bị hạn chế về tài sản đảm bảo như các doanh nghiệp bất động sản.
Do đó, theo các chuyên gia, nhu cầu huy động vốn vay qua phát hành TPDN vẫn cao và lãi suất phát hành bình quân sẽ vẫn dao động quanh mức khoảng 10%/năm.
Nguồn: