Vì sao “nhóm bất khả thi” đang… khả thi?

30/11/2024
Dường như “bất khả thi”, nhưng lạm phát, giá vàng, đồng USD và chứng khoán đang tăng cao cùng lúc.

Thị trường toàn cầu và Việt Nam tuần qua chứng kiến sự đồng pha của nhóm các chỉ số, các yếu tố có mối liên hệ thường chặt chẽ với nhau: lạm phát , USD Index, giá vàng và chứng khoán cùng tăng.

Trong bối cảnh thông thường, "bộ tứ" trên khó cùng chiều với nhau, thậm chí có những quan hệ nghịch. Giả dụ, đồng USD lên giá mạnh thì giá vàng giảm, hoặc ngược lại; lạm phát tăng cao thì chứng khoán giảm…; sự đồng pha thường "bất khả thi".

Diễn biến cả nhóm trên cùng nhau tăng trong tuần qua tạo nên hiện tượng "khả thi" mà có thể nhà đầu tư băn khoăn.

Song, là hiện tượng nhưng không hẳn hiếm, thậm chí có thể tìm đến lý giải chung cho các lần "khả thi" gần đây.

Hẳn bạn đọc BizLIVE không thể quên tháng 2/2020. Ngày cuối cùng của tháng 2/2020, khi dịch COVID-19 bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc) rồi lan ra toàn cầu, các thị trường chao đảo.

Ngày 28/2/2020, nhà đầu tư chứng kiến chứng khoán, giá vàng, giá dầu đồng loạt giảm mạnh; không lâu sau đó là lạm phát cũng giảm mạnh tại hầu hết các nền kinh tế lớn.

Hiện tượng tháng 2/2020 cũng giống như diễn biến thể hiện tuần qua, chỉ khác chiều. Và hai lần "khả thi" này có điểm chung về một nguyên nhân lớn/chính yếu.

Đêm muộn ngày 28/2/2020, trước hiện tượng trên, BizLIVE trao đổi nhanh với một chuyên gia hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ và đầu tư. Ông giải thích ngắn gọn: "Tất cả đều đang sợ hãi ảnh hưởng của coronavirus đối với nền kinh tế".

COVID-19 đã tạo nên một tác động quá lớn, bất thường và bao trùm được nền kinh tế toàn cầu. Tính bất thường (và khó lường tác động) đã chi phối, lấn át tính thông thường của các mối quan hệ giữa các yếu tố trên thị trường.

Và nay, cả lạm phát, chứng khoán, giá vàng, đồng USD cùng tăng, mối liên hệ vẫn là bối cảnh và tác động của đại dịch COVID-19.

Dĩ nhiên, đại dịch đã diễn ra gần hai năm. Hai năm đó đã tạo nên những khác thường, gắn trực tiếp với tác động COVID-19.

Đại dịch khiến kinh tế suy giảm, hầu hết các nền kinh tế đều đẩy mạnh bơm tiền. Độ trễ bơm tiền được rút ngắn, tác động đến lạm phát; song điểm chính vẫn là COVID-19 làm trầm trọng hơn sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu và giá cả các hàng hóa leo thang…

Tại một tọa đàm của giới nghiên cứu, phân tích thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán tổ chức ngay trước thềm hiện tượng "khả thi" trên, có ý kiến cho rằng: diễn biến của giá cả, đặc biệt là giá dầu, rồi lạm phát…, không hẳn quá lo ngại bởi kỳ vọng thị trường đến điểm tự cân bằng và tự điều chỉnh.

Nhưng có những quan ngại thực tế khó mà kỳ vọng.

Đó là tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu khó nối lại. Đơn cử như "sự chủ quan" của nhiều người hồi tháng 4-5 vừa qua về tình trạng căng thẳng thiếu hụt container dẫn đến leo thang phí logistics, khi "tự nhủ" rồi sẽ cân đối lại cung - cầu và hạ nhiệt thôi. Nhưng cho đến nay, thực tế phực tạp hơn nhiều. Thậm chí container trở thành "vũ khí" giữa các nền kinh tế để đối chọi với vấn đề thuế quan…

Chung hơn, rộng hơn và cũng khó khăn hơn là bài toán bình thường hóa chính sách tiền tệ sau hai năm nới lỏng. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nhiều cuộc họp "bồ câu", "diều hâu" cũng như thị trường xáo động về định hướng thu hẹp dần chính sách bơm tiền.

Không nói đâu xa, tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước sau lần giảm các lãi suất điều hành vào tháng 5 năm ngoái đến nay gần như không trực tiếp điều chỉnh nữa; chính sách tín dụng vẫn kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng dù nền kinh tế đòi hỏi nởi lỏng.

Mới nhất, tại diễn đàn Quốc hội tuần qua, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng đã nói cụ thể quan điểm e ngại lạm phát sẽ tăng lên, áp lực năm tới rất lớn. Bình thường hóa chính sách tiền tệ tới đây thực sự là một khó khăn đối với Ngân hàng Nhà nước.

Khó khăn hơn, khi mà Việt Nam vẫn đang bàn chưa xong gói/chương trình hỗ trợ nền kinh tế đủ mạnh, đủ lớn thì trên thế giới nhiều quốc gia đã có 65 lượt tăng lãi suất - thu hẹp hoặc thắt chặt dần chính sách nới lỏng.

Điều đó có nghĩa Việt Nam đang đi sau và khả năng lỡ nhịp với thế giới. Thực tế những kỳ cập nhật GDP gần đây cho thấy "ngôi sao tăng trưởng" của năm 2020 đã không còn ở thứ hạng cao trong khu vực nữa, chứ chưa nói phạm vi thế giới.

"Chúng ta đang ngồi lại thì các bạn láng giềng đã chạy cả rồi", một chuyên gia nói tại buổi tọa đàm trên.

Nếu đi sau, lỡ nhịp với thế giới, hàng hóa và doanh nghiệp Việt Nam cũng dễ bị hạn chế hơn trong bắt nhịp cạnh tranh toàn cầu.

Vậy nên, áp lực đưa ra và triển khai sớm, nhanh, chất và lượng một gói/chương trình hỗ trợ kinh tế đang là điểm nóng quan tâm, có thể xem là yêu cầu, hiện nay. Và với kỳ vọng này, thị trường chứng khoán Việt Nam vừa liên tiếp lập kỷ lục, có thể chưa dừng lại.

Vì sao “nhóm bất khả thi” đang… khả thi? - Ảnh 1.
Diễn biến lạm phát Mỹ
Vì sao “nhóm bất khả thi” đang… khả thi? - Ảnh 2.

Chỉ số đô la Mỹ

Vì sao “nhóm bất khả thi” đang… khả thi? - Ảnh 3.
Giá vàng thế giới
Vì sao “nhóm bất khả thi” đang… khả thi? - Ảnh 4.

Chỉ số Dow Jones

Nguồn: