Giai đoạn 2013 – 2015 chứng kiến hàng loạt thương vụ sáp nhập giữa các ngân hàng nội như MHB - BIDV, Mekongbank - MSB, DaiA Bank - HDBank, Habubank - SHB, SouthernBank – Sacombank hay hợp nhất 3 ngân hàng SCB - Ficombank – TinNghiaBank.
Tuy nhiên làn sóng M&A giữa các ngân hàng Việt đã chững lại trong 6 – 7 năm gần đây khi không có thêm bất kỳ thương vụ nào được tiến hành. Gần nhất, mối lương duyên cứ ngỡ sẽ thành giữa HDBank – PG Bank cũng đã thông cáo thất bại sau một thời gian dài chờ đợi.
Nói về lý do đưa ra quyết định ngừng sáp nhập, ban lãnh đạo PGBank cho biết thời gian sáp nhập kéo dài gây ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Trong khi phía HDBank chia sẻ, trong thỏa thuận sáp nhập, HDBank chú ý tới sự hợp tác cổ đông lớn của PGBank là Petrolimex. Song, do Petrolimex có chiến lược thoái vốn khỏi lĩnh vực ngân hàng tại PGBank nên HDBank thấy không còn phù hợp với việc sáp nhập.
Trước HDBank, PGBank cũng từng "lỡ duyên" với VietinBank sau gần hai năm đàm phán không tìm được tiếng nói chung.
Bẵng đi một thời gian, kỳ vọng về hoạt động sáp nhập giữa các ngân hàng nội đã quay trở lại trong thời gian gần đây sau khi Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 8/2/2022 về việc đôn đốc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022. Trong đó, Thủ tướng chỉ đạo triển khai ngay việc xử lý, cơ cấu lại 2 ngân hàng thương mại yếu kém đã được cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương; tiếp tục khẩn trương xây dựng phương án xử lý, cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém còn lại.
Trước đó, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội về kế hoạch tái cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có đặt mục tiêu cho hệ thống ngân hàng sớm có phương án xử lý ngân hàng 0 đồng trong năm 2022.
Thông tin về NHTM yếu kém cũng như phương án tái cơ cấu chưa được các cơ quan quản lý công ty công bố. Tuy nhiên, hiện có 3 ngân hàng được tái cơ cấu dưới sự hỗ trợ của Vietcombank, VietinBank, BIDV là CBBank, OceanBank, GPBank; còn DongA Bank là ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt.
Trước đó, cả 3 ngân hàng này cũng thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài với mong muốn tham gia quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có thương vụ nào hoàn tất.
Trong khi kỳ vọng từ dòng vốn ngoại chưa có kết quả thì báo cáo của một số công ty chứng khoán lại đề cập tới việc một ngân hàng trong nhóm Big4 có mục tiêu mua lại các ngân hàng đang cần tái cấu trúc, nhằm mục đích rút ngắn quãng thời gian phát triển quy mô dư nợ. Nhưng ngay sau đó, nhà băng này đã tiếng phủ nhận thông tin trên.
Đánh giá về những trở ngại đối với hoạt động M&A giữa các ngân hàng nội, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng, bất kỳ thương vụ M&A lớn nào giữa các ngân hàng TMCP quốc doanh và các ngân hàng TMCP tư nhân lớn đều có thể gặp trở ngại về công nghệ thông tin. Các ví dụ ở nước ngoài về việc các ngân hàng tích hợp các hệ thống ngân hàng lõi khác nhau do kết quả của các giao dịch M&A cho thấy đây là một điểm cần cân nhắc quan trọng trong thương vụ M&A cùa các ngân hàng.
Theo VCSC, việc không có thương vụ M&A ngân hàng quy mô lớn nào kể từ khi Sacombank sáp nhập với Ngân hàng TMCP Phương Nam vào năm 2015 cho thấy rằng các ngân hàng đang thận trọng trong việc tham gia vào các thương vụ này với những khó khăn về tích hợp công nghệ thông tin là một yếu tố trở ngại chính.
Ngoài yếu tố công nghệ thông tin, vấn đề kết hợp nhân viên và chất lượng tài sản cũng là những yếu tố được VCSC đề cập.
‘’Việc 3 ngân hàng "0 đồng" thuộc quyền giám sát của NHNN trong năm 2015 vẫn chưa diễn ra thương vụ M&A nào củng cố cho quan điểm của chúng tôi’’, báo cáo VCSC cho hay.
https://cafef.vn/vi-sao-van-chua-co-them-bat-ky-thuong-vu-sap-nhap-nao-giua-cac-ngan-hang-viet-trong-hon-6-nam-qua-20220225103302967.chnNguồn: