Vì sao xung đột Nga - Ukraina có thể ảnh hưởng đến "ví tiền" của mọi người?

16/12/2024
Các nền kinh tế và các thị trường tài chính trên toàn cầu giờ đây đều kết nối với nhau. Đại dịch Covid-19 đã chứng minh điều đó. Mỗi sự kiện xảy ra ở một góc nào đó trên hành tinh đều có thể gây sóng gió, thậm chí bão táp ở phía bên kia bán cầu.


Cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine đang diễn ra cách xa nước Mỹ hàng nghìn dặm, song hàng triệu người dân của cường quốc số 1 thế giới này sẽ cảm thấy hậu quả kinh tế nếu cuộc khủng hoảng đó trở thành một cuộc xung đột toàn diện.

Các nền kinh tế và các thị trường tài chính trên toàn cầu giờ đây đều kết nối với nhau. Đại dịch Covid-19 đã chứng minh điều đó. Mỗi sự kiện xảy ra ở một góc nào đó trên hành tinh đều có thể gây sóng gió, thậm chí bão táp ở phía bên kia bán cầu.

Cuộc xung đột leo thang có thể sẽ làm tăng chi phí sinh hoạt vốn đang cao trên toàn cầu, thậm chí làm xáo trộn danh mục đầu tư và có thể làm chậm lại quá trình hồi phục kinh tế. Nhà kinh tế trưởng Joe Brusuelas của RSM cho biết: "Các hộ gia đình trung lưu của Mỹ sẽ phải chịu thêm gánh nặng nếu cuộc xung đột Nga – Ukraina leo thang". Do đó, sẽ không ngoa khi nói rằng "Nếu Nga - Ukraine căng thẳng đến mức không xoa dịu được thì có thể phá vỡ cuộc sống ở Mỹ".

"Đau ví" khi bơm xăng

Giá dầu đã tăng mạnh trong những tuần gần đây, lên mức cao chưa từng thấy kể từ năm 2014, một phần do căng thẳng giữa Nga và Ukraina, gây lo ngại có thể làm gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng từ Nga.

Một ngày sau khi Moscow điều quân tới hai khu vực ly khai ở miền Đông Ukraina, giá dầu Brent đã tăng vọt lên 97,32 USD/thùng, trong khi dầu WTI lên 94,03 USD/thùng. Các nhà phân tích cho rằng khả năng giá dầu đạt 100 USD/thùng không còn xa nữa.

Đức đã quyết định chính thức dừng quá trình phê duyệt đối với dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) đưa khí đốt trực tiếp từ Nga tới Đức qua Biển Baltic, do trước đó Nga đã chính thức công nhận sự độc lập của hai khu vực Donetsk và Luhansk ở miền Đông Ukraine. Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 dài 1.230km, trị giá 11,6 tỷ USD. Khi Dòng chảy phương Bắc 2 đi vào hoạt động, sẽ tăng gấp đôi công suất vận chuyển khí đốt của Nga sang Đức, lên đến 110 tỷ m3/năm.

Được biết Nga là một siêu cường quốc về năng lượng, năm 2021 đã sản xuất 9,7 triệu thùng dầu mỗi ngày, theo dữ liệu của Rystad Energy. Con số đó chỉ đứng sau Mỹ và lượng dầu nhiều hơn cả Iraq và Canada sản xuất - cộng lại.

Nguồn cung dầu và các năng lượng khác đã không theo kịp nhu cầu, và các nhà đầu tư đang cảnh giác cao độ với bất cứ sự cố thiếu hụt nguồn cung nào mới có thể xảy ra, bao gồm: Cơ sở hạ tầng có thể bị hư hại trong chiến tranh, các lệnh trừng phạt đối với Nga, hoặc Moscow chuyển sang xuất khẩu vũ khí.

JPMorgan cảnh báo rằng nếu bất kỳ dòng chảy dầu nào của Nga bị gián đoạn do cuộc khủng hoảng, giá dầu có thể "dễ dàng" vọt lên 120 USD/thùng. Ngân hàng này cho rằng trong trường hợp xuất khẩu dầu của Nga giảm một nửa, giá dầu thô sẽ tăng lên 150 USD/thùng.l

Lạm phát cao kỷ lục lịch sử

Lạm phát là vấn đề lớn nhất mà nền kinh tế Mỹ đang phải đối mặt. Và cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine có thể làm cho vấn đề này trở nên tồi tệ hơn nữa.

Theo phân tích của RSM, ngay cả khi dầu chỉ tăng lên 110 USD/thùng trong bối cảnh căng thẳng leo thang, tỷ lệ lạm phát năm của Mỹ sẽ tăng lên trên 10%, so với mức 7,5% nếu giá dầu ở mức như hiện tại.

Lạm phát của Mỹ đã không tăng vượt 10% kể từ năm 1981.

Không chỉ giá xăng dầu tăng mà giá khí đốt cũng sẽ tăng, dẫn tới chi phí sưởi ấm và giá điện của mỗi hộ gia đình đều tăng theo. "Mọi người đều không vui khi lạm phát quá cao", một quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cảnh báo.

Áp lực lạm phát có thể sẽ còn lớn hơn đối với người châu Âu, do họ ở gần cuộc khủng hoảng và phụ thuộc vào năng lượng của Nga.

Giá năng lượng tăng sẽ khiến chi phí hàng không gia tăng, chi phí vận chuyển cũng tăng, và chi phí đầu vào trở nên đắt đỏ giữa bối cảnh các doanh nghiệp vốn đang phải vật lộn với chi phí gia tăng. Trong tình huống đó, các doanh nghiệp rất có thể sẽ buộc phải chuyển ít nhất một phần chi phí cao đó sang vai người tiêu dùng bằng cách tăng giá sản phẩm.

Ngoài năng lượng, các mặt hàng khác có thể cũng sẽ gặp biến động về giá. Nga là nước sản xuất kim loại lớn, bao gồm nhôm và palladium. Nga cũng là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất, trong khi Ukraine nằm trong top những nước xuất khẩu lúa mì và ngô hàng đầu thế giới.

David Kelly, chiến lược gia toàn cầu của JPMorgan Funds, cho biết: "Tất cả những điều này sẽ xảy ra vào thời điểm nguồn cung hàng hóa căng thẳng hơn so với thế hệ trước.

Thị trường bị nhiễu loạn

Các nhà đầu tư đang "dán mắt" vào những diễn biến mới nhất về cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine.

Mỗi dấu hiệu leo ​​thang căng thẳng đều khiến thị trường lo sợ. Và trái lại, mỗi thông tin rằng cuộc chiến tranh có thể được ngăn chặn đều khiến các thị trường hạ nhiệt.

Các nhà đầu tư từ trước đến nay vốn luôn sợ hãi sự không chắc chắn. Dễ dàng để có thể nhận thấy rằng nếu xảy ra một cuộc chiến toàn diện thì sẽ kích hoạt tình trạng bán tháo cổ phiếu đến mức nào, bởi các nhà đầu tư biết rằng tiếp theo sẽ là cú sốc dầu mỏ, lạm phát leo thang và những cuộc trừng phạt.

Sự suy thoái trên các thị trường nếu kéo dài sẽ quét sạch của cải mà các gia đình tích lũy được từ thị trường chứng khoán và tài khoản hưu trí. Bất ổn của thị trường cũng có thể làm giảm niềm tin của người tiêu dùng và các doanh nghiệp.

Mặc dù trong quá khứ, có thời điểm cổ phiếu hồi phục giá do những lo ngại về địa chính trị, song rất hiếm hoi và quy mô tương đối nhỏ. Và không thể nói trước rằng thị trường sẽ phản ứng như thế nào trong môi trường hiện tại.

Tăng trưởng kinh tế chậm lại

Cuộc xung đột Nga - Ukraine xảy ra sẽ đe dọa làm giảm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ bởi khiến lạm phát thêm trầm trọng và làm gia tăng những bất ổn.

Phân tích RSM cho thấy nếu giá dầu tăng vọt lên 110 USD sẽ làm GDP của Mỹ giảm 1 điểm phần trăm. Tỷ lệ đó không ấn tượng như tác động đến lạm phát, song vẫn rất đáng chú ý bởi nền kinh tế Mỹ chưa hồi phục hoàn toàn sau đại dịch Covid-19.

Chi phí đi vay tăng lên

Nếu lạm phát tăng vọt trên 10%, Fed sẽ chịu thêm áp lực trong cuộc chiến kiểm soát giá cả, đồng nghĩa với việc phải đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất để hạ nhiệt lạm phát.

Việc Fed tăng lãi suất sắp tới sẽ làm tăng chi phí đi vay của người tiêu dùng đối với mọi thứ, từ thế chấp, vay mua ô tô đến thẻ tín dụng. Lãi suất thế chấp ở Mỹ trong những tuần gần đây đã tăng vọt lên mức trước khi xảy ra đại dịch Covid – 19, gây thách thức không nhỏ cho người mua nhà.

Nguy cơ về cuộc tấn công mạng và những vấn đề khác

Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây đã cảnh báo về khả năng Nga tấn công thông qua lĩnh vực mạng.

"Nếu Nga tấn công Mỹ hoặc các đồng minh bằng các hình thức không phù hợp, chẳng hạn như các cuộc tấn công mạng nhằm gây rắc rối cho các công ty hoặc cơ sở hạ tầng quan trọng của chúng tôi, chúng tôi sẽ sẵn sàng đáp trả", ông Biden nói.

Vụ Colonial Pipeline bị hack hồi năm ngoái đã cho thấy một cuộc tấn công mạng có thể gây rối loạn như thế nào trong thế giới thực. Vụ xâm nhập mạng đã khiến một trong những đường ống quan trọng nhất ở Mỹ bị dừng hoạt động, gây tình trạng hoảng loạn cho thị trường, khiến nhiều trạm xăng ở Đông Nam nước Mỹ cạn kiệt hàng.

Trong khi đó, Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell lo ngại rằng nếu xảy ra một cuộc tấn công mạng vào hệ thống tài chính Mỹ thì những xáo trộn sẽ còn khủng khiếp hơn nữa. Do đó, tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraina có thể ảnh hưởng đến không chỉ mỗi người dân Mỹ, mà cả Chính phủ nước này.

Chuyên gia Kelly của JPMorgan kết luận rằng: "Các cuộc chiến diễn biến theo những cách không thể đoán trước được. Do đó, đừng ai nghĩ rằng mình có thể hiểu rõ mọi tác động từ cuộc khủng hoảng này".

Tham khảo: Edition.cnn

https://cafef.vn/vi-sao-xung-dot-nga-ukraina-co-the-anh-huong-den-vi-tien-cua-moi-nguoi-20220222234408692.chn

Nguồn: