"Việt Nam cần điều chỉnh cách can thiệp thị trường ngoại hối phù hợp để tránh bị coi là thao túng tiền tệ"

27/11/2024
Đó là khuyến cáo của TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đưa ra trong báo cáo mới công bố.

TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa có báo cáo nhanh về tình hình căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, trong đó có đánh giá tác động đối với nền kinh tế và thị trường tài chính Việt Nam.

Đối với thị trường chứng khoán, nhóm tác giả cho rằng, thị trường chứng khoán (TTCK) luôn là hàn thử biểu phản ứng. Đối với thị trường chứng khoán Mỹ, từ vòng áp thuế 5 và 6 gần đây, thị trường giảm điểm mạnh, cùng chiều với TTCK Trung Quốc. Với vòng 6, ngay sau các tuyên bố trả đũa áp thuế, ngày 23/8/2019 chỉ số Dow Jones giảm hơn 2,37%, S&P 500 giảm 2,59%, Nasdaq giảm 3%. Tương tự, tại thị trường châu Âu, chỉ số FTSE 100 giảm 0,47%, DAX giảm 1,15%... Các TTCK châu Á nói chung và TTCK Trung Quốc nói riêng đều phản ứng tiêu cực. Đến 12h ngày 26/08/2019 (giờ Việt Nam), chỉ số Shanghai Composite giảm 1,29%, Hang Seng giảm 3,18%, Nikkei 225 giảm 2,29%... Riêng chỉ số VNindex của Việt Nam giảm nhẹ hơn (0,96%), có thể nhà đầu tư cảm nhận mức độ tác động có phần ít hơn…v.v.

Đối với tỷ giá, TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả cho biết, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung tác động mạnh đến tỷ giá của hầu hết các nước. Từ đầu năm 2019 đến nay, xu hướng giảm giá của hầu hết các đồng tiền so với USD vẫn tiếp tục diễn ra (ngoại trừ một số đồng tiền như JPY, THB, RUB…); đặc biệt là đồng tiền các nước phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và được đánh giá là sẽ bị tác động tiêu cực bởi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. Trong bối cảnh đó, VND vẫn tương đối ổn định, biến động rất ít từ đầu năm đến nay.

Dẫu tác động của chiến tranh thương mại đến Việt Nam hiện ở mức độ thấp hơn so với toàn cầu, song theo nhóm tác giả của BIDV thì còn quá sớm để đưa ra nhận định, dự báo một cách đầy đủ.

Tuy nhiên nhóm tác giả cũng khuyến cáo, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang và khó lường hơn, tác động đến kinh tế thế giới và Việt Nam ngày càng lớn; đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp Việt Nam luôn bám sát, theo dõi, phân tích và dự báo, đưa ra các kịch bản ứng phó khác nhau, kể cả kịch bản xấu nhất. 

Đặc biệt, Việt Nam cần tỉnh táo không xoáy vào chiến tranh tiền tệ; điều chỉnh cách thức can thiệp thị trường ngoại hối phù hợp nhằm tránh bị cho là thao túng tiền tệ. Đồng thời, cũng cần chú trọng tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế Việt Nam, bằng cách quan tâm đẩy nhanh tái cơ cấu, phối hợp hài hòa chính sách tiền tệ và tài khóa, đẩy nhanh xử lý nợ xấu, giảm mạnh nợ nước ngoài và thâm hụt ngân sách, tăng dự trữ ngoại hối và kiểm soát dòng vốn đầu tư…v.v.    

Nguồn: