Thời gian qua, tại Việt Nam phát sinh nhiều nhu cầu của các Tổ chức kinh tế về cho vay nước ngoài, tuy nhiên nước ta chưa có quy định chính thức, hướng dẫn cụ thể về vấn đề này, mà cần phải đề xuất, xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.
Việc xây dựng quy định cho vay ra nước ngoài được giới chuyên môn đánh giá là cần thiết, một mặt tạo điều kiện cho các Tổ chức kinh tế có nhu cầu cho vay, mặt khác quy định trách nhiệm rõ ràng để các cơ quan đầu mối, cơ quan phối hợp khác thẩm định các nội dung thuộc chức năng nhiệm vụ liên quan, làm cơ sở cho Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chấp thuận hoặc từ chối đề nghị cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú của tổ chức kinh tế.
Theo như Dự thảo đề xuất, đối tượng áp dụng theo Quyết định này bao gồm: Tổ chức kinh tế là người cư trú (không bao gồm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) sẽ là bên cho vay ra nước ngoài; Bên bảo lãnh cho người không cư trú (gọi là Bên cho vay, Bên bảo lãnh); Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động cho vay ra nước ngoài.
Dự thảo cũng nêu rõ các nguyên tắc thực hiện hoạt động cho vay ra nước ngoài bảo lãnh cho người không cư trú của Tổ chức kinh tế.
Thứ nhất, hoạt động cho vay ra nước ngoài nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Tổ chức kinh tế nhưng không ảnh hưởng đến an toàn vĩ mô, an ninh chính trị xã hội, không trái với chính sách quốc phòng, ngoại giao và các định hướng ổn định kinh tế vĩ mô trong từng thời kỳ.
Thứ hai, tổ chức kinh tế thực hiện cho vay phải thực hiện phải tuân thủ quy định tại Quyết định này, quy định của pháp luật về tiền tệ, ngoại hối, đầu tư, thuế và các quy định khác của pháp luật có liên quan; tuân thủ pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ của Bên đi vay, Bên được bảo lãnh và điều ước quốc tế có liên quan. Ngoài ra, tổ chức kinh tế cũng phải tự chịu trách nhiệm về hiệu quả và các rủi ro liên quan đến khoản cho vay ra nước ngoài.
Theo dự thảo, để được xem xét chấp thuận khoản cho vay, khoản bảo lãnh không gắn với dự án đầu tư ra nước ngoài, các Tổ chức kinh tế cần đáp ứng một số các tiêu chí:
Tổ chức kinh tế là bên cho vay, tổ chức phải có thời gian hoạt động tối thiểu 5 năm, hoạt động kinh doanh có lãi, không có nợ xấu với hệ thống ngân hàng, không có nợ nước ngoài quá hạn và không nợ thuế với Ngân sách Nhà nước trong 2 năm liền kề trước thời điểm nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận khoản cho vay, khoản bảo lãnh.
Tổ chức kinh tế phải có phương án cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định
Quy định này nhằm yêu cầu tổ chức kinh tế chứng minh tiềm lực kinh tế để thực hiện khoản cho vay/bảo lãnh và không ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, chứng minh tính tự chịu trách nhiệm trong việc quyết định và thực hiện giao dịch cho vay/bảo lãnh này.
Về tiêu chí về bên đi vay, bên được bảo lãnh thuộc một trong các đối tượng: là công ty mẹ hoặc các công ty thành viên cùng hệ thống ở nước ngoài của bên cho vay; là Chính phủ nước ngoài hoặc các tổ chức nước ngoài được Chính phủ nước ngoài bảo lãnh.
Ngoại tệ để cho vay nước ngoài phải là nguồn ngoại tệ có từ hoạt động sản xuất kinh doanh, không sử dụng ngoại tệ mua từ tổ chức tín dụng hoặc vay trong và ngoài nước.
Quyết định này cũng thể hiện rõ chủ trương quản lý chặt chẽ, thận trong hoạt động cho vay ra nước ngoài và bảo lãnh cho người không cư trú. Đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam là nước đang phát triển, còn hạn chế về nguồn vốn đầu tư, mới chỉ tập trung vốn cho phát triển hoạt động sản xuất trong nước, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng. Bên cạnh đó, chủ trương này cũng phù hợp với lộ trình tự do hóa dòng vốn một cách thận trọng, theo định hướng của Chính phủ, phòng tránh các nguy cơ hoặc rủi ro có thể phát sinh.
https://cafef.vn/viet-nam-chuan-bi-co-quy-dinh-ve-cho-vay-ra-nuoc-ngoai-2022030810250785.chnNguồn: