Việt Nam có 154 công ty Fintech

08/01/2025
70% công ty Fintech ở Việt Nam là các công ty khởi nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển Công nghệ ngân hàng Đại học Quốc gia TP HCM (VNUHCM-IBT), hiện có hơn 154 công ty hoạt động trong lĩnh vực Fintech tại Việt Nam. Trong đó, 37 công ty hoạt động trong mảng thanh toán, 25 công ty hoạt động trong lĩnh vực cho vay; 22 công ty làm về Blockchain, Crypto & Remittance.

Nhìn chung, Fintech ở Việt Nam hiện chủ yếu chỉ tập trung ở ba dịch vụ: thanh toán, cho vay ngang hàng và huy động vốn cộng đồng. Vì nhiều lý do khác nhau, ở tầm vi mô lẫn vĩ mô, các lĩnh vực khác như dịch vụ quản lý tài sản, quản lý thanh khoản, quản lý đầu tư, bảo hiểm, dịch vụ tư vấn tài chính tự động vẫn đang trong quá trình sơ khai.

Có đến 70% công ty Fintech ở Việt Nam là các công ty khởi nghiệp có vốn đầu tư đến từ các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Mỹ, Canada, Australia, Anh, Đan Mạch, Pháp và các quốc gia lân cận như Trung Quốc, Singapore, Malaysia.

VNUHCM-IBT cho rằng các công ty Fintech ở Việt Nam có xu hướng sẽ tham gia chia sẻ thị phần bán lẻ tiềm năng của các ngân hàng truyền thống khi mà hoạt động cho vay ngang hàng, ví điện tử, thanh toán và trả góp bằng thẻ đã và đang thâm nhập mạnh mẽ vào cuộc sống hàng ngày.

"Do 70% công ty Fintech là startup nên việc hình thành các Fintech quy mô lớn là khá khó khăn, dù có vốn nước ngoài. Như vậy, tương lai phát triển của Fintech là triển vọng nhưng cũng sẽ có nhiều thách thức", ông Hoàng Công Gia Khánh - Giám đốc VNUHCM-IBT kiêm Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP HCM) nhận định.

Ước tính trên thế giới hiện có khoảng 10.000 công ty Fintech cạnh tranh với các ngân hàng trong mọi lĩnh vực từ thanh toán, huy động vốn, cho vay, kinh doanh ngoại hối và cả tư vấn đầu tư. Các Fintech đã nhận được hàng trăm tỷ USD vốn đầu tư trong vài năm gần đây.

Với Fintech, nhiều mô hình và sản phẩm tài chính số hoá đã xuất hiện như ví điện tử (Mobile wallet), chuyển tiền ngang hàng (Peer-To-Peer transfer), thanh toán di động (Mobile payment), ngân hàng di động (Mobile banking), cho vay ngang hàng (Peer-To-Peer lending), huy động vốn cộng đồng (Equity-based crowdfunding), ngân hàng chuỗi khối (Blockchain banking), ngân hàng số (Digital banking).

Tiến sĩ Koh Noi Keng - CEO Fintech Academy (Singapore), Cố vấn Phòng thương mại kỹ thuật số Singapore cho rằng, sự xuất hiện của Fintech giống như kẻ phá bĩnh "disruptor" trong lĩnh vực ngân hàng nhưng giờ đây đang được xem như là sự đổi mới sáng tạo và chuyển đổi tất yếu.

Phía Fintech Academy (FTA) cũng vừa ký thỏa thuận hợp tác 5 năm với Hội tin học TP HCM (HCA) để chuyển giao các kiến thức, công nghệ liên quan đến lĩnh vực Fintech. Cụ thể, hai phía sẽ  tổ chức các khóa huấn luyện về ABCD (A.I - Blockchain - Cloud - Data) để cập nhật kiến thức cho cộng đồng Fintech.

Riêng cuối tháng này, HCA sẽ cùng FTA, VNUHCM-IBT và Hiệp hội ngân hàng Việt Nam (VNBA) tổ chức sự kiện Toàn cảnh Công nghệ thông tin – Truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Outlook - VIO) chủ đề "Định hình tương lai Fintech Việt Nam – Shaping the future of Vietnam Fintech".

Viễn Thông

Nguồn: