Vietcombank muốn thoái vốn khỏi công ty bảo hiểm nhân thọ

09/01/2025
Thoái vốn khỏi Vietcombank - Cardif có thể là bước đi đầu tiên trong một thỏa thuận phân phối bảo hiểm hàng trăm triệu USD với một đối tác khác.

Hội đồng quản trị Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã CK: VCB) vừa thông qua phương án chuyển nhượng vốn góp tại Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Vietcombank - Cardif (VCLI). Tính tới cuối 2018, Vietcombank sở hữu 45% vốn tại công ty bảo hiểm này.

Động thái này, theo nhận định trước đó từ Bloomberg, có thể là bước đi mở đường cho một thỏa thuận phân phối bảo hiểm giữa Vietcombank và một tập đoàn bảo hiểm nước ngoài.

FWD Group, tập đoàn của tỷ phú Richard Li (Hong Kong) có thể sẽ ký thỏa thuận phân phối bảo hiểm trị giá khoảng 400 triệu USD với Vietcombank nhờ trả giá cao hơn các đối thủ cạnh tranh. Một phần của thỏa thuận này là FWD sẽ mua Vietcombank Cardif, công ty bảo hiểm nhân thọ thuộc sở hữu của Vietcombank và tập đoàn BNP Paribas.

Được thành lập từ năm 2008, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Vietcombank - Cardif (VCLI) là liên doanh giữa Vietcombank, BNP Paribas Cardif (công ty con của BNP Paribas) và SeABank. Đến nay, VCLI chỉ còn hai cổ đông, gồm Vietcombank sở hữu 45% và BNP Paribas Cardif sở hữu 55%.

So với những công ty bảo hiểm nhân thọ trên thị trường, hoạt động của Vietcombank Cardif có phần mờ nhạt. Theo báo cáo tài chính gần nhất năm 2017 của VCLI, công ty này có tổng tài sản hơn 950 tỷ đồng, nhưng ghi nhận khoản lỗ lũy kế gần 3 tỷ đồng tính tới cuối năm. Riêng năm 2017, VCLI ghi nhận gần 325 tỷ đồng doanh thu nhưng lỗ ròng hơn 3,3 tỷ đồng. Ba năm từ 2015 đến 2017, công ty bảo hiểm nhân thọ của Vietcombank và BNP Paribas đều báo lỗ.

Việc thoái vốn khỏi Vietcombank Cardif và tiến tới ký thỏa thuận phân phối bảo hiểm với một đối tác có thể giúp Vietcombank khai thác được lợi ích từ kênh bancassurance, với thế mạnh là một trong những nhà băng lớn nhất hệ thống. Dịch vụ bán chéo sản phẩm giữa ngân hàng thương mại và các công ty bảo hiểm (bancassurance) được xem là một sản phẩm tiềm năng và đang trở thành một kênh sinh lời ngoài lãi quan trọng với nhiều nhà băng. Khi hợp tác bancassurance, các công ty bảo hiểm sẽ trả một khoản tiền phí độc quyền để bán sản phẩm thông qua các chi nhánh Vietcombank.

Thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho biết, trong nửa đầu năm 2019, doanh thu của kênh bán bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng (bancassurance) ước đạt 8.300 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 17,2% trong tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường nhân thọ.

Minh Sơn

Nguồn: