VietinBank (CTG) muốn thoái bớt vốn tại công ty chứng khoán VietinbankSC và công ty quản lý quỹ

22/11/2024
Đồng thời, ngân hàng cũng đang xin phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước để thực hiện thoái vốn 50% tại VietinBank Leasing với kì vọng có thể thực hiện vào cuối năm nay.

CTCP Chứng khoán KB (KBSV) vừa công bố báo cáo cập nhật mới nhất về Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank, mã CK: CTG). Đáng chú ý là thông tin về việc VietinBank đang tìm đối tác chiến lược với mong muốn giảm vốn góp tại Chứng khoán VietinBank (Vietinbank Securities, CTS) khoảng 15%, tỷ lệ sở hữu giảm từ 75,6% xuống trên 50% vốn điều lệ CTS. 

Song song với đó, VietinBank cũng đang dần hoàn thành việc thu hồi bớt vốn góp tại công ty quản lý quỹ VietinBank Capital từ 950 tỷ xuống còn 300 tỷ đồng.

VietinBank (CTG) muốn thoái bớt vốn tại công ty chứng khoán VietinbankSC và công ty quản lý quỹ - Ảnh 1.

Đồng thời, ngân hàng cũng đang xin phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước để thực hiện thoái vốn 50% tại VietinBank Leasing với kì vọng có thể thực hiện vào cuối năm nay.

Theo KBSV, mặc dù giá trị của các thương vụ kể trên là không đáng kể so với quy mô của VietinBank, song hoạt động thoái vốn này sẽ giúp tập trung nguồn lực và tăng tính hiệu quả của hoạt động kinh doanh chính của ngân hàng.

Ngoài ra, trong trường hợp thuận lợi, KBSV cho rằng VietinBank có thể ghi nhận phí trả trước (upfront fee) từ hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm với Manulife vào quý 4/2021 hoặc muộn hơn vào quý 1/2022 sau khi Manulife hoàn tất thương vụ mua lại Aviva. Hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm này có upfront fee khoảng 30 triệu USD, dự kiến chi trả trong 6 năm.

Nợ xấu nhóm 5 tăng đột biến 0,59%; trích lập dự phòng hơn 7.100 tỷ đồng

Tính đến cuối quý 2/2021, tỉ lệ nợ xấu của VietinBank đạt 1,34%, tăng 0,46% so với quý trước, chủ yếu do nợ nhóm 5 tăng đột biến 0,59% so với quý 1/2021. Theo thông tin từ phía ngân hàng, đây là phần nợ xấu tương ứng của một doanh nghiệp lớn, chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng không thuộc đối tượng được áp dụng cơ cấu nợ theo Thông tư 01 và 03.

Tuy nhiên, VietinBank đánh giá cao khả năng chuyển về nhóm nợ thấp hơn khi đã có những cam kết và động thái tích cực từ phía doanh nghiệp. Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm 2021, Vietinbank đã đẩy mạnh trích lập dự phòng lên mức 7.106 tỷ đồng, trong đó khoảng 5.000 tỷ đồng được trích cho phần nợ tái cơ cấu theo Thông tư 03 và 3.000 tỷ đồng cho phần nợ xấu nhóm 5 tăng thêm trong kỳ.

Tính đến thời điểm hiện tại, tổng dư nợ của khách hàng có nợ tái cơ cấu tại VietinBank ghi nhận 49.000 tỷ đồng; phần nợ được tái cơ cấu là 4.160 tỷ đồng. Tổng trích lập dự phòng cho phần nợ này là khoảng 12.500 tỷ đồng và ngân hàng đã trích lập 40% dư nợ tái cơ cấu, vượt chỉ tiêu 30% của NHNN cho năm 2021.

Dự phóng LNST năm 2020 đạt 16.876 tỷ đồng; sau đó tăng lên 24.032 tỷ đồng năm 2022

Trong nửa cuối năm 2021, VietinBank đặt mục tiêu tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5%, tăng trưởng tín dụng hiện tại đã đạt gần biên độ NHNN đặt ra là 7,5% và kỳ vọng nới được tăng trưởng trong thời gian tới. Biên lãi thuần (NIM) dự kiến giảm nhẹ do điều chỉnh lãi suất đầu ra.

Ngoài ra, ngân hàng dự định trích lập hết phần dự phòng cho nợ tái cơ cấu theo Thông tư 03 trong năm 2021, tương đương khoảng 7.500 tỷ đồng tính đến thời điểm hiện tại.

KBSV kỳ vọng, với chiến dịch tiêm chủng diễn ra quyết liệt và về cơ bản dịch sẽ được kiểm soát trong năm 2022, kết quả kinh doanh của VietinBank sẽ tăng trưởng tích cực khi nhu cầu tín dụng tăng cao và trích lập dự phòng giảm mạnh do đã đẩy mạnh trong năm 2021.

Theo đó, dự phóng lợi nhuận sau thuế năm 2021 của VietinBank có thể đạt 16.876 tỷ đồng, tăng 23% so với năm ngoái. Con số này dự báo sẽ tăng 42,4% lên 24.032 tỷ đồng vào năm 2022 với tổng thu nhập hoạt động (TOI) tăng 9% so với cùng kỳ và chi phí trích lập dự phòng giảm 47% so với năm 2021.

Nguồn: