Sáng nay (13/9), tại phiên họp thứ 3 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trình bày dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Rộng đường hơn cho doanh nghiệp ngoại
Theo ông Phớc, Luật Kinh doanh bảo hiểm ra đời cách đây 20 năm, khi thị trường bảo hiểm còn non trẻ, cơ quan quản lý cũng mới thành lập, quy mô thị trường còn nhỏ, các sản phẩm, kênh phân phối chưa đa dạng.
Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) sẽ giúp hoàn thiện các quy định pháp luật về lĩnh vực bảo hiểm. Khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế. Nâng cao năng lực quản lý, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm; thực hiện hiệu quả các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực bảo hiểm.
Về nội dung, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) bao gồm 8 chương, 156 điều. Trong đó đáng chú ý, dự thảo Luật mở rộng đối tượng nhà đầu tư nước ngoài, cho phép các tập đoàn tài chính có hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Đơn giản điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm đã được cấp giấy phép tại Việt Nam muốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm mới. Ngoài ra là bổ sung việc đăng ký kinh doanh; cho phép doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp sản phẩm thuộc lĩnh vực bảo hiểm khác.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc
Về việc quản lý tài chính doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, dự thảo Luật yêu cầu doanh nghiệp phải xác định tỷ lệ an toàn vốn, quản lý vốn tương ứng với quy mô và mức độ rủi ro của doanh nghiệp.
“Các quy định về dự phòng nghiệp vụ, hoạt động đầu tư, quản lý tài sản, doanh thu - chi phí được sửa đổi tương ứng với mô hình quản lý vốn trên cơ sở rủi ro như yêu cầu sử dụng chuyên gia tính toán trong trích lập dự phòng, dự phòng phải kèm theo tài sản tương ứng và được đánh giá thường xuyên”, ông Phớc trình bày về nội dung của dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Một hợp đồng khung?
Về vấn đề quản lý rủi ro trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xử lý phá sản trong trường hợp rủi ro. Theo ông Cường việc xử lý phá sản của các doanh nghiệp bảo hiểm phải phù hợp với Luật phá sản.
“Hiện chúng ta có Luật Phá sản nhưng để doanh nghiệp thực hiện phá sản theo đúng quy trình rất lâu. Thậm chí nhiều người hay ví von “chết nhưng chưa chôn được”. Do đó cần phải đưa ra một nhóm ưu tiên xử lý phá sản với doanh nghiệp bảo hiểm”, ông Nguyễn Phú Cường cho biết.
Thảo luận thêm về dự án Luật, ông Cường góp ý thêm về vấn đề công bằng trong cạnh tranh giữa các công ty bảo hiểm. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, mức phí bảo hiểm giống như lãi suất ngân hàng, nên cần một khung để cho doanh nghiệp bảo hiểm cạnh tranh. Bởi hiện thực tế nhiều khi để cạnh tranh, doanh nghiệp bán ở mức phí quá thấp sau khi có sự cố thì nhiều khi không có tiền để mà đền.
“Phải kiểm soát chỗ này không để hạn chế việc các doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh”, ông Cường nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường đề xuất một khung hợp đồng chung cho thị trường bảo hiểm
Bên cạnh đó, ông Cường cũng cho rằng cần có một quy định cụ thể về khung hợp đồng khi kinh doanh cho các công ty bảo hiểm.
“Trên thị trường, việc bán bảo hiểm rất dễ lắm, nhưng có sự việc xảy ra thì việc đền bù phát sinh nhiều vấn đề, nên trong Luật, hay thông tư hướng dẫn cần quy định rõ. Trong hợp đồng bảo hiểm, hiện mỗi một đơn vị có một mẫu hợp đồng bảo hiểm riêng, không có chuẩn nào. Khi có sự cố xảy ra liên quan đến đền bù thiệt hại thì nhiều trường hợp bên bán bảo hiểm không muốn đền”, ông Cường cho biết.
Theo ông Cường, có nhiều trường hợp, đơn vị bán bảo hiểm đưa ra 1,2 từ ngữ trong hợp đồng, vin vào đó để không đền bù. Do đó ông Cường kiến nghị cơ quan nhà nước cần quy định một hợp đồng mẫu để tránh việc tranh chấp.
Nâng cấp chất lượng nhân lực
Cũng nói về những tranh chấp giữa bên bán và bên mua bảo hiểm, bà Nguyễn Thị Thanh - Trưởng ban Công tác đại biểu của Quốc hội, cho rằng một phần nguyên nhân xuất phát từ việc trình độ còn hạn chế của những người đi bán bảo hiểm.
“Nhiều trường hợp người đi bán bảo hiểm nói không đúng về quyền lợi trong hợp đồng bảo hiểm, do vậy hợp đồng bảo hiểm không được thực hiện. Do đó, cần phải nêu rõ hơn, kỹ hơn về chất lượng nguồn nhân lực trong việc kinh doanh bảo hiểm”, bà Thanh đề xuất.
Bảo mật thông tin
Cũng tại phần thảo luận về Luật Kinh doanh Bảo hiểm (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề cập đến vấn đề đảm bảo bí mật riêng tư trong hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin của thị trường bảo hiểm.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo mật thông tin cá nhân trong thị trường kinh doanh bảo hiểm
Theo ông Tùng, thông tin của người mua bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm… như về đời tư, thông tin cá nhân, thông tin bí mật gia đình là những điều được Hiến pháp bảo vệ. Trong đó Bộ Luật dân sự quy định rất rõ ràng: “Bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm được pháp luật bảo vệ”.
Do đó theo ông Tùng, Luật cần quy định trách nhiệm rõ của cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu được cung cấp thông tin cho ai, cung cấp như thế nào…
Nguồn: