Vào lúc 16h ngày 07/8/2019, tỷ giá USD/CNY trên thị trường quốc tế là 7,0445. Tức là 01 USD "ăn" 7,0445 CNY (Nhân dân tệ). So với tỷ giá USD/CNY cách đây 01 năm ở mức 6,8357, đồng CNY đã mất giá khoảng 3%. Còn so với mức tỷ giá USD/CNY khởi đầu năm 2019 (ngày 01/01/2019) ở mức 6,8785, đồng CNY đã mất giá 2,4%.
Tại Việt Nam, ngày 07/8/2019, tỷ giá trung tâm USD/ VND do Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.117 VND. Như vậy, tính ra tỷ giá chéo CNY/VND là 3.281. Nghĩa là 01 CNY "ăn" 3.281 VND.
Tuy nhiên, ngày 07/8/2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố cặp tỷ giá CNY/VND là 3.351. Tức là, VND đã được điều chỉnh mất giá so với CNY thêm 70 đồng, điều này đồng nghĩa với việc tạo lợi thế về giá cho hàng hoá Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc.
Nếu, chiếu theo tỷ giá CNY/VND mà Ngân hàng Nhà nước công bố là 3.351 thì cặp tỷ giá trung tâm USD/VND phải là 23.606, chứ không phải là 23.117. Nghĩa là, giá của VND đang cao hơn 489 đồng so với USD khi khi tính theo mức tỷ giá CNY/VND là 3.351.
Như vậy, cặp tỷ giá USD/VND đang được điều chỉnh để VND có lợi khi tính tỷ giá với CNY.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang tiếp tục diễn biến căng thẳng khi Bộ Tài chính Mỹ đã gọi Trung Quốc là "quốc gia thao túng tiền tệ" và Bắc Kinh khẳng định sẽ đáp trả nếu Mỹ vẫn tiến hành kế hoạch áp thuế 10% đối với 300 tỷ USD hàng hoá bổ sung của Trung Quốc.
Vậy nếu, tỷ giá USD/CNY tăng vọt lên mức 7,5 thì tỷ giá CNY/VND sẽ ở mức nào?
Điều này phụ thuộc vào cặp tỷ giá USD/VND được điều chỉnh để có lợi cho VND. Vì nếu, cặp tỷ giá USD/CNY càng tăng, cặp tỷ giá USD/VND vẫn giữ nguyên thì VND càng lên giá so với CNY.
Thử lấy tỷ giá USD/VND giữ nguyên ở mức 23.117 khi USD/CNY lên mức 7,5, thì cặp tỷ giá CNY/VND lúc đó là 3.082, thấp hơn mức 3.281 trước đó khi tính theo tỷ giá USD/CNY là 7,0445. Nghĩa là, VND lại lên giá tới 199 đồng so với CNY, lúc đó hàng hoá Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đắt hơn 199 đồng, hay hàng hoá Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam rẻ hơn 199 đồng.
Nguồn: NHNN
Như vậy, cặp tỷ giá USD/VND sẽ phải tiếp tục được điều chỉnh tăng nếu muốn VND tiếp tục mất giá so với CNY để "ủng hộ" cho hàng hoá xuất khẩu Việt Nam. Vì Việt Nam đang muốn tăng cường xuất khẩu sang Trung Quốc để giảm thế mất cân bằng thương mại khi nhập siêu những năm gần đây từ Trung Quốc tới 10% GDP. Theo Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2018 của Bộ Công Thương, năm 2017, Việt Nam nhập siêu 26,3 tỷ USD từ Trung Quốc, năm 2018 là 24,2 tỷ USD.
Tuy nhiên, việc giảm mất cân bằng thương mại từ Trung Quốc là khó khăn, vì Việt Nam có gia tăng xuất khẩu nhưng những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam là xuất hàng thô, giá trị gia tăng thấp. Ngược lại, nhập về vẫn là nhập những nhóm mặt hàng có giá trị lớn, là đầu vào thiết yếu cho sản xuất như máy móc, nguyên phụ liệu nên giá trị cao.
Về đối tác thương mại với Mỹ, năm 2018, Việt Nam thặng dư thương mại gần 35 tỷ USD (số liệu từ Tổng cục Hải quan).
Cán cân thương mại giữa Việt Nam với Hoa Kỳ và đối tác thương mại lớn khác trong giai đoạn 2012-2018 - Nguồn: Tổng cục Hải quan.
Với sự thặng dư thương mại lớn với Mỹ của Việt Nam trong nhiều năm qua và liên tục tăng, phía Bộ Tài chính Mỹ đã xếp Việt Nam vào danh sách giám sát trong Báo cáo tháng 5, do có 2 tiêu chí về thặng dư thương mại song phương với Mỹ và thặng dư cán cân vãng lai. Báo cáo cũng nêu 1 quốc gia vào danh sách giám sát sẽ tiếp tục được theo dõi trong 2 kỳ báo cáo tiếp theo.
Do đó, tỷ giá USD/VND sẽ là bài toán cân não đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, vì nếu VND tiếp tục mất giá so với USD, đây sẽ là một trong những yếu tố góp phần làm tăng thêm thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam.
Nguồn: