Xu thế dòng tiền: Cổ phiếu ngân hàng có đủ sức dẫn dắt?

24/11/2024
Các chuyên gia vẫn không thống nhất liệu nhóm cổ phiếu ngân hàng có đủ sức dẫn dắt thị trường ở thời điểm hiện tại...

Thị trường đảo chiều phục hồi ở phiên cuối tuần với diễn biến nổi bật tại nhóm cổ phiếu ngân hàng. Các chuyên gia vẫn không thống nhất liệu nhóm cổ phiếu này có đủ sức dẫn dắt thị trường ở thời điểm hiện tại.

Đánh giá về nhóm cổ phiếu ngân hàng, các chuyên gia vẫn cho rằng đây là nhóm cổ phiếu quan trọng và có thể kích hoạt dòng tiền. Quan điểm tích cực cho rằng nhiều cổ phiếu ngân hàng đã điều chỉnh khá mạnh thời gian qua, giá rơi xuống vùng quá bán và có thể phù hợp với quan điểm đầu tư đón trước kết quả kinh doanh quý 2.

Quan điểm thận trọng hơn cho rằng đang có hiện tượng phân hóa giữa các cổ phiếu ngân hàng, diễn biến tích cực chỉ xảy ra ở một vài mã. Các cổ phiếu ngân hàng có thể đóng vai trò nhiều hơn trong việc níu kéo thị trường hoặc "đổi trụ" hơn là dẫn dắt.

Tuần qua thị trường cũng chứng kiến mức thanh khoản tiếp tục sụt giảm xuống thấp, các chuyên gia cho rằng nguyên nhân vẫn chỉ là do tâm lý thận trọng cao của nhà đầu tư, thậm chí là sự chán nản hụt hẫng khi thị trường Việt Nam lệch pha với thế giới.

Trước mắt thị trường vẫn còn tuần tái cơ cấu danh mục của hai quỹ ETF, cộng với tín hiệu giảm căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc không rõ ràng. Do vậy, các chuyên gia vẫ ưu tiên danh mục tỷ trọng cổ phiếu thấp hoặc giải ngân từ từ cho mục tiêu dài hạn.

Xu thế dòng tiền: Cổ phiếu ngân hàng có đủ sức dẫn dắt? - Ảnh 1.
Tôi cho rằng chỉ số VN-Index hiện tại đang biến động quanh mức hỗ trợ 950 điểm và có thể hồi phục nhẹ trong phiên kế tiếp. Điểm tích cực là áp lực bán tháo không mạnh và lực cầu bắt đáy có chiều hướng gia tăng ở các mức giá thấp.

ÔNG NGUYỄN VIỆT QUANG

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

Thị trường lại diễn biến bất ngờ tuần qua, trong khi đa số mong đợi một nhịp tăng thì thị trường lại quay đầu điều chỉnh giảm. Lần thứ 3 chỉ số VN-Index rơi trở lại sát đáy cũ. Có quan điểm cho rằng thị trường đang củng cố vùng đáy nhưng ngược lại cũng có lo ngại thị trường quá yếu để tăng mạnh hơn. Quan điểm của anh chị thế nào?

Ông Nguyễn Hoàng Việt, Bộ phận Chiến lược thị trường –Chứng khoán Vietinbank

Tôi khá đồng tình với nhận định thị trường đang củng cố vùng đáy trước khi thực sự bước vào một nhịp tăng điểm mới.

Thanh khoản thị trường trong nửa đầu tháng sáu là khá yếu khi dòng tiền hầu như đứng ngoài quan sát và không hào hứng tham gia trong bối cảnh áp lực bán vẫn luôn thường trực.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng đừng quên rằng thời điểm này vẫn là giai đoạn thiếu vắng thông tin hỗ trợ trong khi các rủi ro vĩ mô vẫn rất bất ổn và mù mờ nên theo tôi đánh giá biểu hiện của thị trường hiện nay là khá hợp lý.

Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng chỉ số VN-Index hiện tại đang biến động quanh mức hỗ trợ 950 điểm và có thể hồi phục nhẹ trong phiên kế tiếp. Điểm tích cực là áp lực bán tháo không mạnh và lực cầu bắt đáy có chiều hướng gia tăng ở các mức giá thấp.

Đồng thời, tâm lý nhà đầu tư khá trung tính, nhưng tỷ trọng cổ phiếu tiếp tục có chiều hướng tăng nhẹ cho thấy dòng tiền đang tỏ ra phân hóa bất chấp thị trường vẫn trong đà giảm.

Theo quan điểm kĩ thuật, nhìn chung xu hướng của VN-Index đang khá tiêu cực khi chỉ số đang nằm dưới tất cả các đường trung bình 26, 45, 100 và 200 ngày. Mặc dù đồ thị nến có bóng nến phía dưới dài, hàm ý có lực cầu bắt đáy và có thể sẽ xuất hiện phiên tăng điểm, nhưng rủi ro vẫn đang ở mức cao và chưa có các tín hiệu đảo chiều đáng tin cậy. Các chỉ báo kỹ thuật chưa hình thành tín hiệu tăng điểm.

Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Quan điểm của tôi là thị trường đang tích lũy trong vùng đáy, thanh khoản vẫn ở mức thấp tuy nhiên áp lực bán ra không còn nhiều và tôi nhận thấy phiên cuối tuần dòng tiền gia tăng mạnh tại nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng sức mạnh nội tại của thị trường hiện vẫn còn khá yếu để có thể kỳ vọng vào một sóng tăng mạnh mẽ trong ngắn hạn.

Mặc dù vùng hỗ trợ 930-940 điểm vẫn đang đóng vai trò là một vùng hỗ trợ mạnh đối với chỉ số ở thời điểm hiện tại nhưng vùng điểm này theo tôi cũng chỉ đủ sức giữ cho thị trường duy trì trạng thái dao động đi ngang trong ngắn hạn.

Với cái nhìn dài hơi hơn, tôi vẫn giữ quan điểm thận trọng với khả năng VN-Index có thể giảm về các vùng hỗ trợ sâu hơn trong thời gian tới.

Xu thế dòng tiền: Cổ phiếu ngân hàng có đủ sức dẫn dắt? - Ảnh 2.
Tôi cho rằng nhịp tăng hiện tại của nhóm ngân hàng chỉ là phản ứng hồi phục mang tính kỹ thuật sau một giai đoạn giảm điểm kéo dài. Xu hướng ngắn và trung hạn của các cổ phiếu thuộc ngành này nhìn chung đều đang rơi vào trạng thái giảm.

ÔNG TRẦN XUÂN BÁCH

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

VN-Index liên tục dao động trong vùng đáy quanh 940 điểm, trong khi đó thị trường thế giới lại tăng rất tốt. Hiện cũng đã đi qua một nửa tháng 6 nhưng dòng tiền vẫn tiếp tục đứng ngoài. Liệu điều gì có thể lý giải hợp lý tâm lý quá thận trọng này ?

Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp và nhóm cổ phiếu Smallcaps lại thu hút dòng tiền, đây là đặc điểm mà tôi thường thấy trong thời gian gần đây khi dòng tiền lớn chưa sẵn sàng quay trở lại thị trường thì nhóm cổ phiếu Smallcaps lại dậy sóng do đây là dòng cổ phiếu ưa thích của những nhà đầu tư thích lướt sóng.

Dòng tiền lớn đứng ngoài thị trường tôi cho rằng là do tâm lý thận trọng của nhà tư trong thời gian vừa qua khi mà VN-Index đã có nhiều diễn biến khó lường. Trong bối cảnh thị trường đang trong vùng trống thông tin, nhà đầu tư có xu hướng đợi thông tin về kết quả kinh doanh bán niên để xem xét làm cơ sở giải ngân vững chắc hơn. Điều này dẫn đến thị trường thiếu đi lực nâng đỡ và rơi vào trạng thái tích lũy.

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Theo tôi, việc thị trường thiếu vắng thông tin hỗ trợ trong bối cảnh hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs chuẩn bị diễn ra vào tuần tới khiến cho tâm lý nhà đầu tư trên thị trường thận trọng và hạn chế giao dịch trong ngắn hạn, đặc biệt là khi xu hướng thị trường trong cả ngắn và trung hạn đều đang ở trạng thái giảm điểm.

Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Theo tôi nhà đầu tư dường như vẫn đang cho rằng tin hỗ trợ thị trường không còn nhiều khi mà căng thẳng Mỹ- Trung vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt; sắp đến kì review của các ETF và kết quả kinh doanh quý 2 của nhiều doanh nghiệp sắp "rò rỉ" cũng ảnh hưởng đến quyết định xuống tiền của nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Hoàng Việt, Bộ phận Chiến lược thị trường - Chứng khoán Vietinbank

Tôi cho rằng đơn giản chỉ là tâm lý thận trọng thái quá của giới đầu tư muốn đứng ngoài, quan sát và chờ đợi các tín hiệu khả quan và rõ ràng hơn thôi.

Đây cũng là điều khá dễ hiểu khi VN-Index trong khoảng 3 tháng trở lại đây kể từ đầu tháng tư thường hay có hiện tượng "lệch pha" so với thị trường khu vực và thế giới mà không có nguyên nhân xác đáng khiến cho nhiều nhà đầu tư hy vọng rồi lại thất vọng.

Và khi đã thất vọng quá nhiều thì tâm lý chán nản và hụt hẫng sẽ trỗi dậy, dẫn đến tình trạng diễn biến thị trường như hiện nay.

Xu thế dòng tiền: Cổ phiếu ngân hàng có đủ sức dẫn dắt? - Ảnh 3.
Tôi nghiêng về kịch bản nhóm cổ phiếu ngân hàng đang giữ vai trò là trụ đỡ níu kéo thị trường hơn là nhóm ngành dẫn dắt. Bên cạnh đó, bản thân nhóm ngân hàng có tính thị trường rất cao nên cũng khá rủi ro trong thời điểm hiện tại.

ÔNG NGUYỄN HOÀNG VIỆT

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

Phiên cuối tuần chứng kiến diễn biến bất ngờ ở nhóm cổ phiếu ngân hàng. Điều gì khiến nhóm này tăng mạnh như vậy? Theo anh chị ngân hàng có thể trở thành nhóm dẫn dắt thị trường lúc này?

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Theo quan điểm cá nhân tôi cho rằng nhịp tăng hiện tại của nhóm ngân hàng chỉ là phản ứng hồi phục mang tính kỹ thuật sau một giai đoạn giảm điểm kéo dài. Xu hướng ngắn và trung hạn của các cổ phiếu thuộc ngành này nhìn chung đều đang rơi vào trạng thái giảm.

Do đó, cho dù vẫn là nhóm ngành có sức ảnh hưởng đến diễn biến của thị trường chung nhưng tôi không cho rằng nhóm ngành này sẽ tiếp tục đóng vai trò là nhóm dẫn dắt thị trường đi lên trong thời gian tới.

Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Ngành ngân hàng được xem như là dẫn đầu các con sóng lớn các đợt trước, hiện tại nhiều cổ phiếu ngân hàng đã quay về vùng quá bán, phù hợp cho giai đoạn đầu tư như MBB, CTG, BID … nên khả năng dòng tiền mới quay lại để đón đầu sóng kinh doanh quý 2 của ngành ngân hàng.

Tôi vẫn đang chú ý và hy vọng dòng tiền sẽ tiếp tục gia tăng vào cổ phiếu ngân hàng tuần tới.

Ông Nguyễn Hoàng Việt, Bộ phận Chiến lược thị trường –Chứng khoán Vietinbank

Theo đánh giá của tôi thì kể cả nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng khó có thể giữ vai trò là nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường trong bối cảnh diễn biến tích cực chỉ xảy ra tại một số cổ phiếu ngân hàng được khối ngoại mua ròng mạnh.

Nói cách khác, sự phân hóa đang xảy ra ngay trong chính nhóm cổ phiếu ngân hàng khi không thực sự tạo được sức lan tỏa chung cần thiết.

Tôi nghiêng về kịch bản nhóm cổ phiếu ngân hàng đang giữ vai trò là trụ đỡ níu kéo thị trường hơn là nhóm ngành dẫn dắt. Bên cạnh đó, bản thân nhóm ngân hàng có tính thị trường rất cao nên cũng khá rủi ro trong thời điểm hiện tại.

Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Trong phiên cuối tuần qua dòng tiền hướng đến nhóm ngân hàng BID, CTG, VCB, ACB, VPB, TCB, MBB…giúp thị trường bật tăng khá tốt.

Tôi cho rằng ngân hàng luôn là một nhóm ngành quan trọng trong việc dẫn dắt VN-Index và thu hút dòng tiền, tuy trong phiên cuối tuần qua nhóm ngân hàng bất ngờ thu hút dòng tiền tôi cho rằng đây chỉ là hiện tượng đổi trụ của thị trường liên tục diễn ra trong thời gian vừa qua để nâng đỡ thị trường. Nên tại thời điểm hiện tại tôi cho rằng chưa có bất cứ 1 dòng cổ phiếu nào có thể dẫn dắt thị trường.

Xu thế dòng tiền: Cổ phiếu ngân hàng có đủ sức dẫn dắt? - Ảnh 4.
Theo tôi nhà đầu tư dường như vẫn đang cho rằng tin hỗ trợ thị trường không còn nhiều khi mà căng thẳng Mỹ- Trung vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt; sắp đến kì review của các ETF và kết quả kinh doanh quý 2 của nhiều doanh nghiệp sắp “rò rỉ” cũng ảnh hưởng đến quyết định xuống tiền của nhà đầu tư.

ÔNG LÊ HOÀNG TÂN

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

Các cơ hội ngắn hạn hầu như không rõ ràng trong tuần qua và tuần trước anh chị chủ yếu vẫn giữ tiền mặt lớn. Thị trường đã quay trở lại gần đáy cũ, đã đến lúc mua vào mạnh hơn chưa?

Ông Nguyễn Hoàng Việt, Bộ phận Chiến lược thị trường –Chứng khoán Vietinbank

Tôi cho rằng thời điểm này chưa nên thực hiện việc giải ngân mạnh do rủi ro thị trường tiếp tục xu hướng điều chỉnh giảm vẫn đang rất lớn. Tỷ trọng danh mục hợp lý có lẽ nên ở trong khoảng 35% - 40%.

Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Tỷ trọng danh mục đầu tư ngắn hạn của tôi ở mức 35% cổ phiếu và 65% tiền. Tỷ trọng danh mục đầu tư trung hạn của tôi ở mức 47% cổ phiếu và 53% tiền. Tôi tập trung cơ cấu danh mục và giải ngân thăm dò ở tỉ trọng thấp.

Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Quan điểm tôi cho rằng thị trường vẫn tích cực và đi ngang tạo đáy; nhưng dòng tiền chưa mạnh nên giai đoạn này chỉ nên giải ngân từ từ; ưu tiên vào các cổ phiếu có kết quả kinh doanh dự kiến tốt. Tuần này chúng tôi chú ý nhiều đến cổ phiếu ngân hàng, đặc biệt là MBB.

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Tôi vẫn chọn giải pháp đứng ngoài thị trường trong giai đoạn này và chỉ duy trì một tỷ trọng thấp 20% cổ phiếu trong danh mục.

Cổ phiếu ngân hàng chờ những nhân tố mới

Nguồn: