Ngày 24/11, Bộ Tài chính và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đồng tổ chức Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính Thuế và Hải quan năm 2020 khu vực phía Bắc.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, năm 2020 là một năm xảy ra nhiều biến động cho nền kinh tế khi dịch Covid-19 bùng phát khiến hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Theo Bộ Tài chính, tổng số tiền thuế và thu ngân sách đã gia hạn, miễn, giảm theo các chính sách đã ban hành đến hết nay là khoảng 99,3 nghìn tỷ đồng, ước thực hiện cả năm 2020 là khoảng 110 nghìn tỷ đồng (trong đó số tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 80 nghìn tỷ đồng; số được miễn, giảm khoảng 30 nghìn tỷ đồng).
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng phối hợp cùng các bộ, ngành, cơ quan thực hiện các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Đến nay, đã hỗ trợ cho 12,79 triệu đối tượng bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 với số tiền là 12,69 nghìn tỷ đồng.
Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong năm 2020 nhưng các kết quả thu NSNN của cả giai đoạn vẫn cơ bản đạt mục tiêu đề ra, quy mô thu NSNN bình quân giai đoạn 5 năm 2016-2020 đạt khoảng 24,5% GDP, tỷ lệ thu từ thuế, phí khoảng 20,4% GDP.
Bộ Tài chính đánh giá, nguồn thu từ thuế, phí đã ngày càng bền vững và đảm bảo cho đầu tư phát triển, duy trì bộ máy, đảm bảo an sinh xã hội và an ninh quốc phòng.
"Đặt trong bối cảnh nguồn thu ngân sách nhà nước bị ảnh hưởng lớn trong khi ngân sách nhà nước vẫn phải đảm bảo nhu cầu chi cho các hoạt động thường xuyên, đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư phát triển và đặc biệt là việc tăng nhu cầu chi về an sinh xã hội, chi cho công tác phòng chống dịch bệnh... đã tạo ra thách thức lớn với cân đối ngân sách nhà nước và việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ nêu trên càng thể hiện rõ sự quyết tâm luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp", Thứ trưởng Mai nhấn mạnh.
ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH, HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH THUẾ, HẢI QUAN
Bà Mai thông tin, hiện Bộ Tài chính đã và đang triển khai trên nhiều mặt công tác, tập trung hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Trong lĩnh vực thuế, với mục tiêu cải cách hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ Tài chính đã tiếp tục đẩy mạnh triển khai các ứng dụng quản lý thuế hiện đại, tạo thuận lợi cho người nộp thuế.
Ngành Thuế đã cung cấp 194 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Thuế và 63 cục thuế, trong đó, đã tích hợp 150 thủ tục hành chính qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Hệ thống khai thuế điện tử chiếm khoảng 99,32% doanh nghiệp đang hoạt động với hơn 11,28 triệu hồ sơ; đã phối hợp với 55 ngân hàng thương mại triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử với khoảng 780,6 nghìn doanh nghiệp (đạt tỷ lệ 97,63%)...
Trong lĩnh vực hải quan, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành hoàn thành triển khai 202 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành trên Cơ chế một cửa quốc gia kết nối với 3,2 triệu hồ sơ của hơn 40 nghìn doanh nghiệp; đã cung cấp gần 90% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; đã kết nối với 9 nước ASEAN để trao đổi C/O mẫu D điện tử.
Ngành hải quan cũng đã thực hiện hải quan điện tử với sự tham gia của hơn 99,65% doanh nghiệp tại 100% đơn vị hải quan trên phạm vi toàn quốc, qua đó rút ngắn thời gian làm thủ tục hải quan cho doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường triển khai đề án nộp thuế điện tử với số thu ngân sách bằng phương thức điện tử đạt tỷ lệ trên 98,6% tổng số thu ngân sách của cơ quan hải quan...
Nguồn: