61.000 tỷ đồng tạm rời hệ thống ngân hàng

22/11/2024
Lượng tiền lớn này “rời đi” chỉ trong quãng giao dịch gần đây của hệ thống ngân hàng.

Đó là lượng vốn nhàn rỗi, có thể xem là dư thừa của hệ thống ngân hàng thương mại tại thời điểm này, được Ngân hàng Nhà nước hút bớt về qua phát hành tín phiếu tính đến cuối tuần này.

Cụ thể, trong phiên giao dịch cuối tuần (7/2), Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chào thầu và hút ròng về 10.000 tỷ đồng, nâng tổng số vốn hút ròng từ hai phiên trước Tết Nguyên đán đến nay lên xấp xỉ 61.000 tỷ đồng.

Quãng hút tiền về này và quy mô đó chỉ trong khoảng hai tuần giao dịch.

Cụ thể, ba phiên trước thềm nghỉ Tết Nguyên đán, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu trở lại phát hành tín phiếu hút bớt tiền về, sau khi tạm ngừng trong quý IV/2019. Ban đầu, quy mô 5.000 tỷ đồng/phiên; trong tuần vừa qua lần lượt nâng lên 8.000 tỷ, rồi lên 10.000 tỷ đồng/phiên.

Lãi suất tín phiếu ban đầu ở mức 2,8%/năm, sau đó giảm xuống còn 2,65%/năm và duy trì đến nay. Kỳ hạn tín phiếu giữ nguyên ở 91 ngày. Đây cũng là kỳ hạn dài nhất mà Ngân hàng Nhà nước ít áp dụng những năm trước đây (ngoại trừ tình huống cá biệt phát hành tín phiếu bắt buộc hồi tháng 3/2008 có kỳ hạn lên tới 364 ngày).

Việc Ngân hàng Nhà nước liên tục hút bớt lượng lớn tiền về, cùng kỳ hạn áp dụng dài nói trên, một phần phản ánh trạng thái vốn dư thừa trong hệ thống ngân hàng hiện nay, nhất là sau năm 2019 đưa ra khoảng 500.000 tỷ đồng mua ngoại tệ.

Mặt khác, với mức lãi suất 2,65%/năm, tín phiếu Ngân hàng Nhà nước đã trở lại thành một kênh đầu tư có quy mô lớn dần lên của các ngân hàng thương mại có nguồn vốn dồi dào (nguồn không phải trích lập dự phòng rủi ro vừa không bị tính vào chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng).

Trong tuần qua, tại hội nghị triển khai các giải pháp tín dụng, ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch viêm đường hô hấp cấp, Phó thống đốc Đào Minh Tú cũng cho biết, thanh khoản của các ngân hàng thương mại hiện đang dồi dào, không có hiện tượng thiếu vốn.

Theo đó, đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại không được tăng lãi suất, kể cả lãi suất huy động. Trong trường hợp cần thiết, Ngân hàng Nhà nước sẽ có điều chỉnh để gián tiếp hỗ trợ các ngân hàng thương mại giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.

Nguồn: