DongA Bank họp cổ đông bàn phương án tăng vốn

22/11/2024
Tại phiên họp cổ đông lần đầu sau 4 năm sắp tới, Dong A Bank sẽ lấy ý kiến phương án chào bán cổ phần để bù vốn điều lệ đang lỗ luỹ kế.

Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) vừa công bố tài liệu họp đại hội cổ đông năm 2019, dự kiến diễn ra vào 12/10. Đây là phiên họp đầu tiên kể từ khi DongA Bank bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 8/2015. Từ đó đến nay, ngân hàng cũng không công bố báo cáo tài chính.

Theo ngân hàng, tính đến hết 2018, DongA Bank lỗ lũy kế, nguồn vốn chủ sở hữu bị âm. Do đó, để bù đắp việc âm vốn chủ sở hữu, đảm bảo giá trị thực của vốn điều lệ tối thiểu 3.000 tỷ đồng theo quy định, DongA Bank cần phải bổ sung vốn điều lệ.

Ngân hàng có thể tăng vốn điều lệ nếu các thành viên góp thêm, sử dụng các quỹ hay lợi nhuận để lại, chuyển đổi từ trái phiếu thành cổ phiếu phổ thông, hoặc phát hành cổ phiếu. Tuy nhiên, dựa trên tình hình hoạt động, hội đồng quản trị cho biết chỉ có thể tăng vốn điều lệ bằng cách phát hành cổ phiếu ra công chúng hoặc phát hành riêng lẻ.

DongA Bank cũng không thể phát hành cổ phiếu ra công chúng vì không đáp ứng điều kiện chào bán khi đang lỗ lũy kế. Vì vậy, phát hành cổ phần riêng lẻ là lựa chọn duy nhất của ngân hàng.

Giao dịch tại ngân hàng Đông Á. Ảnh: DongA Bank. 

Giao dịch tại ngân hàng Đông Á. Ảnh: DongA Bank. 

Theo đó, ngân hàng chỉ được phép chào bán cho dưới 100 nhà đầu tư (không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp). Người mua cổ phần bị hạn chế chuyển nhượng tối thiểu một năm (trừ chuyển nhượng cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp).

Trước khi phát hành, vốn điều lệ về mặt sổ sách của ngân hàng là 5.000 tỷ đồng. Ngân hàng sẽ chào bán đủ lượng cổ phần để đảm bảo giá trị thực của vốn điều lệ tối thiểu 3.000 tỷ đồng, ưu tiên phát hành cho cổ đông hiện hữu. 

Nếu như đại hội lần tới không thông qua phương án chào bán cổ phần, hoặc việc chào bán được thông qua nhưng các nhà đầu tư không mua đủ số lượng, ngân hàng phải xem xét tái cơ cấu theo phương án khác.

Theo Quyết định 1058 phê duyệt "Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020", nếu một ngân hàng không thể tự tăng vốn điều lệ thì có thể phải sáp nhập với nhà băng khác hoặc bị chuyển giao bắt buộc, hay sau cùng là thu hẹp dần hoạt động để xử lý, giải thể, chấm dứt hoạt động. 

Quỳnh Trang

Nguồn: