Theo thông tin chia sẻ tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư 15/1, ACB lãi trước thuế hợp nhất 7.516 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2018. Tổng thu nhập ngân hàng mẹ tăng 15%, trong đó thu nhập lãi thuần ngân hàng mẹ tăng 17% và thu nhập phí thuần tăng 39%.
Tổng tài sản đến cuối năm ở mức 383.000 tỷ đồng, tăng 16,5%. Tín dụng đạt 266.000 tỷ đồng, tăng 17% và huy động tăng 14% đạt 308.000 tỷ đồng.
Tỷ lệ dư nợ tín dụng trên vốn huy động (LDR) ở mức 78% và tỷ lên tiền gửi không kỳ hạn 20%. Trái phiếu Chính phủ chiếm 15% tổng tài sản. CAR riêng lẻ đạt 10,2% và hợp nhất đạt 11%. ACB đang dẫn đầu chất lượng nợ xấu, với tỷ lệ nợ xấu thấp nhất ngành ở mức 0,54% và tỷ lệ bao nợ xấu 165%.
Ngân hàng dự kiến chia cổ tức 2019 tỷ lệ 30%, trong đó 20% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt.
ACB đang cân nhắc lựa chọn đối tác ký độc quyền Bancassurance. Ảnh: ACB.
Năm 2020, ngân hàng dự kiến sẽ trình cổ đông chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 8.700 tỷ đồng, tăng 15%. Tỷ lệ chia cổ tức dự kiến 25%. ACB sẽ tổ chức trong quý I hoặc quý II/2020.
Chia sẻ về định hướng tăng trưởng phí dịch vụ, ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cho biết sẽ tập trung vào tăng tỷ lệ CASA, ngân hàng đặt mục tiêu tăng số lượng thẻ tín dụng. ACB sẽ chuyển đổi cho vay tiêu dùng tín chấp trả góp, hàng tháng thông qua thẻ, nhằm giảm thủ tục giấy tờ và tạo tiện lợi cho khách hàng, hướng đến nâng dư nợ của mảng này lên gấp đôi, với lãi suất 12-24%, tùy khách hàng.
Về hợp tác bancassurance, hiện nay ACB chưa độc quyền, và ngân hàng đang xem xét tìm đối tác để triển khai, quyết định thời điểm thuận lợi nhất. "Có thể trong năm nay, 6 tháng cuối năm ACB có khả năng sẽ chọn một đối tác để độc quyền", ông Toàn cho biết.
Tuy nhiên, ông Toàn cho hay cũng cần lưu ý là khi độc quyền thì sẽ mất cơ hội với các đơn vị khác. Ở giai đoạn hiện nay, ACB đang liên kết với nhiều đối tác như AIA, Manulilfe, FWD... để biết được cách họ hoạt động và hiểu được thị trường.
Nguồn: