Ám ảnh nợ xấu vay tiền đóng tàu thép

27/11/2024
Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện nợ xấu cho vay theo Nghị định 67 đang có xu hướng tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố ven biển. Ngoài một số nguyên nhân khách quan, bất khả kháng dẫn đến ngư dân không thể trả được nợ vay thì còn do nhiều ngư dân có thái độ chây ì, thiếu trách nhiệm trả nợ ngân hàng, coi đây là nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước.

33% nợ xấu trong dư nợ hơn 10 ngàn  tỷ 

Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản được ban hành nhằm khuyến khích ngư dân đóng tàu vỏ thép công suất lớn để dần chuyển từ khai thác gần bờ sang khai thác xa bờ, có giá trị kinh tế cao hơn, góp phần phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Đây được xem là hệ thống các chính sách đồng bộ, toàn diện nhất từ trước đến nay để hỗ trợ ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu phục vụ khai thác hải sản xa bờ. Thế nhưng, sau gần 5 năm triển khai, câu chuyện cho vay đóng tàu cá để đánh bắt xa bờ  đang nảy  sinh nhiều vướng mắc.

Cập nhật số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến hết ngày 31/12/2017 (thời điểm dừng kí kết mới hợp đồng cho vay đóng mới, nâng cấp tàu), các ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng đối với ngư dân để cho vay đóng mới, nâng cấp 1.177 tàu (1.031 tàu đóng mới và 146 tàu nâng cấp), chiếm 45,2% tổng số tàu cần đóng mới Bộ NN&PTNT phân bổ cho các địa phương giai đoạn 2014 - 2020 với tổng số tiền cam kết cho vay đạt trên 11.700 tỷ đồng. Đến cuối tháng 9/2019, dư nợ cho vay theo chương trình đạt 10.270 tỷ đồng.

Trao đổi với Tiền Phong, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết: Nghị định vay đóng tàu 67 đến nay đã chuẩn bị tổng kết  5 năm ( từ 2014) mà nợ xấu ngày càng tăng. “Kiện ra tòa thì người dân sẽ  phản ứng ầm ầm,  mà  để thành nợ xấu thì ngân hàng cũng...chết. Thực ra vấn đề này NHNN đã phát hiện và báo cáo liên tục mấy năm nay, từ lúc nợ xấu hơn 10%; đến nay đã lên tới 10.500 tỷ trong đó  nợ quá hạn ( tức nợ xấu từ nhóm 3-5)  đã lên tới  33%”, ông Hùng cho biết.

Vụ  trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thừa nhận đến nay NHNN cũng như cả Chính phủ và các bộ ngành đều đang “xoay” hết cách gỡ nhưng dường như tình hình không tiến  triển được bước nào. Cụ thể, đến thời điểm này có những tỉnh thành tỉ lệ nợ xấu thậm chí lên tới 100%. Nặng nhất là Trà Vinh, Phú Yên, Bình Định hay như Nam Định nợ xấu trên 86%, Thái Bình 84% trên tổng dư nợ 1.000 tỷ.

Giải pháp: đủ cách xoay  

Theo ông Hùng, trước thực trạng trên, NHNN đã kịp thời rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất đẩy nhanh việc thực hiện một số giải pháp đồng bộ từ các Bộ, ngành Trung ương đến chính quyền địa phương các cấp, các hiệp hội nhằm hỗ trợ ngư dân, hỗ trợ ngân hàng thương mại thu hồi nợ vay, hạn chế nợ xấu gia tăng.

Bên cạnh đó, NHNN chủ động triển khai các giải pháp như: Đối với các ngư dân không trả được nợ ngân hàng do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, NHNN đã phối hợp với Bộ Tài chính quy định bổ sung một số nguyên nhân khách quan, bất khả kháng; ngư dân được các ngân hàng thương mại cơ cấu lại thời hạn trả nợ cũng như được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 67 trong thời gian cơ cấu.

Theo đó, các ngân hàng thương mại đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ với dư nợ gần 33 tỷ đồng. Trường hợp chủ tàu gặp khó khăn không trả được nợ vay đến hạn không phải do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng theo quy định của Bộ Tài chính, các ngân hàng thương mại theo thẩm quyền đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ 110 tỷ đồng nhằm hỗ trợ ngư dân có thời gian thu xếp nguồn trả nợ ngân hàng.

Đối với trường hợp ngư dân cố tình chây ì, không trả nợ, NHNN tiếp tục chỉ đạo NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố tham mưu cho Ban chỉ đạo 67 của tỉnh định kỳ tổ chức họp với các ngư dân để đôn đốc nhắc nhở, vận động ngư dân thực hiện đúng trách nhiệm và nghĩa vụ trong quan hệ tín dụng; trường hợp cần thiết có biện pháp xử lý phù hợp (như khởi kiện theo quy định).

"Giải pháp rõ ràng nhất là chúng tôi đang phối hợp UBND các tỉnh động viên ngư dân có thể được thì cố gắng trả nợ hoặc còn cơ chế chuyển đổi. Ngân sách không có để bỏ ra xử lý rủi ro, còn ngân hàng nếu cho vay tiếp sẽ lại đắm đò, giặt mẹt". Chỉ còn một cách là cơ cấu lại nợ để người dân tính toán lần hồi trả nợ".

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế.


Nguồn: