“Ẩn số” nào cho lãi suất và tỷ giá năm 2020?

09/09/2024
Chiến tranh thương mại, rủi ro chính trị, dịch bệnh tăng cao… đang khiến cho kinh tế thế giới những tháng đầu năm gặp khó. Với độ mở lớn, Việt Nam cũng đang chịu ảnh hưởng từ những tiêu cực này. "Ẩn số" nào cho lãi suất và tỷ giá năm 2020 là câu hỏi mà các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cũng như xuất khẩu đặc biệt quan tâm.

Tỷ giá: cần điều hành linh hoạt

Năm 2019 khép lại với sự thành công nối tiếp trong điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Với dự trữ ngoại hối liên tục lập kỷ lục, mọi kỳ vọng về ổn định tỷ giá đều được các chuyên gia, nhóm phân tích đưa ra.

Báo cáo chiến lược của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, việc cán cân thanh toán tổng thể thặng dư và rủi ro bị Mỹ đưa vào danh sách thao túng tiền tệ sẽ giúp VND không mất giá mạnh trong năm 2020. Việt Nam có cán cân thanh toán tổng thể thặng dư kể từ năm 2016 đến nay là điểm khác biệt so với năm 2015 và giai đoạn 2007-2011 (giai đoạn VND mất giá mạnh).

“Ẩn số” nào cho lãi suất và tỷ giá năm 2020? - Ảnh 1.

Lãi suất năm 2020 dự báo sẽ ổn định.

Tuy nhiên, áp lực đối với tỷ giá năm 2020 sẽ đến từ xu hướng tiếp tục yếu đi của đồng Nhân dân tệ (dự báo sẽ mất giá thêm 3-4% nếu cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tiếp tục leo thang căng thẳng) và các đồng tiền khác khiến giảm sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam... Từ những phân tích đó, BVSC dự báo, VND sẽ giảm giá tối đa khoảng 2% trong năm 2020.Sự thặng dư đến từ cả cán cân vãng lai và cán cân vốn. Đơn vị này dự báo, trong năm 2020, cán cân thanh toán tổng thể sẽ tiếp tục thặng dư ở mức cao chủ yếu nhờ xuất siêu, dòng vốn FDI dồi dào và nguồn kiều hối ổn định.

Cũng cho rằng tỷ giá sẽ ổn định trong năm 2020, TS. Cấn Văn Lực – Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV dự báo đồng Việt Nam có thể mất giá so với USD tối đa từ mức khoảng 1-2%.

Cơ sở mà vị chuyên gia này đưa ra là xuất phát từ quan hệ cung-cầu ngoại tệ của Việt Nam vẫn còn tốt, đồng thời, chính sách điều hành tỷ giá của NHNN được kỳ vọng vẫn tiếp tục duy trì điều hành linh hoạt như thời gian vừa qua.

Còn theo TS Bùi Quang Tín, việc giữ ổn định tỷ giá là khâu quan trọng nhất để tạo niềm tin vào đồng nội tệ, ổn định kinh tế vĩ mô. Còn ở góc độ thị trường, cung - cầu ngoại tệ mới là yếu tố quyết định tỷ giá. Hiện, thanh khoản ngoại tệ tốt, cung ngoại tệ đang dư thừa, việc giữ tỷ giá ổn định, không để VND tăng giá nhiều so với USD đã hỗ trợ tích cực cho xuất khẩu.

Lãi suất sẽ ổn định

Theo TS Nguyễn Đức Độ (Học viện Tài chính), năm 2020, mặt bằng lãi suất nhiều khả năng sẽ duy trì được sự ổn định, trong đó có 5 nguyên nhân. NHNN hạn chế tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung, dài hạn, cũng như áp lực nâng cao năng lực tài chính (theo chuẩn Basel II) đã phản ánh trong năm 2019.

Mặt khác, dự báo kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng chậm lại so với năm 2019, nên nhu cầu về vốn cho nền kinh tế có thể không quá lớn. Cùng với đó, một số lĩnh vực như bất động sản có thể vẫn tiếp tục xu hướng chững lại của năm 2019, nên nhu cầu về vốn cho một số lĩnh vực cần nhiều vốn như bất động sản cũng không quá mạnh trong năm 2020. Về yếu tố lạm phát, năm 2019, lạm phát bình quân tăng 2,79%.

Năm 2020, nhiều khả năng lạm phát sẽ cao hơn một chút, dự báo trong khoảng 3,5%. Với mức lạm phát này vẫn nằm dưới ngưỡng 4%, nên tác động không phải là quá mạnh. "Tuy nhiên, tôi cho rằng, mặt bằng lãi suất của Việt Nam như hiện tại vẫn cao so với lạm phát. Bởi, nếu với mức lạm phát dưới 4%, trong khi gửi tiết kiệm kỳ hạn từ 1 năm trở lên có lãi suất khoảng 8%, thì mức lãi suất thực dương 4% không phải là nhỏ, cho thấy lãi suất vẫn đang neo ở mức khá cao", TS Độ nói.

Dưới góc độ của một đơn vị tư vấn đầu tư, CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng nhận định lãi suất năm 2020 nhiều khả năng sẽ ổn định, không tăng thêm so với cuối năm 2019. Ngoài ra, BVSC cho rằng, thách thức lớn cho chính sách tiền tệ năm 2020 đến từ xu hướng bật tăng trở lại của lạm phát.

Dù CPI có thể sẽ không tăng cao lên mức quá rủi ro nhưng cũng là một trở ngại khiến nhà điều hành khó mạnh tay trong việc cắt giảm thêm các loại lãi suất điều hành như trần lãi suất huy động, lãi suất thị trường mở (OMO), lãi suất tín phiếu…, nhất là trong nửa đầu năm 2020.

Nguồn: