Bao giờ có sàn giao dịch nợ?

23/11/2024
Hiện nợ xấu đang có xu hướng tăng nhanh trở lại do tác động của COVID-19. Điều đó đòi hỏi cần sớm có thị trường mua bán nợ tập trung để góp phần xử lý nợ xấu của các nhà băng.

Nợ xấu tăng nhanh trở lại

Thống kê 17 NHTM niêm yết tại thời điểm cuối tháng 9 cho thấy, nợ xấu hơn 97.280 tỷ đồng, tăng 31% so với cuối năm 2019 và tỷ lệ nợ xấu tương đương 1,8% tổng tài sản.

Tuy nhiên theo giới chuyên gia, con số nợ xấu tại thời điểm cuối tháng 9 chưa phản ánh hết được bức tranh nợ xấu của các ngân hàng vì nhiều khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN về bản chất đã trở thành nợ xấu.

Theo TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, nợ xấu sẽ còn tiếp tục tăng do 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất là do độ trễ của dịch COVID-19 với các khách hàng của ngân hàng. Thứ hai là do các khoản nợ đang tái cơ cấu theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN vẫn được giữ nguyên nhóm nợ mà chưa phải chuyển nhóm. Vì thế, khi Thông tư 01/2020/TT-NHNN hết hiệu lực, các ngân hàng phải chuyển nhóm nợ thì nợ xấu ắt sẽ tăng cao hơn nữa. "Theo tính toán của chúng tôi đến cuối năm nay, nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng thương mại sẽ lên trên 3%, tới 2021 con số này sẽ lên tới 3,5-4%", vị chuyên gia này cho biết.

Dựa trên kịch bản cơ sở rằng COVID-19 sẽ được kiểm soát giữa năm 2021, SSI Research cho rằng thời gian tái cơ cấu nợ có thể kéo dài hết nửa đầu năm sau. Vì thế, nợ xấu tiềm ẩn sẽ bắt đầu tăng mạnh hơn trong nửa cuối 2021 và chi phí dự phòng cho các khoản nợ xấu này sẽ tăng dần cho cả năm 2021 và 2022. Cụ thể, SSI Reserch ước tính nợ xấu sẽ tăng 17% và 14% trong năm 2020 và 2021 (so với mức giảm 16,3% năm 2019).

Cần sớm hoàn thiện khung pháp lý

Trong bối cảnh đó, vấn đề sớm hình thành thị trường mua – bán nợ lại một lần nữa được xới lên. Trên thực tế, Việt Nam chưa có thị trường mua bán nợ chính thống, mà chỉ có một số tổ chức tham gia như VAMC, Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) và một số công ty mua bán nợ (AMC) của các TCTD thực hiện mua bán nợ với nhau.

Ý tưởng thành lập thị trường mua bán nợ tập trung đã được đề cập từ khá sớm, nhưng đến nay vẫn đang nằm trên… giấy. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự chậm trễ nói trên, nhưng theo giới chuyên môn, vướng mắc lớn nhất chính là việc thiếu một hành lang pháp lý cho sự hình thành và phát triển của thị trường mua bán nợ.

Theo đó vẫn chưa có hành lang pháp lý chung điều chỉnh các chủ thể tham gia mua bán nợ, mà mới chỉ có các quy định ở các văn bản khác nhau. Hơn nữa, pháp luật hiện hành cũng chưa có quy định cụ thể về việc mua bán nợ xấu đối với nhà đầu tư nước ngoài. Tại Nghị định số 69/2016/NĐ-CP cho phép các tổ chức, cá nhân được kinh doanh mua bán nợ, nhưng chưa có quy định rõ ràng việc nhà đầu tư nước ngoài (bao gồm TCTD nước ngoài) có thể thành lập công ty 100% vốn nước ngoài hoặc mua lại toàn bộ một công ty kinh doanh dịch vụ mua bán nợ tại Việt Nam hay không…

Đó chính là lý do tại Quyết định 1058/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động mua, bán nợ của các doanh nghiệp; hình thành, phát triển và quản lý thị trường mua, bán nợ. Tuy nhiên, công tác này hiện rất chậm, cản trở việc hình thành thị trường mua bán nợ.

Bao giờ có sàn giao dịch nợ? - Ảnh 1.

Giai đoạn 2021 – 2025, VAMC phải hoàn thiện việc thành lập, đưa vào vận hành Sàn giao nợ.

Được biết, NHNN vừa ban hành Quyết định 2024/QĐ-NHNN phê duyệt chiến lược phát triển của VAMC đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó đặt mục tiêu trong giai đoạn 2019-2020, VAMC hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ, trong đó VAMC là trung tâm của thị trường với các mục tiêu: Xây dựng Đề án thành lập Sàn giao dịch nợ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sau khi được NHNN phê duyệt thành lập Sàn giao dịch nợ, VAMC sẽ thiết lập, vận hành sàn theo Đề án đã được phê duyệt… Giai đoạn 2021 – 2025, VAMC phải hoàn thiện việc thành lập, đưa vào vận hành Sàn giao nợ.

Đã đến lúc cơ quan quản lý có liên quan cần sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động mua bán nợ để tạo điều kiện cho việc xử lý nợ xấu. Nếu không, nợ xấu sẽ bùng phát mạnh, làm tắc nghẽn dòng chảy tín dụng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế.

Nguồn: