Áp dụng Basel 2, MSB có nhiều dư địa để tăng trưởng

24/11/2024
Sau gần 5 năm chuẩn bị, MSB trở thành một trong số ít ngân hàng thương mại của Việt Nam đạt chuẩn Basel 2 trước thời hạn (theo lộ trình thực hiện Thông tư 41 của Ngân hàng Nhà nước). Giai đoạn phát triển mới của MSB bắt đầu.

Năm 2014, MSB là một trong 10 ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước lựa chọn thí điểm Basel 2. Đến nay, triển khai và áp dụng thành công, MSB có thêm những lợi thế, vị thế và dư địa để tiếp tục tạo những bứt phá mới, Tổng giám đốc Ngân hàng MSB Huỳnh Bửu Quang chia sẻ.

Thưa ông, có một thực tế tại một số ngân hàng Việt Nam, trong giai đoạn đầu thực hiện Basel 2 thì các chỉ tiêu tăng trưởng có thể bị chậm lại, MSB thì sao?

Điều này còn tùy thuộc vào mỗi ngân hàng. Chậm lại hay không tùy thuộc vào điều kiện đủ vốn của họ. Nếu anh không đáp ứng được tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) thì anh không tăng trưởng được, phải tăng vốn. Tăng vốn với các ngân hàng thì không hề đơn giản.

Với MSB, trước đây nếu theo Basel 1 thì CAR đạt tới 19-20%, nên khi chuyển sang Basel 2 có giảm xuống nhưng vẫn vượt trên tiêu chuẩn, vẫn đạt trên 9% so với yêu cầu 8%.

Áp dụng Basel 2, MSB có nhiều dư địa để tăng trưởng - Ảnh 1.

Có thể thấy, song song với việc áp dụng Basel 2, thời gian qua một số ngân hàng thương mại Việt Nam cũng tiến hành tất toán hết nợ xấu bán sang Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). MSB có đặt kế hoạch thực hiện tương tự không?

Khi áp Basel 2 thì ngân hàng đã đi theo chuẩn mực và yêu cầu đảm bảo cân đối hết các cấu phần tài sản, thực hiện rích lập dự phòng đầy đủ. Đã là tiêu chuẩn chung thì mình phải tuân thủ, chứ không phải tự chọn lọc hay tránh né.

Theo đó, MSB đáp ứng đầy đủ hết, đáp ứng toàn diện đối với vấn đề nợ xấu theo tiêu chuẩn Basel 2.

Một trong những cơ sở để áp dụng Basel 2 trước thời hạn là MSB đã có quá trình xử lý nợ xấu tốt trước đó, đặc biệt nhiều khoản nợ đã được tập trung xử lý trong năm 2018. Nghị quyết 42 của Quốc hội cũng đã góp phần thúc đẩy quá trình này tại các ngân hàng thương mại nói chung.

Đến cuối 2018 MSB còn khoảng 3.300 tỷ đồng nợ bán sang VAMC. Năm nay chúng tôi có kế hoạch giảm xuống còn 2.000 tỷ và mục tiêu là sẽ tất toán toàn bộ.

Áp dụng Basel 2, MSB có nhiều dư địa để tăng trưởng - Ảnh 2.

Có thể nói áp dụng Basel 2 tạo áp lực đối với nhiều ngân hàng thương mại trong cân đối hoạt động. Áp lực đó như thế nào khi đặt trong bối cảnh nền kinh tế chịu những ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại Mỹ với Trung Quốc. MSB đặt mình trong bối cảnh đó như thế nào?

Hiện nay chưa có ai có thể đưa ra phân tích chính xác tác động từ cuộc xung đột thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc, vì chưa thể biết trước quy mô và mức độ lan rộng của nó sẽ như thế nào.

Trong điều kiện kinh tế đó thì hệ thống ngân hàng nói chung vẫn được hưởng lợi. MSB là một cấu phần trong đó, sẽ được hưởng lợi nhiều hơn, vì chúng tôi tập trung vào hai phân khúc bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ - hai khối được kỳ vọng có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhất.

Việt Nam khi thu nhập đầu người tăng thì nhu cầu tài chính, nhu cầu tiếp cận các dịch vụ tài chính nhiều hơn. Nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ theo tinh thần khởi nghiệp sẽ giúp tăng trưởng cộng đồng mở rộng hơn. MSB có thể nắm bắt được những có hội từ đó.

Như ông nói ở trên, MSB tập trung bán lẻ. Một xu thế đang thể hiện rõ là cạnh tranh mạnh mẽ trong phát triển ngân hàng số, thậm chí ngân hàng còn phải cạnh tranh với những mô hình mới…

Với ứng dụng công nghệ để tối ưu hóa vận hành, chúng tôi đề ra ba ưu tiên: ưu tiên trải nghiệp khách hàng, ưu tiên về thấu hiểu khách hàng và ưu tiên về hiệu quả hoạt động vận hành.

Chúng tôi có 7 dự án để giải quyết ba ưu tiên trên. Trong giai đoạn 2019 - 2020, MSB sẽ tiếp tục triển khai mạnh 7 dự án đó và sẽ mang lại hiệu quả tốt nhất. Như vừa qua MSB tiên phong ứng dụng trí tuệ nhân tạo, mạng xã hội để phát triển dịch vụ thẻ tín dụng. Đây là hướng tiếp cận hoàn toàn mới, giúp cho trải nghiệp khách hàng tốt hơn nữa, hiệu quả vận hành cũng tăng lên nhiều so với cách làm truyền thống.

Xu hướng số hóa đó, liệu đang quá sớm để tính đến một thời điểm nào đó bão hòa về sản phẩm và dịch vụ, thưa ông?

Không chỉ Việt Nam, mà với thế giới, chuyển đổi số và phát triển ngân hàng số mới chỉ ở giai đoạn đầu của sự phát triển thôi, mới chỉ bước đầu của tiềm năng thôi. Việt Nam mình mới bước vào kỷ nguyên số, vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Nhưng, sau giai đoạn khởi đầu, đến giai đoạn bùng nổ thì sẽ có giai đoạn sắp xếp lại.

Với MSB, sau giai đoạn tập trung đầu tư cho công nghệ, từ 2019 ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc đưa vào những công nghệ số như về robot, sinh trắc học, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn… để phát triển các sản phẩm, dịch vụ lên một cấp độ mới, cấp độ trưởng thành.

Quay trở lại với hoạt động ngân hàng truyền thống, vừa qua Ngân hàng Nhà nước dự kiến có nhiều hàng rào kỹ thuật mới, cao hơn như về các giới hạn sử dụng vốn, giới hạn cho vay, điều chỉnh hệ số rủi ro… MSB trù tính thế nào trước hướng dự kiến này?

Đầu tiên thì những cái đó đều đang dự thảo. Còn với MSB, như với tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn thì chúng tôi là một trong số ít ngân hàng có nguồn lực thuận lợi, khi tỷ lệ này ở nhóm thấp nhất trên thị trường. Đó là lợi thế, như hiện nay tỷ lệ này tại MSB chỉ 22% thôi, còn nhiều dư địa.

Thứ hai nữa, về thanh khoản, vì chính sách quản lý rủi ro của chúng tôi là thận trọng, nên tỷ lệ cho vay trên huy động của MSB luôn đảm bảo dưới 85%, hiện dưới 80%.

Thứ ba, khi theo Basel 2, CAR của MSB vẫn cao hơn yêu cầu nên có dư địa để tăng trưởng.

Tất nhiên, sau này, Ngân hàng Nhà nước chốt lại phương án mỗi ngân hàng thương mại sẽ có những điều chỉnh phù hợp. Còn với những dự thảo hiện nay, như trên, MSB đang có những lợi thế và thuận lợi để chủ động đáp ứng.

Nguồn: