Đối thoại chuyên đề: "Vòng xoáy lạm phát: Kiểm soát chi phí đẩy" được VnEconomy tổ chức ngày 4/4, các chuyên gia cho rằng ngân hàng trung ương (NHTW) đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát lạm phát thông qua chính sách tiền tệ.
Nói về bối cảnh lạm phát hiện tại của Việt Nam, TS Lê Xuân Nghĩa cho biết trong 3 năm vừa rồi nhiều nước đã sử dụng gói kích thích kinh tế rất lớn, từ đó sớm muộn cũng sẽ tác động đến lạm phát trong trung hạn và dài hạn. Nhưng điều đó chưa xảy ra thì ngay lập tức cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine đã dẫn tới các biện pháp trừng phạt của Mỹ, châu Âu, từ đó kích hoạt lạm phát, đặc biệt là đã tạo ra cuộc khủng hoảng năng lượng mà nó sẽ kéo dài 1- 2 năm. Bên cạnh đó, năm ngoái Mỹ gặp trở ngại lớn với mùa thất thu do hạn hán chưa từng có trong lịch sử làm giá lương thực thực phẩm toàn cầu đẩy lên khá cao.
TS.Lê Xuân Nghĩa cũng chia sẻ thêm: "Giá nhiên liệu trong 3 tháng vừa rồi tăng khoảng 55-58%, giá lương thực thực phẩm tăng khoảng 24%, các vật liệu xây dựng cơ bản - là đầu vào của nhiều ngành sản xuất ở Việt Nam cũng tăng thêm trên dưới 17-35%."
Với mô hình thể hiện sự tương quan giữa giá xăng và tỷ lệ lạm phát, chuyên gia cho biết với mỗi kịch bản giá xăng dầu tăng sẽ có mức độ tác động khác nhau đến lạm phát của Việt Nam. Nếu giá xăng dầu tăng khoảng 10% thì lạm phát tăng thêm 0,48%, nếu giá xăng dầu tăng 30% thì lạm phát tăng thêm xấp xỉ 1%.
Thực tế, diễn biến giá xăng dầu tại Việt Nam đã tăng 30% nên chỉ riêng giá xăng dầu đã có thể làm cho lạm phát tăng thêm 1% so với năm trước. "Nếu năm ngoái lạm phát khoảng 1,9%, chúng ta thấy năm nay có thể lên tới 3-3,9%, chỉ riêng do tác động của giá xăng dầu. Ngoài ra còn có các tác động khác về giá vật liệu cơ bản, lương thực thực phẩm, chúng tôi dự báo lạm phát của Việt Nam năm 2022 sẽ là khoảng 3,8% - 3,9%" - TS. Lê Xuân Nghĩa phân tích.
Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Đức Trung, Quyền Hiệu trưởng, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, ông cho rằng trong kịch bản khi giá dầu trên thế giới tiến tới 150 USD, lạm phát (tính theo năm) sẽ chạm 4% vào tháng 8 và tháng 9 năm nay và rất có thể chạm mức 7% vào cuối năm. Điều này gây ra áp lực vô cùng lớn tới việc điều hành các chính sách để ổn định nền kinh tế.
Áp lực lạm phạt liệu có đè nặng lên CSTT?
Mặc dù, lạm phát ngày càng hiện diện rõ ràng nhưng giới chuyên gia đa phần đều cho rằng với sự linh hoạt trong việc điều hành chính sách của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lạm phát không quá đang lo ngại.
Theo ông Nguyễn Đức Long, Vụ trưởng Vụ Dự báo Thống kê, Ngân hàng Nhà nước, trong những năm qua NHNN luôn bám sát mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của chính phủ, trong đó NHNN ưu tiên mục tiêu hàng đầu là kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Kiểm soát chặt chẽ chỉ tiêu tiền tệ ở mức hợp lý để kiểm soát lạm phát không chỉ năm nay mà còn trong các năm tiếp.
Về vấn đề tăng trưởng tín dụng, ông Long chia sẻ trước đây tăng trưởng tín dụng cao nhưng gần đây NHNN đã kiểm soát chặt chẽ về tăng trưởng tín dụng, trong đó luôn hướng tăng trưởng tín dụng vào các khu vực sản xuất kinh doanh, hạn chế tín dụng đi vào các khu vực rủi ro, đặc biệt là bất động sản.
"Về thanh khoản, chúng tôi duy trì thanh khoản ổn định, nhưng cũng đồng thời duy trì mặt bằng lãi suất liên ngân hàng hợp lý. Để một mặt hỗ trợ được cái thị trường ngoại hối và tỷ giá. Một mặt cũng hỗ trợ việc giảm lãi suất trên thị trường hai" - ông Long nói.
Ông Nguyễn Đức Long và TS. Lê Xuân Nghĩa đồng quan điểm cho rằng tỷ giá có vai trò trong bối cảnh lạm phát, hạn chế sức ảnh hưởng từ việc hàng hóa thế giới tăng. Đối với vấn đề tỷ giá, trong thời gian qua NHNN đã điều hành nghiêm ngặt tỷ giá để đảm bảo sự ổn định.
Do đó, với sự đồng bộ, linh hoạt trong điều hành chính sách, diễn biến lạm phát ở nước ta đã ổn định theo mục tiêu đã đặt ra trước đó. "Trong đó lạm phát toàn phần CPI chúng tôi đánh giá đều là dưới 4%. Đối với lạm phát cơ bản, dao động trong 0,8-2%, mức hợp lý đối với Việt Nam. Đây là yếu tố hết sức quan trọng và hỗ trợ trong việc ổn định được nền kinh tế vĩ mô, và kỳ vọng kiểm soát lạm phát đề ra của chính phủ."- ông Long chia sẻ.
Trả lời cho câu hỏi "NHNN sẽ dẫn cung tiền như thế nào để dòng tiền đi được đúng hướng vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp nền kinh tế ổn định?", đại diện tổ chức này, Ông Nguyễn Đức Long cho biết NHNN từng có những động thái điều chỉnh lãi suất phù hợp với từng bối cảnh nền kinh tế. Cụ thể, NHNN đã chủ động 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành cũng như trần lãi suất cho vay… Bên cạnh đó cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh để chủ động giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Do vậy, mặt bằng lãi suất thực tế 2 năm qua khá thấp.
Mặc dù khó khăn nối tiếp khó khăn, các biện pháp NHNN kết hợp với việc cơ cấu lại nợ đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được với vốn vay ngân hàng. Nhờ vậy, mức tăng trưởng tín dụng năm 2021 đạt 13,61%, cao hơn so với mức tăng 2020.
Chuyên gia cũng lưu ý và kiểm soát chặt chẽ vấn đề tín dụng chảy vào bất động sản, vốn là lĩnh vực chứa nhiều rủi ro. Thực tế theo quan sát, thời gian qua đa phần vốn đa phần vốn đi vào sản xuất kinh doanh. Như vậy, tín dụng đang tạo điều kiện và hỗ trợ cho nền kinh tế, cùng như khả năng phục hồi nền kinh tế.
Đa phần giới chuyên gia đều cho rằng lạm phát có được kiểm soát như mục tiêu đã đặt ra trước đó hay không sẽ phụ thuộc vào chính sách tiền tệ của NHNN.
https://cafef.vn/ap-luc-lam-phat-lieu-co-de-nang-len-chinh-sach-tien-te-20220404161532504.chnNguồn: