Thị trường Forex toàn cầu
Thị trường ngoại hối (Forex) ra đời vào năm 1976 sau khi nền kinh tế toàn cầu chuyển mình từ "vàng bản vị" sang trao đổi tự do tiền tệ. Bước phát triển này xuất phát từ nhu cầu thực tế về việc cần thiết của luân chuyển tiền tệ tự do giữa các quốc gia.
Mục đích ban đầu của ngoại hối chỉ là trao đổi tiền tệ, nhưng sau này các nhà đầu tư đã học được cách kiếm lời trên sự khác biệt của tỷ giá hối đoái và trở thành nguồn thu nhập không nhỏ.
Thị trường Forex ra đời trên cơ sở đó, hiện là thị trường lớn nhất và có tính thanh khoản cao nhất trên phạm vi toàn cầu. Theo thống kê của Statista, khối lượng giao dịch Forex toàn cầu đạt khoảng hơn 6.600 tỷ USD mỗi ngày. Thị trường ngoại hối lấn át ngay cả các sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất trên thế giới - Nasdaq có khối lượng giao dịch hàng ngày trung bình chỉ khoảng 200 tỷ USD.
Giá trị của toàn bộ thị trường giao dịch ngoại hối toàn cầu được ước tính vào khoảng 2.409 nghìn tỷ USD với hơn 170 loại tiền tệ được mua bán.
Trong giai đoạn 2016 - 2019, khối lượng giao dịch Forex tăng trưởng bình quân khoảng 30%. Trong đó, năm 2019, giao dịch hoán đổi Forex đã đạt 3,2 nghìn tỷ USD, chiếm 49% tổng khối lượng giao dịch Forex toàn cầu. Còn giao dịch Forex giao ngay đạt 1,98 nghìn tỷ USD, chiếm 30% tổng khối lượng giao dịch toàn cầu. USD là đồng tiền giao dịch ngoại hối phổ biến nhất - với 88,3% giao dịch toàn cầu.
Hoạt động Forex ở các nước
Hiện nay, Việt Nam chỉ cho phép các ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được kinh doanh ngoại hối. Mọi hành vi kinh doanh ngoại tệ của cá nhân, tổ chức khác đều vi phạm pháp luật.
Trên thực tế, tại Việt Nam đang tồn tại rất nhiều tổ chức cung cấp dịch vụ đầu tư ngoại hối không được cấp phép (sàn), lôi kéo nhiều người tham gia trái phép và tự gọi là "chơi Forex".
Trong đó, những người tham gia giao dịch (thường được gọi là trader) vừa vi phạm pháp luật về hoạt động ngoại hối, vừa không được pháp luật bảo vệ nếu có tranh chấp, xung đột xảy ra.
Như vậy, khi tham gia chơi Forex trái phép tại Việt Nam, người chơi không những phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ mà còn có thể bị xử phạt hành chính do vi phạm pháp luật.
Ngoài Việt Nam, nhiều quốc gia khác cũng đang cấm cá nhân giao dịch Forex là Malaysia, Pakistan, Ấn Độ, Bỉ, Bắc Triều Tiên...
Ở Ấn Độ, các nền tảng giao dịch Forex đều bị cấm. Trong khi người dân không thể trực tiếp giao dịch trên thị trường ngoại hối, họ vẫn có thể giao dịch bằng tiền tệ thông qua sở giao dịch chứng khoán. Theo Đạo luật Quản lý Ngoại hối (FEMA), giao dịch nhị phân không được phép sử dụng. Trong khi giao dịch bằng ngoại tệ được phép, nhưng đi kèm với một số hạn chế nhất định. Tại nước này, tiền tệ cơ sở đang được giao dịch phải là đồng Rupee Ấn Độ (INR). Chỉ có 4 loại tiền tệ có thể được giao dịch với INR bao gồm Đô la Mỹ (USD), Euro (EUR), Bảng Anh (GBP) và Yên Nhật (JPY).
Tương tự ở Malaysia, người dân vẫn được phép mua bán ngoại tệ. Tuy nhiên, họ chỉ có thể giao dịch với các ngân hàng thương mại được cấp phép. Đạo luật Kiểm soát Hối đoái 1953 (ECA) của nước này quy định, việc một người ở Malaysia mua hoặc bán ngoại tệ với bất kỳ người, tổ chức nào không phải là một đại lý được ủy quyền, đều được coi là phạm pháp. Một người tiếp tay cho người khác mua, bán ngoại tệ với bất kỳ người nào cũng là hành vi phạm tội, trừ trường hợp người đó là đại lý được ủy quyền.
Đạo luật này không có hạn chế nào đối với những người không cư trú đầu tư vào Malaysia để mua tài sản bằng đồng ringgit, chẳng hạn như đất đai hay chứng khoán. Nó cũng không có hạn chế đối với người không cư trú chuyển tiền ra nước ngoài, từ lợi nhuận hay thoái vốn từ các khoản đầu tư của họ tại Malaysia.
Ngoài ECA, Malaysia còn ban hành Đạo luật Đổi tiền 1998 (MCA). Đạo luật này quy định việc cấp phép và hoạt động kinh doanh đổi tiền cũng các vấn đề khác liên quan đến ngoại hối. Theo MCA, một người được cấp phép theo Đạo luật Kiểm soát Hối đoái 1953 (ECA) để mua và bán ngoại tệ cũng sẽ được cấp phép theo Đạo luật Đổi tiền 1998.
Câu chuyện quản lý
Để điều tiết hoạt động giao dịch Forex, nhiều quốc gia có các cơ quan quản lý hoạt động của các nhà môi giới Forex. Chẳng hạn, ở Mỹ là nghiêm ngặt nhất với Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC); Hiệp hội Giao dịch tương lai Quốc gia (NFA); Cơ quan Quản lý độc lập thị trường tài chính (FINKA); Cơ quan Bảo vệ nhà đầu tư (SIPC).
Hay như Thụy Sĩ có Cơ quan Giám sát thị trường tài chính (FINMA); còn Anh có Cơ quan Kiểm soát dịch vụ tài chính (FCA). Tại Úc, thị trường Forex được quản lý bởi Ủy ban Đầu tư và Chứng khoán (ASIC).
Tại châu Á, các quy định về giao dịch Forex ở Singapore cũng được đánh giá là nghiêm ngặt như ở Mỹ. Giao dịch Forex ở đảo quốc này được kiểm soát bởi Ủy ban Tiền tệ Singapore (MAS), vốn vận hành như một ngân hàng trung ương. Mọi sàn giao dịch nào muốn hoạt động ở Singapore đều phải được cấp phép bởi MAS.
Bất kì ai muốn mở tài khoản giao dịch ở đây đều phải cung cấp định danh cá nhân (thẻ căn cước hoặc hộ chiếu quốc tế) cũng như hóa đơn điện/nước để chứng minh là họ đang sinh sống ở Singapore. Bên cạnh đó nhà đầu tư phải cung cấp giấy tờ chứng minh khả năng tài chính của mình và không được phép giao dịch với đòn bẩy lớn. Mức đòn bẩy cho phép ở đây chỉ là 20:1.
Về phía các sàn giao dịch Forex, MAS yêu cầu họ phải có các tài khoản khác nhau để tách biệt tiền của công ty và tiền của nhà đầu tư.
Quy định này nhằm đảm bảo rằng ngay cả khi sàn giao dịch đó phá sản thì các nhà đầu tư vẫn rút được tiền của mình về. Bên cạnh đó các sàn Forex bị yêu cầu phải giải thích thật kĩ các gói sản phẩm mà họ mời chào cho khách hàng, cũng như sẽ bị phạt nặng nếu những thông tin họ đưa ra là thiếu chính xác hoặc gây hiểu nhầm cho nhà đầu tư.
Trong khi đó, thâm nhập thị trường ngoại hối Trung Quốc không phải lúc nào cũng dễ dàng đối với các công ty môi giới nước ngoài do môi trường kinh doanh và các quy định chặt chẽ.
Các công ty môi giới nước ngoài có thể thâm nhập thị trường ngoại hối địa phương bằng cách hợp tác với các công ty trong nước. Những công ty này đảm nhận vai trò môi giới, qua đó cho phép các công ty nước ngoài xây dựng mạng lưới khách hàng tại đây.
Tuy nhiên, các công ty môi giới nước ngoài phải được điều chỉnh lại trước khi tiếp cận nhà môi giới giới thiệu của Trung Quốc vì điều này sẽ cho phép chính quyền giám sát đầy đủ các hoạt động của họ.
Hai cơ quan quản lý chính chịu trách nhiệm giám sát thị trường ngoại hối ở Trung Quốc là Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước (SAFE) và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC). Tất cả các tổ chức hoạt động phải có giấy phép phù hợp từ các cơ quan quản lý trước khi có thể tham gia vào bất kỳ hoạt động tài chính nào.
Cùng với PBOC, SAFE giám sát dòng ngoại hối đến và đi từ Trung Quốc. Hai đơn vị cũng chịu trách nhiệm thiết lập tỷ giá hối đoái thông qua chế độ thả nổi có quản lý. Đặc biệt, SAFE đảm nhận nhiều chức năng khác ngoài việc soạn thảo luật và điều chỉnh thị trường ngoại hối ở Trung Quốc. Tổ chức này cũng điều chỉnh tiền điện tử và giám sát cán cân thanh toán và nợ nước ngoài.
Các công ty hoạt động tại địa phương, bao gồm cả môi giới ngoại hối, phải báo cáo tất cả các khoản thanh toán ở nước ngoài trong khung thời gian được chỉ định, nếu không, họ sẽ không được phép sắp xếp các giao dịch như vậy.
Nguồn: