Biến động kết quả kinh doanh của 3 ngân hàng Vietcombank, VietinBank và BIDV

13/01/2025
Nợ xấu tại 3 ngân hàng quốc doanh tăng 34%, tương đương 12.300 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm. Tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay của 3 ngân hàng chỉ bằng một nửa 9 tháng năm trước.

Theo thống kê của Người Đồng Hành, riêng quý III/2020, lợi nhuận trước thuế của 3 ngân hàng quốc doanh (BIDV, VietinBank và Vietcombank) thấp hơn 10% so với cùng kỳ 2019, còn 10.590 tỷ đồng. Sự suy giảm chủ yếu tại Vietcombank và VietinBank với việc thấp hơn lần lượt 7% và 21%. Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế của BIDV vẫn tăng 16% lên 2.703 tỷ đồng. 

Dù vậy, lợi nhuận trước thuế 9 tháng của 3 ngân hàng quốc doanh vẫn tăng 1%, đạt 33.391 tỷ đồng do nhờ BIDV và VietinBank. Trong đó, VietinBank báo lãi tăng 23% và BIDV tăng gần 1%. Ở chiều ngược lại, Vietcombank vẫn giảm lợi nhuận hơn 9%. Trong số 3 ngân hàng chỉ duy nhất BIDV công bố kế hoạch lợi nhuận trước thuế 12.500 tỷ đồng.

Biến động kết quả kinh doanh của 3 ngân hàng Vietcombank, VietinBank và BIDV - Ảnh 1.

Diễn biến lợi nhuận trước thuế 3 ngân hàng trong 9 tháng. Đơn vị: tỷ đồng, %.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từng phát đi chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) việc triển khai công tác cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch.Đầu năm, Phó Thống đốc Đào Minh Tú từng đề cập các ngân hàng có vốn Nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank) phải giảm lợi nhuận tối thiểu 40% lợi nhuận để đóng góp vào việc hạ lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân trong dịch Covid-19.

Các ngân hàng đã thực hiện miễn giảm lãi, cơ cấu nợ cho khách hàng theo Thông tư 01, đồng thời công bố các gói vay ưu đãi lãi suất hỗ trợ khách hàng. Các biện pháp hỗ trợ của các nhà băng là một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận của các ngân hàng bị ảnh hưởng, trong bối cảnh tín dụng tăng chậm.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng nhóm Big 4 chia sẻ với Người Đồng Hành rằng ngân hàng ông không cho vay ra được, nên tìm kiếm doanh thu từ hoạt động dịch vụ. Tuy thế, việc này cũng không dễ dàng trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong năm, khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Tính tới cuối tháng 9, tổng cho vay khách hàng của 3 ngân hàng chỉ tăng gần 3,6%, bằng nửa cùng kỳ năm trước. Trong đó, Vietcombank dẫn đầu tăng với 6,7%, với dư nợ 783,7 tỷ đồng, theo sau là VietinBank 2,4% với 958.011 tỷ đồng và BIDV 2,5% hơn 1,15 triệu tỷ đồng.

Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI – SSI Research từng nhận định các ngân hàng quốc doanh chịu nhiều áp lực hơn từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc hỗ trợ khách hàng trong thời kỳ đại dịch, trong khi các ngân hàng tư nhân vẫn có dư địa nhất định để cân đối giữa hỗ trợ khách hàng và đảm bảo mức lợi nhuận hợp lý.

Dù lãi trước thuế năm 2020 của các ngân hàng có thể giảm, năm 2021, khi hoàn thành việc hỗ trợ khách hàng, lợi nhuận ngân hàng quốc doanh ước tính sẽ tăng 23% trong khi nhóm ngân hàng TMCP tăng 11,2%.

Nợ xấu

Tính tới cuối tháng 9, nợ xấu (nợ nhóm 3-5) của BIDV, VietinBank và Vietcombank tăng 34% sau 9 tháng, tương đương gần 12.300 tỷ đồng.

VietinBank có biến động lớn nhất, với hơn 7.724 tỷ đồng tăng thêm, cao hơn 66% so với đầu năm. Riêng trong quý III, nợ xấu của ngân hàng này tăng hơn 2.000 tỷ đồng, nâng tổng số lên 17.949 tỷ đồng. Nợ nhóm 5 giảm 43% xuống 4.161 tỷ đồng, nợ nhóm 3 tăng gần 5 lần. Tỷ lệ nợ xấu nâng từ 1,16% lên 1,87%.

Biến động kết quả kinh doanh của 3 ngân hàng Vietcombank, VietinBank và BIDV - Ảnh 2.

Nợ xấu tại các ngân hàng trong năm 2020. Đơn vị: tỷ đồng, %.


Với diễn biến nợ xấu tăng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của VietinBank giảm từ 120% xuống 84,25%, tương ứng tổng dự phòng hơn 15.122 tỷ đồng. Đây cũng là bên duy nhất trong 3 nhà băng giảm chỉ tiêu này.

Tại BIDV, nợ xấu tăng hơn 3.029 tỷ đồng, cao hơn 15% so với đầu năm, nâng tổng số lên 22.525 tỷ đồng, cao nhất trong ba ngân hàng. Tỷ lệ nợ xấu nâng từ 1,74% lên 1,97%.  Dù vậy, tỷ lệ bao nợ xấu tăng từ 75% lên 86%, tương đương 19.391 tỷ đồng.

Vietcombank ghi nhận nợ xấu tăng 2.039 tỷ đồng, cao hơn 34% sau 9 tháng với tổng số 7.884 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nâng từ 0,79% lên 1,01%. Ngân hàng này cũng là đơn vị mạnh tay trích lập dự phòng nhất, với tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng từ 179% lên 215%, tương đương 16.962 tỷ đồng. Nếu dùng toàn bộ dự phòng để xử lý nợ xấu, ngân hàng vẫn còn dư hơn 9.078 tỷ đồng.

Nguồn: