Huyện Hoài Ân là địa phương chăn nuôi lợn lớn nhất ở tỉnh Bình Định. Sau dịch tả lợn Châu Phi, người chăn nuôi lợn ở đây đã can kiệt vốn liếng. Hiện, dịch tả lợn Châu Phi đã tạm lắng, mặc dù địa phương khuyến khích tái đàn nhưng nhiều người “lực bất tòng tâm”.
Người chăn nuôi ở Bình Định chưa dám tái đàn nhiều vì hiện giá lợn giống quá cao.
Anh Nguyễn Đình Quang, ở xã Ân Đức, huyện Hoài Ân cho biết, trước đây khi chưa có dịch, gia trại nhà anh lúc nào cũng gần 200 con cả lợn nái và lợn thịt. Thế nhưng, cơn bão dịch tả lợn Châu Phi quét qua khiến gia đình anh kiệt quệ. Nay, anh chỉ còn đủ tiền mua vài con giống duy trì chuồng trại.
Tương tự, chị Huỳnh Khánh Lan ở thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định cũng đang trăn trở với việc tái đàn lợn. Chăn nuôi lợn là nguồn thu nhập chính của gia đình chị nhiều năm qua. Những năm trước, chuồng lợn nhà chị luôn duy trì khoảng 50 con mỗi lứa. Thế nhưng, chị Lan không dám tái đàn.
“Tôi không dám tái đàn lợn tại vì con giống giá cao quá. Mua lợn trong dân thì 10kg giá đã 2,5 triệu đồng rồi nếu cao nữa là 2,6 triệu hoặc 2,7 triệu đồng/con. Thêm ăn uống nữa, chi phí cũng phải 5- 6 triệu đồng/con mới có thể bán ra. Mấy bữa nay giá lợn cao nhưng khi mình nuôi bán ra liệu có cao nữa hay không, nên cũng sợ không dám tái đàn”, chị Lan nói.
Hiện, tại tỉnh Bình Định, giá thịt lợn hơi vẫn ở mức cao, khoảng 80.000 đồng/kg. Giá một con lợn giống lên đến hơn 3 triệu và lợn nái là hơn 12 triệu đồng/con.
Hỗ trợ lãi suất ngân hàng sẽ là liều thuốc bổ kích thích người chăn nuôi tái đàn. |
Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bình Định, đây là khó khăn chung trong cả nước bởi khan hiếm lợn giống. Đơn vị đang đàm phán với các đơn vị cung cấp con giống không bán lợn giống ra ngoài tỉnh, ưu tiên bán cho người dân trong tỉnh. Mặt khác, đàm phán với đơn vị bán thức ăn để giảm giá, bán nợ thức ăn cho người chăn nuôi.
“Đối với các doanh nghiệp cũng như các cơ sở sản xuất giống và thức ăn chăn nuôi thì sẽ chia sẻ bà con bằng các biện pháp như là giảm giá, hoặc cho mượn nợ, khoanh nợ. Hiện nay, Chi cục đã tham mưu cho Sở và sắp tới sẽ làm việc với tất cả các doanh nghiệp để tìm được sự chia sẻ này”, ông Diệp cho biết thêm.
Khuyến khích người chăn nuôi tái đàn, tỉnh Bình Định chủ trương hỗ trợ lãi suất ngân hàng cho người chăn nuôi. Theo đó, mỗi hộ chăn nuôi từ 3 lợn nái và 1 lợn thịt trở lên sẽ được vay vốn không tính lãi suất.
Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, đầu tháng 6 tới, tỉnh sẽ triển khai gói cho vay không lãi suất cho người chăn nuôi, phấn đấu từ nay đến cuối năm, đàn lợn trên địa bàn tỉnh Bình Định đạt trên 1 triệu con.
“Đây là 1 trong những bài toán khó hiện nay. Cũng chính vì vậy mà UBND tỉnh bàn biện pháp hỗ trợ cho người chăn nuôi tái đàn lại thông qua lãi suất cho người dân được vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Coi như đây là hình thức Nhà nước cho mượn tiền và không tính lãi, sau 1 năm người dân trả lại khoản tiền đó cho Nhà nước”, ông Trần Châu cho hay./.
Nguồn: