Bứt phá nửa đầu năm, nhiều chỉ tiêu MSB trong nhóm đầu ngành

25/11/2024
Tăng trưởng tín dụng của MSB đạt 10,5% trong hai quý đầu năm, thuộc top 3 đơn vị cao nhất hệ thống.

Thông tin tại buổi gặp gỡ chuyên viên phân tích và nhà đầu tư chiều 6/8, lãnh đạo MSB ( HoSE: MSB ) cho biết trong 6 tháng đầu năm, các chỉ tiêu hoạt động đều tăng trưởng tốt, nâng vị thế của MSB trong nhóm các ngân hàng đầu ngành. 

Tổng giám đốc Nguyễn Hoàng Linh cho biết tăng trưởng tín dụng của MSB đạt 10,5% trong hai quý đầu năm 2021, thuộc top 3 đơn vị cao nhất hệ thống. Trong lần nới “room” tín dụng lần hai, MSB cũng là một trong những tổ chức tín dụng (TCTD) được cấp hạn mức cao cho cả năm 2021.

Dư nợ cho vay khách hàng tăng hơn 15% so với đầu năm và 30% so với cùng kỳ năm trước, ở mức 91.380 tỷ đồng. Ngân hàng giải ngân ở tất cả các phân khúc, tập trung vào các lĩnh vực năng lượng tái tạo, y tế và giáo dục

Bứt phá nửa đầu năm, nhiều chỉ tiêu MSB trong nhóm đầu ngành - Ảnh 1.

Nguồn: MSB.

Theo CEO, tỷ trọng cho vay bất động sản, cơ sở hạ tầng của MSB khoảng 19% tổng danh mục cho vay khách hàng doanh nghiệp tương đương 13,9% tổng cho vay khách hàng, được cơ quan chức năng đánh giá là mức thấp. Đây cũng là một trong các nhân tố tích cực đểtrong đợt nới chỉ tiêu tín dụng lần hai, ngân hàng được cấp hạn mức cao hơn so với mặt bằng chung.

Bên cạnh nguồn thu tín dụng, MSB tiếp tục đẩy mạnh hoạt động dịch vụ, thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 574% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 2.198 tỷ đồng, chiếm 40% tổng thu thuần. Chia sẻ với nhà đầu tư, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Giám đốc Khối Quản lý Tài chính MSB cho biết nếu bỏ phần phí upfront đã ghi nhận khi ký hợp đồng bancassurance độc quyền với Prudential, thu nhập hoa hồng từ bảo hiểm 6 tháng tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Mặt khác, ngân hàng cũng sẽ tiếp tục ghi nhận phí upfront độc quyền trong những năm tới.

Ngân hàng dẫn đầu về thị phần giao dịch trái phiếu Chính phủ và đẩy mạnh giao dịch trên thị trường phái sinh, forex.

Khách hàng sử dụng dịch vụ của MSB tiếp tục tăng 11% so với cuối năm trước, lên 2,61 triệu cá nhân, tăng 10% tính đến cuối tháng 6, và gần 60.000 doanh nghiệp, tăng 5%. Tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) duy trì ở mức cao hơn 28%, thuộc nhóm cao nhất trên thị trường, chỉ xếp sau 3 nhà băng khác.

Bứt phá nửa đầu năm, nhiều chỉ tiêu MSB trong nhóm đầu ngành - Ảnh 2.

Với nguồn vốn cơ cấu theo hướng tận dụng tối ưu nguồn vốn rẻ, tăng tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn, tỷ lệ chi phí vốn tiếp tục cải thiện từ 3,6% trung bình năm 2020 xuống 2,44% trong nửa đầu năm 2021. Đồng thời, biên lãi thuần (NIM) nâng từ 3,35% lên 3,67%, tăng liên tục 3 năm liên tiếp. NIM của Ngân hàng có xu hướng tăng trong các quý gần đây được hỗ trợ mạnh mẽ bởi môi trường lãi suất thấp trong suốt thời gian qua. Dự kiến, mặt bằng lãi suất sẽ vẫn còn đươc tiếp tục duy trì ở mức hiện tại khi dịch Covid vẫn còn diễn biến phức tạp. Danh mục đầu tư của MSB từ các năm trước đây có mức lợi suất tốt và đây là lợi thế đặc biệt của giúp Ngân hàng duy trì được tăng trưởng NIM trong khi hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng ảnh hưởng bởi Covid.

Bên cạnh đó, nhờ đẩy mạnh áp dụng công nghệ, số hóa quy trình, ngân hàng cải thiện chi phí hoạt động, qua đó giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) liên tục từ năm 2019 quanh mức 60% xuống 49,2% vào năm trước và 33,5% trong 6 tháng 2021.

Sau 6 tháng, MSB ghi nhận lãi trước thuế gần 3.120 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này đưa ngân hàng vào top 10 đơn vị có lợi nhuận lớn nhất trong nhóm ngân hàng trên sàn chứng khoán. Tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân nâng từ 12,6% lên 20,9%, nằm trong top 3 trong số các nhà băng niêm yết khi ước tính ROAE cho cả năm (annualized ROAE).

Ngân hàng đã thực hiện 95% kế hoạch lợi nhuận năm, do đó theo CEO Nguyễn Hoàng Linh, MSB sẽ cân đối để trích lập dự phòng bổ sung, để hạ tỷ lệ nợ xấu xuống mức thích hợp, đảm bảo các hệ số cân bằng. Đến cuối tháng 6, dư nợ được cơ cấu cho khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 ở mức 241 tỷ đồng, ngân hàng đã trích lập 64 tỷ đồng theo Thông tư 03 trong tháng 7. Tỷ lệ nợ xấu của MSB sau nửa đầu năm 2021 ở mức 1,6%, tương đương cuối năm 2020, sau khi giảm liên tiếp kể từ 2018.

Trao đổi với các chuyên viên phân tích về lộ trình bán công ty tài chính FCCOM, CEO Nguyễn Hoàng Linh cho biết thay vì bán 50% vốn như trước đây, ngân hàng dự kiến bán toàn bộ 100% vốn. Hiện nay, 2-3 đối tác đang làm việc với ngân hàng. Dự kiến, thời gian hoàn tất bán vốn trong năm 2022, phụ thuộc vào việc cấp phép của Ngân hàng Nhà nước.

Trả lời câu hỏi của nhà đầu tư về kế hoạch tìm đối tác chiến lược nước ngoài, ông Linh cho biết trong tương lai gần, khả năng sẽ xin ý kiến cổ đông dành một phần vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, đối tác chiến lược ở thời điểm cần thiết. Đối tác chiến lược nước ngoài sẽ có thể đóng góp về nguồn lực, tài chính, kinh nghiệm và công nghệ cho ngân hàng. Với tốc độ tăng trưởng, mức sinh lời hàng năm của MSB hiện nay, nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ tìm cơ hội với ngân hàng.

Trong thời gian tới, MSB đang hoàn tất thủ tục để trả cổ tức bằng cổ phiếu năm 2020 với tỷ lệ 30% cho cổ đông. Ngân hàng dự kiến phát hành thêm 352,5 triệu cổ phiếu, nâng tổng số lượng lưu hành lên gần 1,53 tỷ cổ phiếu, tương đương 15.275 tỷ đồng vốn điều lệ, thực hiện theo phương án được cổ đông thông qua tại phiên họp thường niên 2021.

Nguồn: