Số liệu cập nhật mới nhất từ Tổng cục Thống kê cho biết, tính đến ngày 19/6/2020, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,35% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 6,09%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế cũng chỉ đạt 2,45% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 6,22%). Đây là mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây (2016-2020).
Theo thống kê, bắt đầu từ 1/7, một loạt các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất huy động từ 0,5 - 1,5% ở các kỳ hạn khác nhau.
Cụ thể, Vietcombank điều chỉnh giảm từ 0,4 - 0,5 điểm % so với mức lãi suất niêm yết trước đó, đưa dải lãi suất của nhà băng này chỉ còn thấp nhất từ 3,7%/năm (với kỳ hạn 1 tháng) đến cao nhất là 6,1%/năm (cho kỳ hạn 12 tháng).
VietinBank và BIDV cũng giảm lãi suất từ 0,25 - 0,5 điểm, mức lãi suất thấp nhất chỉ còn 3,7%/năm và cao nhất là 6%/năm.
Ngày 1/7, VPBank thông báo giảm lãi suất đối với tất cả các sản phẩm tiết kiệm và tiền gửi kỳ hạn bằng VND và AUD, cả giao dịch tại quầy lẫn trên kênh online, mức giảm từ 0,3 - 1,1%/năm, áp dụng từ ngày 2/7. Lãi suất ngân hàng này đi từ 3,8%/năm (kỳ hạn 1 tháng tại quầy) tới cao nhất là 6,5%/năm đối với khách hàng có khoản tiền gửi dưới 300 triệu đồng.
Tại Techcombank, lãi suất huy động cũng được thông báo có thay đổi kể từ đầu tháng 7. Theo đó, từ 1/7 ngân hàng này đưa lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng xuống chỉ còn 3,4 - 3,6%/năm và lãi suất cao nhất là 6,2%/năm áp dụng cho các khoản tiền từ 3 tỷ đồng trở lên và gửi 12 tháng. Riêng kỳ hạn ngắn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng lãi suất chỉ dao động từ 3,5 - 4,05%/năm tùy thuộc số tiền gửi và hình thức gửi (gửi tại quầy thấp hơn chút ít so với gửi online).
Việc các ngân hàng giảm lãi suất sâu thời gian gần đây gây lo ngại rằng tiền có thể chảy về các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản thay vì gửi tiết kiệm ngân hàng. Tuy nhiên, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính lại có ý kiến ngược lại.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính
Ông Hiếu cho rằng, các ngân hàng đang tiếp tục đua nhau giảm lãi suất với hai lý do chính. Đầu tiên là để làm "vừa lòng" NHNN, thứ hai là có quá nhiều dư địa để giảm lãi suất.
Cụ thể, ông Hiếu cho rằng, hiện nay ngân hàng không có nhu cầu huy động vốn nhiều vì tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm rất thấp so với cùng kỳ năm ngoái.
"Ngân hàng chỉ huy động cầm chừng để giữ khách hàng và để dự trữ khi nền kinh tế bật dậy trong những tháng tới. Với điều kiện thanh khoản tốt, tiền dồi dào, ngân hàng không cho vay được nhiều thì giảm lãi suất là đương nhiên", ông Hiếu nói.
Cùng với đó, ông Hiếu cho biết, hiện nay các kênh đầu tư không có gì hấp dẫn hơn tiền gửi ngân hàng khi thị trường chứng khoán lình xình ở vùng 850 điểm, đầu tư vàng thì rủi ro cao, tỷ giá thì ổn định, còn thị trường bất động sản đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch, vì vậy dù lãi suất giảm thì tiền vẫn sẽ "chảy" về ngân hàng để khu trú.
Theo ông Hiếu, những lý do trên cũng là động lực để lãi suất ngân hàng sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. "Không có áp lực nào để tăng lãi suất, mà còn có áp lực giảm lãi suất để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp. Trong thời gian tới lãi suất sẽ tiếp tục giảm từ 1-1,5%, cả lãi suất huy động và cho vay", ông Hiếu dự đoán.
Nguồn: