Thông tin trên được ông Nguyễn Xuân Việt Bình, đại diện Công ty cổ phần Công nghệ và Dịch vụ Moca, đơn vị sở hữu ví điện tử Moca đưa ra tại buổi tọa đàm "Thúc đẩy triển khai cơ chế sandbox trong kinh tế chia sẻ tại Việt Nam" tổ chức ngày 7/11.
Theo đại diện ví điện tử Moca, mô hình sandbox cho những ý tưởng mới hoàn toàn như vay ngang hàng (P2P Lending) cần thời gian thử nghiệm dài hơn, để doanh nghiệp yên tâm đầu tư.
Theo ông Bình, Moca hoàn toàn ủng hộ cơ chế sandbox trong lĩnh vực Fintech. Bởi vì, điều này sẽ giúp thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp, đồng thời tăng cường khả năng tiếp cận của người dân sử dụng các dịch vụ ngân hàng, dịch vụ tài chính toàn diện, thúc đẩy hướng đến xã hội không dùng tiền mặt.
Về mặt quản lý, Moca đề xuất cơ chế sandbox sẽ có sự phân biệt giữa cách làm mới và ý tưởng hoàn toàn mới. Cụ thể, đối với những cách làm mới thực thi các yêu cầu sẵn có chỉ vận dụng yếu tố công nghệ, như eKYC (định danh điện tử - PV), mô hình sandbox sẽ chỉ tập trung đánh giá, kiểm chứng về hiệu quả, mức độ tin cậy. "Thời gian thử nghiệm của sandbox cho cách làm mới có thể ngắn và cho phép áp dụng ngay sau đó", ông Bình nói.
Còn những ý tưởng mới như mô hình vay ngang hàng P2P, chúng ta sẽ cần thời gian thử nghiệm dài hơn để kiểm chứng vì liên quan đến nhiều tầng lớp xã hội và gây ra ảnh hưởng lớn đến an ninh xã hội. Phương pháp và thời gian thực hiện cần cân bằng giữa yếu tố quản lý của cơ quan nhà nước và hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp, đảm bảo doanh nghiệp có thể yên tâm đầu tư với tầm nhìn dài hạn, tránh việc lợi dụng cơ chế sandbox để khai thác lợi nhuận trong ngắn hạn.
Ngoài ra, ông Bình cho biết thêm, Moca đang nghiên cứu các ý tưởng và giải pháp mới để có thể tham gia vào cơ chế sandbox, hướng đến việc tăng cường tính tiện lợi cho khách hàng sử dụng ví điện tử.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận đang tồn tại một khoảng trống pháp lý đối với Fintech. Đầu tiên là thể chế quản lý hoạt động Fintech chưa được đề cập tại bất cứ văn bản pháp lý cụ thể nào. Tiếp theo, chưa có quy định về đơn vị chuyên trách hỗ trợ xử lý các vấn đề liên quan đến hoạt động của Fintech. Bên cạnh đó, ngoại trừ hoạt động trung gian thanh toán, các hoạt động Fintech chưa được quy định và điều chỉnh bởi các văn bản pháp lý, như hoạt động vay ngang hàng, trong khi theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước đang có hơn 40 công ty hoạt động trong lĩnh vực này.
Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với các Bộ ngành liên quan đánh giá sơ bộ thực trạng mô hình vay ngang hàng ở Việt Nam và báo cáo Thủ tướng Chính phủ để ban hành quy định quản lý phù hợp.
Cũng theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, trên thế giới hiện có 7 biện pháp pháp lý để quản các mô hình mới, trong đó sandbox chỉ là một trong số đó. Như tại Trung Quốc, họ đang áp dụng mô hình "wait & see" cho loại hình vay ngang hàng, tức là để cho phát triển tự nhiên và theo dõi sự phát triển đó. Đến khi xảy ra rủi ro sẽ có những biện pháp quản lý để "siết" lại.
Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với các Bộ ngành liên quan đánh giá sơ bộ thực trạng mô hình vay ngang hàng ở Việt Nam và báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có thể ban hành quy định quản lý phù hợp. Ảnh: Internet |
|
Tháng 7/2019, Ngân hàng Nhà nước đã ra công văn khuyến nghị về hoạt động cho vay ngang hàng. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước khẳng định pháp luật Việt Nam hiện chưa có quy định về hoạt động vay ngang hàng. Vì vậy, để đảm bảo an toàn hệ thống, Ngân hàng Nhà nước khuyến nghị các tổ chức tín dụng (TCTD) như sau: Nghiên cứu, tìm hiểu, nắm rõ rủi ro phát sinh từ hoạt động vay ngang hàng để hướng dẫn, thông báo trong nội bộ TCTD về các rủi ro tiềm ẩn của hoạt động; thận trọng trong việc ký kết và thực hiện thỏa thuận hợp tác với các công ty vay ngang hàng để đảm bảo việc hợp tác giữa các TCTD với các công ty này đúng quy định pháp luật; trong quá trình hợp tác đề nghị các công ty vay ngang hàng công bố đầy đủ, minh bạch, trung thực thông tin về nội dung hợp tác, giao dịch; đảm bảo việc hợp tác, kết nối, giao dịch các công ty vay ngang hàng an toàn, hiệu quả, bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của TCTD và khách hàng.
Nguồn: