Dịch Covid-19 xuất hiện từ cuối năm 2019 đã và đang gây ra muôn vàn khó khăn cho toàn thế giới. Nhiều tổ chức đánh giá ảnh hưởng của đại dịch này tới nền kinh tế còn nghiêm trọng hơn nhiều so với đại khủng hoảng 2007 - 2008. Số liệu thống kê đến ngày 13/9 cho thấy toàn thế giới đã có hơn 29 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó hơn 925 nghìn người đã tử vong.
Nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch Covid-19, Chính phủ và NHTW các nước đã thực hiện nhiều chính sách tiền tệ nới lỏng và tài khóa mở rộng với các gói hỗ trợ quy mô lớn chưa từng có, cùng với các chính sách y tế - xã hội nhằm giảm thiểu thiệt hại từ dịch bệnh, nâng cao sức khỏe cộng đồng và đảm bảo an sinh xã hội.
7 giải pháp chính về chính sách tiền tệ - tín dụng
Theo báo cáo vừa công bố ngày 13/9 của TS. Cấn Văn Lực và các tác giả Viện Nghiên cứu & Đào tạo BIDV, về chính sách tiền tệ - tín dụng, Chính phủ, NHTW các nước thực hiện các chính sách nới lỏng tiền tệ một cách mạnh mẽ, chưa từng có tiền lệ (như chương trình mua trái phiếu doanh nghiệp của Fed hay cho vay lãi suất 0% hỗ trợ trả lương của Ngân hàng TW Trung Quốc - PBoC). Các chính sách này có thể tổng hợp gồm 7 giải pháp chính.
Một là: Hạ lãi suất điều hành tạo định hướng lãi suất và giảm lãi suất cho các tổ chức tín dụng (qua kênh cho vay tái cấp vốn, tái chiết khấu) để các tổ chức tín dụng (TCTD) có thể hạ lãi suất cho vay (đa số các nước, trong đó có cả Việt Nam);
Hai là: hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc để các TCTD có thêm nguồn vốn cho vay, qua đó gián tiếp bơm thêm tiền vào nền kinh tế (như Mỹ, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia);
Ba là; hỗ trợ thanh khoản thị trường thông qua cam kết mua trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) và chứng khoán thế chấp bằng nhà ở (như Mỹ có gói nới lỏng định lượng trị giá 700 tỷ USD để mua lại các khoản vay, trái phiếu; EU có chương trình mua trái phiếu khẩn cấp (PEPP) trị giá 1.350 tỷ EUR đến giữa năm 2021, bổ sung 120 tỷ EUR cho chương trình mua tài sản năm 2020, Nhật Bản tăng hạn mức mua trái phiếu, thương phiếu doanh nghiệp lên 7.400 tỷ Yên (70 tỷ USD); Trung Quốc mua lại các khoản cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ nhằm tăng thanh khoản và nguồn vốn rẻ cho các NHTM;
Bốn là: cho các NHTM vay lãi suất thấp để có thể cho doanh nghiệp vay với lãi suất ưu đãi hơn (một dạng hỗ trợ lãi suất như Anh, Nhật, Thái Lan);
Năm là: cung cấp gói tín dụng ưu đãi để hỗ trợ thanh khoản và trả lương (Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Việt Nam);
Sáu là: cho phép giãn, hoãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ và cho vay mới với lãi suất ưu đãi hơn (Việt Nam, Trung Quốc, Anh);
Và bảy là: tăng cường các biện ổn định tỷ giá và thanh khoản của hệ thống tài chính thông qua việc thực hiện thỏa thuận hoán đổi tiền tệ (Mỹ, Canada, Nhật Bản, Châu Âu, Thụy Sỹ).
Tập trung nhiều vào các gói tài khoá
Theo các chuyên gia của Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV, các chính sách tài chính - tiền tệ là các chính sách được áp dụng trong bối cảnh hết sức đặc biệt, với mức độ nới lỏng khác nhau, tùy thuộc vào thể chế và mức độ thiệt hại do dịch gây ra. Tuy nhiên, dư địa của chính sách tiền tệ dần bị thu hẹp vì lãi suất đã ở mức rất thấp và thường chỉ mang tính thời điểm, khẩn cấp; do đó, các nước tập trung nhiều hơn vào chính sách tài khóa.
Thống kê của nhóm tác giả cho biết, chính phủ các nước đã công bố và triển khai các gói tài khóa với quy mô khác nhau, tùy thuộc vào thể chế, khả năng ngân sách và mức độ thiệt hại do dịch gây ra. Các nền kinh tế lớn như Đức, Nhật Bản, Anh, Mỹ, Canada...v.v. đều liên tiếp công bố các gói hỗ trợ với quy mô trung bình tương đương 18% GDP (đặc biệt Đức công bố các gói hỗ trợ lên tới 33% GDP và Nhật Bản 21% GDP). Tại Châu Á, các quốc gia cũng đã có các gói hỗ trợ với quy mô nhỏ hơn như Ấn Độ, Thái Lan, Singapore, Malaysia khoảng 10-14% GDP; Trung Quốc (6,5% GDP); Việt Nam, Phillippines, Indonesia có quy mô chỉ ở mức từ 1,5-6% GDP (theo IMF, McKinsey và tác giả tổng hợp).
Các gói tài khóa nhìn chung tập trung vào 9 mục đích chính: (i) đầu tư nghiên cứu, sản xuất vaccine và thiết bị y tế (như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ấn Độ, Philippines…); (ii) trợ cấp người lao động phải tạm nghỉ việc hoặc thất nghiệp (như Mỹ trợ cấp 3.000 USD/người lớn, Đức trợ cấp mỗi gia đình 300 Euro/trẻ em, Anh trả 80% lương cho người thất nghiệp tối đa 2.500 Bảng/tháng, Hàn Quốc hỗ trợ mỗi lao động khoảng 407 USD/tháng trong 3 tháng,Việt Nam hỗ trợ 1 triệu đồng/ tháng trong 3 tháng….;
(iii) chia tiền mặt cho người dân thu nhập trung bình và thấp (Úc hỗ trợ người thu nhập thấp 750 AUD/người…), (iv) cho vay lãi suất thấp đối với DNNVV và DN kiệt quệ tài chính, khó khăn thanh khoản (Mỹ dành 510 tỷ USD để cung cấp các khoản vay, bảo lãnh nhằm ngăn doanh nghiệp phá sản, trong đó dùng 25 tỷ USD cho vay hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không, Đức cung cấp gói 100 tỷ EUR và Singapore với gói 4 tỷ USD hỗ trợ DN gặp khó khăn tài chính…);
(v) cho vay, bão lãnh vay vốn hoặc mua lại cổ phần các công ty (Đức có gói bảo lãnh cho vay DN trị giá 400 tỷ EUR, Anh có gói bảo lãnh 80% giá trị các khoản vay của các DN bị ảnh hưởng…), (vi) cho phép giãn, hoãn nộp thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất, BHXH (như Mỹ, EU, Pháp, Trung Quốc, Việt Nam…); (vii) giảm thuế thu nhập DN và thuế thu nhập cá nhân (Trung Quốc giảm thuế thu nhập DN trị giá 200 tỷ NDT, Singapore giảm 25% thuế thu nhập DN và Việt Nam giảm thuế 30% đối với DN nhỏ, hộ gia đình và HTX trong năm 2020...v.v.);
(viii) kích cầu tiêu dùng, du lịch và hỗ trợ xuất khẩu (Thái Lan có gói kích thích du lịch nội địa trị giá 5 tỷ Bath tương đương 160 triệu USD, Malaysia miễn thuế dịch vụ cho lĩnh vực khách sạn, Indonesia với gói 10,3 nghìn tỷ Rupiah tương đương 725 triệu USD để kích cầu tiêu dùng và du lịch, Philippines với gói tài khóa 14 tỷ Peso để tài trợ các dự án du lịch…);
và (ix) có riêng gói an sinh xã hội (Indonesia với gói 171 nghìn tỷ Rupiah tương đương 11,7 tỷ USD để tăng cường hỗ trợ hệ thống an sinh xã hội, Thái Lan phát tiền mặt cho người lao động không có BHXH, Việt Nam với gói hỗ trợ 62 ngàn tỷ VND, Mỹ hỗ trợ chi trả bảo hiểm thất nghiệp …).
(Trích từ Báo cáo của Nhóm chuyên gia Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV)
Nguồn: