Đó là cuộc họp lịch sử ngày 17/12/2014, diễn ra tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Một thời xáo trộn và lệch pha
Cuộc họp khi đó có Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình cùng chủ trì.
Phiên họp liên bộ lần thứ nhất được tiến hành, nhằm triển khai “Quy chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô”.
Giai đoạn nóng bỏng 2010-2014, bối cảnh nền kinh tế nhiều bất ổn; lạm phát, lãi suất, tỷ giá liên tục leo thang; thị trường vàng nhiều bất cập và giá vàng nhiều sóng lớn… Chính sách điều hành giữa tài khóa, tiền tệ, đầu tư, giá cả… có những vấn đề, nội dung không đồng nhất, thậm chí xung đột hoặc mâu thuẫn.
Ví như, nổi bật giai đoạn đó là về dòng tiền. Trong khi Ngân hàng Nhà nước cố gắng kiểm soát cung tiền, góp phần kiềm chế lạm phát, thì Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ vẫn phải liên tục đi vay qua phát hành trái phiếu. Xung đột nằm ở đây, mà trong các dòng chảy thông tin kinh tế vẫn từng có cách gọi “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.
Bởi lẽ, hiện tượng chèn lấn xẩy ra. Trong khi chính sách tiền tệ muốn có nguồn cung vốn thuận lợi để bình ổn lãi suất, thì chính sách tài khóa liên tục đi vay với quy mô phát hành trái phiếu Chính phủ lớn. Vừa cạnh tranh về nhu cầu, vừa chèn lấn về dòng chảy. Nguồn vốn các ngân hàng lẽ ra dồn nhiều hơn vào đầu ra tín dụng, cung lớn và tập trung hơn ở đây tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay. Tuy nhiên, một nguồn hút lớn với lãi suất cao giai đoạn đó là từ nhu cầu của chính sách tài khóa.
Đó là chưa kể, sau khi đẩy vốn cho chính sách tài khóa, các ngân hàng lại lấy trái phiếu Chính phủ làm tài sản thế chấp tại Ngân hàng Nhà nước để một lần nữa để tạo nguồn tiền mới… Những vòng quay này nở lên khiến nhà điều hành chính sách tiền tệ càng khó kiểm soát hoặc thụ động.
Hay nhìn sang điều hành giá cả các mặt hàng Nhà nước điều tiết, như giá điện, dịch vụ y tế, giá xăng dầu… Đầu vào lạm phát này nếu thiếu nhịp nhàng ngược lại lại tác động đến lãi suất, lãi suất tăng lại kéo theo áp lực trả nợ của chính sách tài khóa.
Vậy nên, cuộc họp lịch sử trên diễn ra. Quy chế phối hợp điều hành ra đời để hạn chế sự mâu thuẫn, lệch pha nào đó, hoặc ít nhất để hài hòa và nhịp nhàng hơn.
Đơn cử như một thời gian sau đó, quan sát trên các thị trường thấy ngay có thế “cài răng lược” giữa Bộ Tài chính với Ngân hàng Nhà nước, trong tác động đến cung - cầu vốn, dòng tiền. Khi Bộ Tài chính tập trung phát hành trái phiếu Chính phủ thì Ngân hàng Nhà nước ngơi hoặc tránh phát hành tín phiếu hút tiền về, và ngược lại…
Cuộc họp liên bộ lần thứ nhất ngày 17/12/2014. Nguồn: SBV
Cùng lợi ích chung
Trước thêm kỳ họp Quốc hội bắt đầu từ tuần tới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng có báo cáo gửi tới Quốc hội và các vị đại biểu.
Báo cáo cho biết, những năm qua Ngân hàng Nhà nước đã điều hành đồng bộ và linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ; phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Cụ thể hơn, trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, công tác phối hợp trong điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa giữa Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đã được triển khai đồng bộ, chặt chẽ từ cấp lãnh đạo đến các cấp tham mưu.
Điều đó, theo Thống đốc Lê Minh Hưng, đã giúp ổn định giá trị đồng tiền, hỗ trợ kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; đồng thời, góp phần hỗ trợ công tác phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP), nâng cao hiệu quả quản lý ngân quỹ nhà nước.
Trong đó, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành giữ mặt bằng lãi suất ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hành TPCP với kỳ hạn dài hơn và lãi suất thấp hơn giúp làm giảm chi phí huy động vốn cho ngân sách nhà nước.
Và như BizLIVE đề cập trong năm 2019 như một điểm nhấn đáng chú ý nhất từ cái bắt tay giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ là ứng xử đối với nguồn tiền gửi Kho bạc Nhà nước.
Cụ thể, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã chủ động trao đổi, phối hợp trong việc chuyển tiền gửi Kho bạc Nhà nước từ hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) về NHNN và gửi tiền có kỳ hạn tại các NHTM, qua đó, hỗ trợ NHNN kiểm soát tiền tệ và ổn định thị trường tiền tệ.
Từ tháng 11/2019, Bộ Tài chính đã có thông tư quy định cụ thể, việc kết chuyển nguồn tiền trên được thực hiện tổng thể, qua đó Ngân hàng Nhà nước có thêm chủ động trong kiểm soát tiền tệ và điều hành.
Cũng theo báo cáo của Thống đốc, Ngân hàng Nhà nước đã thường xuyên trao đổi các thông tin về thị trường tiền tệ, thị trường TPCP, việc điều hành ngân quỹ của Kho bạc Nhà nước để tăng cường sự phối hợp giữa công tác điều hành với chính sách tài khóa.
Kết quả là, mặc dù dự trữ ngoại hối tăng lên mức kỷ lục nhưng mức tăng của tổng phương tiện thanh toán (M2) và lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp: M2 các năm 2016, 2017, 2018, 2019 và 4 tháng đầu năm 2020 (đến ngày 22/4/2020) tăng lần lượt là 17,65%; 14,91%; 12,21% 14,22% và 1,75% so với cuối năm trước, phù hợp với định hướng đề ra.
Lạm phát bình quân năm 2016, 2017, 2018 và 2019 lần lượt là 2,66%; 3,53%; 3,54% và 2,79%, luôn duy trì thấp hơn mục tiêu do Quốc hội đề ra (khoảng 4%) và thấp hơn nhiều so với mức bình quân 7,8%/năm của giai đoạn 2011-2015.
Và ngược lại, khi lạm phát cơ bản từ năm 2016 đến nay ổn định ở mức thấp đã tạo dư địa để Chính phủ điều chỉnh giá các mặt hàng và dịch vụ do Nhà nước quản lý (lạm phát cơ bản bình quân năm 2016, 2017, 2018 và 2019 lần lượt là 1,83%; 1,41%; 1,48% và 2,01%).
Ở tầm điều hành của Chính phủ, cơ chế phối hợp chặt chẽ và linh hoạt vì lợi ích chung cũng thể hiện rõ. Cùng với tài khóa và tiền tệ, trong những năm gần đây, hay như năm nay, khi lạm phát có dấu hiệu bất lợi hoặc tập trung mục tiêu hạ lãi suất, thì việc điều chỉnh giá các mặt hàng trọng yếu đều có nhịp thư lại hoặc gắn với định hướng tạo sự hỗ trợ gián tiếp.
Còn lại, cho đến nay, sự phối hợp và triển khai vẫn còn “tắc” nhất, chưa tạo được phối hợp nhịp nhàng là ở tốc độ giải ngân vốn đầu tư công .
Nguồn: