Cần “bà đỡ” chính sách
Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh COVID-19 yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là địa phương) khẩn trương quán triệt, thực hiện quyết liệt, hiệu quả một số nội dung để đạt các mục tiêu cụ thể; trong đó hướng đến hỗ trợ cả về thể chế hành chính và tín dụng - tài chính, cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hỗ trợ ứng phó dịch bệnh, giúp đại đa số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh quay trở lại hoạt động.
Cần có cơ chế đặc thù và giải pháp cung cấp dòng tiền mang tính đột phá để hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi (ảnh minh hoạ)
Tuy nhiên, làm thế nào để hỗ trợ doanh nghiệp có cơ hội “tiếp máu” và sớm phục hồi sản xuất kinh doanh nhằm góp sức phục hồi nền kinh tế, cần những giải pháp cụ thể.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Tài chính ngân hàng cho rằng, đến nay, có những ngân hàng đã giảm lãi suất từ 1- 2%, nhưng không phải 100% các ngân hàng, mà chỉ có một phân khúc nào đó vào khoảng 30 - 40%, số còn lại vẫn đang lên kế hoạch mà chưa thực hiện. Mặt khác, các ngân hàng cũng không giảm lãi đại trà cho tất cả doanh nghiệp, mà sẽ lựa chọn những khách hàng theo từng phân khúc thị trường, cũng như tùy vào khả năng trả nợ. Những doanh nghiệp nào đã chết lâm sàng thì gần như không có cơ hội được giảm lãi suất, vì vậy chúng ta cần phải có một cơ chế đặc thù và một giải pháp mang tính đột phá để hỗ trợ doanh nghiệp.
TS. Nguyễn Trí Hiếu
“Trước hết, nên có một tổ hợp tín dụng với số vốn cung cấp cho tất cả thị trường, riêng TP.HCM là 100.000 tỷ đồng và cho cả quốc gia là 300.000 tỷ đồng. Các ngân hàng có thể dùng nguồn vốn CASA, là nguồn vốn tiền gửi không kỳ để cho vay với lãi suất thấp, thời hạn cho vay là từ 2-5 năm. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước nên cùng Hiệp hội Ngân hàng chủ trì, xây dựng tổ hợp tín dụng này, tạo ra một quy chế đặc thù, yêu cầu tất cả các ngân hàng quốc nội và ngân hàng nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam phải tham gia, chứ không dừng ở câu chuyện khuyến khích.
Theo ước tính, với hạn mức 100.000 tỷ đồng dành cho TP.HCM, chia bình quân cho mỗi khách hàng 5 tỷ đồng thì với 100.000 tỷ chúng ta sẽ giúp được đâu đó 20.000 doanh nghiệp vượt khó. Con số này có phải muối bỏ bể hay không, nhưng nó cũng đã giúp được một lượng doanh nghiệp bớt lao đao”, TS. Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ.
Còn theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, qua khảo sát về tình hình vốn của doanh nghiệp, thiếu vốn kinh doanh là vấn đề muôn thuở, hơn nữa, tốc độ tăng trưởng thì luôn luôn cần phải vốn nhiều hơn, nhưng tình trạng thiếu vốn ở giai đoạn hiện nay đang báo động một cách rất nghiêm trọng. Vậy nhu cầu của doanh nghiệp hiện giờ là mong muốn được ngân hàng đồng hành hoặc trên cơ sở tín nhiệm, ngân hàng có thể mở rộng hạn mức cho vay.
Ông Chu Tiến Dũng
“Ví dụ, với tài sản bảo đảm trước đây định giá 100 tỷ đồng, thông thường ngân hàng cho vay khoảng 75%, thì bây giờ ngân hàng có thể cho vay tăng lên thành 100% hoặc vượt trên cả tài sản bảo đảm, mà điều đó vẫn nằm trong thẩm quyền của ngân hàng. Thậm chí, nếu hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tốt thì vẫn có thể cho vay tín chấp mà không cần thế chấp tài sản”, ông Dũng đề nghị.
Vị Chủ tịch Hiệp hội cũng nhấn mạnh, hiện nay phần lớn các doanh nghiệp đều nói rằng chưa đạt được mong muốn khi tiếp cận tín dụng với ngân hàng, như việc giảm lãi suất không đồng đều với các khách hàng khác nhau, giảm không đồng đều với các khoản vay khác nhau. Nếu như chỉ có doanh nghiệp với ngân hàng đàm phán với nhau mà không có sự can thiệp của Chính phủ, không có “bà đỡ” làm chính sách thì rất khó có thể tháo gỡ được vấn đề mang tính căn cơ này.
TS. Võ Trí Thành
TS Võ Trí Thành, Chuyên gia kinh tế khẳng định, đúng là hiện cơ quan điều hành chưa có một "cây gậy" đủ mạnh, mà chủ yếu là khuyến khích các ngân hàng với hai điểm: Một là hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách cung cấp tín dụng; Hai là nguồn tín dụng đó giá rẻ đi với lãi suất thấp đi, những điểm này cần phải cân nhắc gắn với nợ cũ và nợ mới.
Ngoài ra, cần phải tính thêm thời hạn kéo dài, khoanh nợ giãn nợ.
Mặc dù theo Thông tư số 14 mà Ngân hàng Nhà nước mới ban hành, các ngân hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ phát sinh trước ngày 1/8/2021 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính; và cơ cấu lại các khoản phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến 30/6/2022; Nhưng chính sách này phải kèm theo sự linh hoạt, mà trên thực tế cần phải như vậy, vì mọi vấn đề phía trước còn rất bất định. Đồng thời, Chính phủ đã tuyên bố tháng 10 tới đây sẽ ra Nghị quyết mới cho giai đoạn 2 năm phục hồi và phát triển 2022-2023, vậy hãy nhìn giai đoạn này có thể dài hơn rất nhiều, cho nên phải bám sát tình hình và sẵn sàng kéo dài chính sách hỗ trợ cũng như cân bằng với các vấn đề khác, vị TS. đánh giá.
Ngoài ra, bên cạnh đề xuất cơ chế gói hỗ trợ đặc thù của TS. Nguyễn Trí Hiếu nêu, thì theo TS.Võ Trí Thành, còn có một ý tưởng nữa đó là bù lãi suất từ ngân sách. Đây không phải là câu chuyện mới mà năm 2009, Việt Nam đã dùng 1 tỷ USD để bù lãi suất và tổng dư nợ được bù là gần 400 tỷ đồng. Khi đó, mức tín dụng thấp hơn hiện nay rất nhiều, nhưng cuộc bù lãi suất đó nhìn chung là chưa thành công và thiếu hiệu quả, không những làm dềnh lên bất ổn vĩ mô, đầu cơ,... cho nên hiện nay đã đặt ra một bài toán nữa đó là lãi suất, nhưng việc đề cập đến câu chuyện năm 2009 không phải để phản đối mà để có sự thận trọng hơn.
“Theo tôi, cần cân nhắc thêm giải pháp nữa, đó là thâm hụt ngân sách tăng lên ở một số tỉnh thành có khả năng, và cần thận trọng, tập trung có chọn lọc vào từng lĩnh vực, khu vực kinh tế cũng như doanh nghiệp. Ngoài ra, nên cân nhắc trường hợp một người đi vay thì khó, nhưng ba người cùng trong chuỗi cung ứng đi vay thì sẽ dễ hơn”, TS. Võ Trí Thành đề xuất.
Các giải pháp từ ngân hàng
Ông Đào Gia Hưng
Ông Đào Gia Hưng, Giám đốc khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngân hàng VPBank đánh giá, cho vay liên kết chuỗi là một điểm rất hay mà VPBank muốn đề cập. Đặc biệt trong đại dịch, càng cần phải có sự đoàn kết, liên kết các doanh nghiệp với nhau, như bạn hàng, đầu vào, đầu ra cùng hợp tác vay vốn. Tuy nhiên, cần một bàn tay hữu hình như Ngân hàng Nhà nước, hoặc một Bộ nào đó về kinh tế điều tiết, để các doanh nghiệp tiến sát với nhau hơn, để tìm ra các doanh nghiệp có bạn hàng với nhau và giới thiệu lẫn nhau.
Bổ sung vào các giải pháp cung cấp dòng tiền cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Thành Nhân, Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp, ngân hàng Bản Việt cho hay, ngân hàng này mạnh dạn đưa ra một số giải pháp đó là nâng tỷ lệ tài sản doanh nghiệp lên, thậm chí đến 100% giá trị để họ có thêm 10 -15% trong hạn mức bình thường, nhờ đó có thêm nguồn tiền chi lương, trả tiền điện và các chi phí cố định, mua nguyên vật liệu và bắt đầu gây dựng lại các hoạt động sau giãn cách.
Hiện nay, ngân hàng sẽ phải tư vấn cho doanh nghiệp về cấu trúc tài chính, tiếp theo mới đến việc cơ cấu là kéo dài và xử lý nhóm nợ, nếu không có dòng tiền nào cho doanh nghiệp thì sẽ rất khó.
“Một vấn đề nữa mà chúng tôi muốn đề cập đó là, bổ sung thêm các sản phẩm nguồn vốn nghiệp vụ có thể gia tăng dòng tiền như: sản phẩm thấu chi, sản phẩm thẻ tín dụng doanh nghiệp. Những sản phẩm này vận hành đơn giản, giao cho các doanh nghiệp chủ quản đã có hạn mức rồi để sử dụng sẽ rất tiện lợi. Những giải pháp này nên được áp dụng với từng doanh nghiệp”, ông Nhân nói.
Như vậy, để phục hồi nền kinh tế, không thể không bơm thêm vốn cho doanh nghiệp. nhưng cần một chính sách tổng thể với nhiều giải pháp đột phá và phải làm ngay để cứu doanh nghiệp. Tuy nhiên, bản thân các tổ chức tín dụng sẽ khó tự đơn phương triển khai, nhất là các giải pháp tín dụng , nếu Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ chưa "bật đèn xanh".
Nguồn: