Cần “chia lửa” với chính sách tiền tệ

25/11/2024
TS. Cấn Văn Lực cũng khuyến nghị, dư địa chính sách tiền tệ đang hạn hẹp, khó nới lỏng hơn nên cần phải được chia lửa bởi các chính sách khác.

Trước áp lực lạm phát và rủi ro bất ổn tài chính, NHTW các nước có xu hướng thu hồi các biện pháp kích thích tiền tệ sớm hơn dự kiến, đặc biệt là các biện pháp phi truyền thống như các gói nới lỏng định lượng (QE). Còn ở Việt Nam, tăng trưởng kinh tế trong nước được đánh giá là đang trên đà phục hồi, nhưng việc đạt được mục tiêu 6,5% mà Quốc hội đề ra là rất khó khăn. Để đạt mục tiêu này thì ước tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm phải đạt 7,1%, điều không hề dễ dàng khi mà làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp như hiện tại.

Đó là một trong những lý do mà theo TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, NHNN vẫn duy trì điều hành chính sách tiền tệ ổn định, thậm chí đang phải "nới" tay hơn khi vừa yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất; đồng thời NHNN cũng nới room tín dụng cho nhiều ngân hàng. TS. Quách Mạnh Hào cũng ủng hộ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, bởi nó đang phát huy tác dụng trong hỗ trợ phục hồi kinh tế, đồng thời chưa gây những lo ngại đáng kể nào về lạm phát. Nhiều chuyên gia khác cũng đồng tình như vậy khi cho rằng, hiện chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành hết sức chủ động, linh hoạt; đặc biệt Việt Nam không sử dụng các công cụ phi truyền thống như nhiều NHTW khác trên thế giới.

Cần “chia lửa” với chính sách tiền tệ - Ảnh 1.

Dư địa chính sách tiền tệ ngày càng hạn hẹp nên rất cần sự "chia lửa" từ các chính sách khác để thực hiện mục tiêu kép

Trên thực tế, tốc độ tăng trưởng huy động tiền gửi trong quý II giảm so với quý I, cho thấy lượng tiền gửi ngân hàng chững lại.Trên thực tế, từ giữa tháng 7 vừa qua, 16 ngân hàng thành viên của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã đồng loạt giảm lãi suất cho vay theo lời kêu gọi của NHNN để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ứng phó với đại dịch Covid-19. NHNN đã chấp thuận đề nghị nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng của một số ngân hàng. Chẳng hạn MB được nâng room tín dụng từ 10,5% lên 15%; VIB được nâng từ 8,5% lên 14,1%; VPBank được nâng từ 8,5% lên 12,1%; Sacombank được nới từ 6,5% lên 10,5%; Eximbank từ 6,5% lên 10%... Động thái NHNN nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng được nhận định sẽ hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế hồi phục để đạt được mục tiêu kép mà Chính phủ đề ra.

Cũng có ý kiến cho rằng, NHNN nên xem xét giảm lãi suất điều hành để tạo thêm dư địa cho các ngân hàng giảm thêm lãi suất cho vay. Song theo TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, mức lãi suất điều hành hiện tại đang phù hợp và rất khó điều chỉnh thêm. Bởi hiện tại lãi suất huy động tiền gửi của ngân hàng đang ở mức thấp. Nếu giảm lãi suất xuống thấp hơn nữa, rất có thể sẽ khiến dòng vốn đảo chiều chảy sang các kênh đầu tư khác. Thiếu vốn thì các ngân hàng khó có thể mở rộng tín dụng được.

Đồng quan điểm, một chuyên gia ngân hàng cho rằng, hiện mặt bằng lãi suất đang ở mức rất thấp và lãi suất không phải là nút thắt của tín dụng. Lý do tín dụng tăng chậm là do hoạt động sản xuất-kinh doanh bị đình trệ vì dịch bệnh. Bởi vậy, bất kỳ một sự nới lỏng thêm nào đều không có ý nghĩa với nền kinh tế, nhưng có thể sẽ kích hoạt rủi ro bong bóng tài sản. "Các giải pháp NHNN triển khai góp phần hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế trước tác động bất lợi của đại dịch Covid-19, đồng thời không chủ quan với rủi ro lạm phát là phù hợp", vị chuyên gia ngân hàng nhận xét.

Chưa kể, hiện các ngân hàng còn đang phải đối mặt với áp lực nợ xấu trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ vì dịch bệnh sẽ còn tác động tiêu cực đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp, người dân là khách hàng của ngân hàng. TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng nợ xấu đang gia tăng trong thời gian tới, có thể lên đến 2,5% cuối năm 2021. "Đây sẽ là nguy cơ, rủi ro đối với hoạt động ngân hàng", TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Có thể nói ngành Ngân hàng đang đứng trước những thách thức kép. Trước bối cảnh này, giới chuyên môn cho rằng, nếu chỉ tập trung vào chính sách tiền tệ thì khó có thể đạt mục tiêu kép mà Chính phủ đặt ra bởi dư địa chính sách tiền tệ không còn nhiều, thậm chí là đang rất hạn hẹp khi mà thời gian qua đã triển khai rất nhiều biện pháp hỗ trợ nền kinh tế.

Trong bối cảnh đó, TS. Võ Trí Thành đề xuất, để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế đòi hỏi phải thực hiện mạnh mẽ hơn các biện pháp hỗ trợ tài khóa như đầu tư công, miễn giảm thuế, hỗ trợ thu nhập cho người dân để kích thích tiêu dùng, nhất là đối với đối tượng bị tác động mạnh bởi Covid-19 như người lao động tự do, lao động tại các ngành dịch vụ bị ảnh hưởng mạnh. TS. Võ Trí Thành đặc biệt nhấn mạnh đến chính sách đầu tư công, bởi so với nhiều lĩnh vực khác như du lịch, sản xuất công nghiệp... đầu tư công là lĩnh vực ít chịu ảnh hưởng nhất. Trong khi đó, khi thúc đẩy đầu tư công sẽ hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, lan tỏa được nhiều công ăn việc làm, thu nhập cho các doanh nghiệp và hơn thế nữa, đầu tư công còn tạo tiền đề cho phát triển sau này.

TS. Cấn Văn Lực cũng khuyến nghị, dư địa chính sách tiền tệ đang hạn hẹp, khó nới lỏng hơn nên cần phải được chia lửa bởi các chính sách khác. Theo đó thời gian tới, cần tiếp tục nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và giá cả. Giải pháp quan trọng tiếp theo là đẩy mạnh quyết liệt hơn nữa cơ cấu lại nền kinh tế. Đặc biệt là tái cơ cấu khối DNNN hoạt động hiệu quả hơn, đảm bảo khả năng trả nợ ngân hàng. "Đây là hình thức chia lửa đối với chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng", TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Về phía cơ quan quản lý, NHNN cho biết, trong 6 tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, NHNN sẽ tiếp tục điều hành các công cụ chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trong đó, NHNN chú trọng đến các giải pháp tiếp tục theo dõi sát mặt bằng lãi suất thị trường để điều hành phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ; tiếp tục triển khai các giải pháp tạo điều kiện cho hệ thống TCTD giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, góp phần phục hồi tăng trưởng bền vững…

Nguồn: