Cảnh báo gian lận giao dịch điện tử: “Giao dịch khống” qua thẻ tín dụng

28/11/2024
Nhu cầu giao dịch thanh toán điện tử đang gia tăng trong bối cảnh thương mại điện tử. Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, nhiều ngân hàng đã tung ra các chính sách ưu đãi hoàn tiền chi tiêu cá nhân qua thẻ tín dụng. Song nghịch lý là, gian lận giao dịch điện tử cũng gia tăng, bao gồm giao dịch khống qua thẻ tín dụng.

Nhiều chương trình ưu đãi

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, thẻ tín dụng đang có tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Với hơn 70 triệu người trưởng thành, tốc độ tăng trưởng thu nhập và chi tiêu thuộc hàng nhanh nhất trong khu vực, Việt Nam đang cho thấy mình là thị trường phát triển thẻ tín dụng đầy tiềm năng.

Để thu hút và giữ chân khách hàng, nhiều ngân hàng tích cực tham gia triển khai các chương trình ưu đãi thông qua giao dịch số, giao dịch thương mại điện tử hay giao dịch thẻ tín dụng.

Techcombank là ngân hàng tiên phong đi đầu về các chính sách hướng đến khách hàng là trọng tâm, như áp dụng miễn phí hoàn toàn giao dịch chuyển khoản điện tử (Zero Fee) từ 2016, áp dụng ưu đãi hoàn tiền không giới hạn Cashback 1% cho thẻ Debit từ 2018, và Cashback 5% cho thẻ Signature từ 2020. Các ngân hàng khác cũng đã lần lượt tiếp bước Techcombank, triển khai mạnh mẽ các chương trình miễn phí chuyển khoản và ưu đãi hoàn tiền chi tiêu thẻ tín dụng... để cùng mang đến quyền lợi tốt nhất cho khách hàng.

Với các chương trình ưu đãi hoàn tiền chi tiêu cá nhân qua thẻ tín dụng, các ngân hàng đều nêu rõ các điều khoản và điều kiện sử dụng khi phát hành thẻ, và công bố rộng rãi trên website. Theo đó, tính năng hoàn tiền chỉ áp dụng cho các giao dịch chi tiêu phục vụ nhu cầu cá nhân và gia đình.  Điều kiện, điều khoản phát hành thẻ tín dụng của Techcombank quy định: Trong trường hợp Ngân hàng nghi ngờ các giao dịch không phù hợp với quy định hoàn tiền, Ngân hàng sẽ liên hệ chủ thẻ yêu cầu cung cấp chứng từ/hóa đơn chứng minh tính xác thực của giao dịch. Techcombank khuyến nghị, khi thực hiện các chi tiêu giá trị lớn trong các lĩnh vực được hoàn tiền, chủ thẻ cần lưu ý lưu lại các chứng từ giao dịch, đặc biệt là hóa đơn VAT theo quy định của Bộ tài chính để cung cấp cho Ngân hàng/các cơ quan liên quan khi cần thiết.

Ngân hàng Nhà nước cấm "giao dịch khống"

Song, đi cùng với các chính sách ưu đãi sử dụng thẻ tín dụng của các ngân hàng là sự lan tràn của các chiêu trò "giao dịch khống" thẻ tín dụng, gây khó khăn cho công tác quản lý hoạt động tài chính, tiền tệ. Đây cũng là hành vi được nhận diện là vi phạm pháp luật chiếu theo các quy định hiện hành.

Cụ thể, thẻ tín dụng là loại thẻ "xài trước trả sau", và ngân hàng thường cấp cho chủ thẻ một hạn mức đi kèm chương trình ưu đãi để khuyến khích chi tiêu, thanh toán cá nhân tại các điểm mua hàng. Ngân hàng không khuyến khích rút tiền mặt từ thẻ tín dụng do vậy thường áp mức phí rút tiền mặt khá cao, lên đến 4-5% số tiền rút tùy ngân hàng.

Từ đây, nhiều điểm chấp nhận thẻ, hoặc các chủ hiệu nhỏ "bắt tay" với chủ thẻ thực hiện "giao dịch mua hàng khống" không phát sinh hàng hóa để rút tiền mặt, với mức phí chỉ từ 1,2-1,5%, rẻ hơn nhiều so với việc chủ thẻ rút qua ATM và ngoài ra một số chủ hiệu nhỏ lĩnh vực nhà hàng/café…còn tạo ra các giao dịch không phát sinh hàng hóa qua POS để "trục lợi" ưu đãi hoàn tiền, điểm thưởng từ các Ngân hàng. Chưa kể do núp bóng dưới hình thức thanh toán mua hàng, nên chủ thẻ lại được ngân hàng miễn lãi 45 ngày khi dùng chi tiêu khống. Trong khi nếu rút tiền mặt tại ATM ngân hàng sẽ tính lãi ngay. Nhiều trang web như ruttiennhanhhanoi.net, tindungnhanh24s… còn công khai chào mời dịch vụ "rút tiền mặt nhanh với mức phí thấp". Dữ liệu từ các ngân hàng đang cảnh báo thực trạng, khách hàng đang lạm dụng các chương trình hoàn tiền ưu đãi để "cho thuê thẻ" thanh toán hóa đơn với số lượng lớn, nhằm hưởng lợi phí hoàn tiền.

Nhằm siết chặt tình trạng này, các cơ quan chức năng đã ban hành nhiều quy định theo tăng cường kiểm soát hoạt động phát hành, chi tiêu qua thẻ, đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Theo đó, Thông tư 19 của Ngân hàng Nhà nước quy định không cho phép lợi dụng thẻ tín dụng để sử dụng vào các mục đích không đúng quy định, như rút tiền mặt tại POS của đơn vị chấp nhận thẻ, thanh toán hàng hóa, dịch vụ không đúng quy định pháp luật.

Nghị định 88/2019/NĐ-CP (sửa đổi) của Chính phủ, hiệu lực từ tháng 1/2022 cũng nâng mức xử phạt đối với việc thanh toán thẻ không đúng quy định của pháp luật lên tới 150.000.000 VNĐ thay cho mức 50 – 100.000 VNĐ như trước đây.

Theo đại diện ngân hàng Techcombank, giao dịch Hoàn tiền không giới hạn (Cashback 5% cho thẻ Signature, 1% cho thẻ debit) sẽ không được áp dụng, nếu Ngân hàng nghi ngờ có dấu hiệu trục lợi, sử dụng thẻ sai mục đích, sai quy định của pháp luật, bao gồm nhưng không giới hạn trong những trường hợp sau:

Khách hàng thực hiện các hành vi giao dịch thẻ gian lận, giả mạo, giao dịch thanh toán không phát sinh từ việc mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ (giao dịch khống tại đơn vị chấp nhận thẻ…);

Khách hàng thực hiện các giao dịch có tính chất đại lý, giao dịch trục lợi, giao dịch gian lận; giao dịch thanh toán cho các chi phí cho hoạt động kinh doanh– không mang tính chất tiêu dùng cá nhân;

Các giao dịch thanh toán tại một số điểm chấp nhận thẻ (POS/mPOS) thuộc danh mục mà Techcombank đánh giá có dấu hiệu trục lợi, gian lận dựa trên những bất thường về hành vi, tần suất, giá trị giao dịch chi tiêu của khách hàng trong từng thời kỳ.

https://cafef.vn/canh-bao-gian-lan-giao-dich-dien-tu-giao-dich-khong-qua-the-tin-dung-20220330074621069.chn

Nguồn: