CEO VPBank: Phấn đấu vượt 10-15% kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2020

05/11/2024
Trong bối cảnh dịch Covid-19 quay trở lại Việt Nam, VPBank vẫn bám sát kế hoạch được cổ đông thông qua đầu năm và phấn đấu thực hiện cao hơn.

Nửa đầu 2020, VPBank là số ít ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng trưởng cao, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn chịu ảnh hưởng của Covid-19. Tổng thu nhập hoạt động tăng 12%, trong khi chi phí hoạt động giảm 3% và chi phí trích lập tương đương cùng kỳ năm trước, giúp lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 6.585 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ và tương đương 64% kế hoạch.

Chia sẻ tại buổi gặp gỡ chuyên viên phân tích cập nhật kết quả kinh doanh quý II, Tổng giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh cho biết, dù môi trường kinh doanh trong nửa cuối năm sẽ không dễ dàng, ngân hàng vẫn tiếp tục bám sát các chỉ tiêu được cổ đông thông qua.

Theo ông Vinh, VPBank sẽ phấn đấu duy trì tăng trưởng lợi nhuận như 6 tháng đầu năm. Qua đó, ngân hàng sẽ vượt kế hoạch năm khoảng 10-15%. Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020, cổ đông đã thông qua kế hoạch lãi trước thuế 10.214 tỷ đồng. Ngân hàng đặt mục tiêu tổng tài sản tăng gần 13% ở mức 425.132 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá dự kiến tăng hơn 10%, dư nợ cấp tín dụng tăng 12%.

Vị CEO cho biết, VPBank sẽ đa dạng hóa nguồn thu và tăng trưởng ở mức độ hợp lý. Yếu tố chất lượng tài sản sẽ là ưu tiên, cho vay tập trung vào các lĩnh vực ít chịu ảnh hương bởi Covid-19. FE Credit, chuyên tập trung vào tài chính tiêu dùng, cũng sẽ có điều chỉnh phù hợp.

Ông Kalidas Ghose, Tổng giám đốc của FE Credit, cho biết giải ngân mới được công ty kiểm soát chặt chẽ qua nhiều biện pháp, như chú trọng vào phân khúc có mức độ rủi ro thấp và cải thiện hiệu quả thu hồi nợ. CEO của công ty tài chính tiêu dùng có thị phần dẫn đầu Việt Nam cho biết thêm rằng, công ty đã xây dựng chiến lược để sẵn sàng duy trì hoạt động kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài.

Nhận định chung về toàn ngân hàng và FE Credtit, ông Nguyễn Đức Vinh kỳ vọng sẽ duy trì tăng trưởng tín dụng tương đương năm 2019 (khoảng 17,6% bao gồm cả trái phiếu doanh nghiệp). Năm trước, động lực chính giúp VPBank đạt được kết quả tăng trưởng tín dụng là sự đột phá của hầu hết các phân khúc, đặc biệt ở tín dụng tiêu dùng (FE Credit), khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Các mảng kinh doanh cốt lõi này đóng góp 68% vào dư nợ tín dụng.

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã nâng hạn mức tín dụng cho VPBank, vì vậy ngân hàng này sẽ còn nhiều "room" để tăng trưởng. Nhằm đảm bảo tổng thu nhập hoạt động, VPBank sẽ tập trung nhiều hơn vào các giao dịch, đẩy mạnh nguồn thu ngoài lãi, song song với tăng trưởng tín dụng và nguồn từ hoạt động khác để bù đắp cho sự thiếu hụt tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM).

Đồng thời, ngân hàng cũng tiếp tục đầu tư nền tảng công nghệ, cải thiện hiệu quả và năng suất lao động. Thành công từ việc đầu tư vào công nghệ đã được minh chứng tại nhiều thị trường. Đơn cử Trung Quốc, các ngân hàng và ngành tài chính đã gặt hái được nhiều thành tựu và phát triển nhanh nhờ chú trọng công nghệ.

Đánh giá về tình hình cuối năm, ông Vinh kỳ vọng Chính phủ sẽ kiểm soát được làn sóng Covid-19 lần thứ hai. Ông Vinh dự báo năm 2021, tình hình kinh tế của các quốc gia sẽ cải thiện nhiều so với năm 2020. Sau khi Covid-19 đi qua, xã hội sẽ bước vào trạng thái bình thường mới, các nhu cầu sẽ thay đổi, vì thế bản thân VPBank cũng chuẩn bị cho sự thay đổi để phù hợp với thị trường.

Nguồn: