Nếu không có dịch Covid-19 thì xử lý nợ xấu đang trên đà thực hiện mục tiêu giảm xuống dưới 3%, nhưng do ảnh hưởng của dịch nên nợ xấu nội bảng và nợ tiềm ẩn rủi ro ước tính đến tháng 8/2020 vào khoảng 4,48%.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết thông tin trên tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chiều 25/9.
Trước đó tại báo cáo hoàn thành ngày 23/9 gửi đến Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước khẳng định công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) và xử lý nợ xấu đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Quy mô hệ thống các TCTD tiếp tục tăng, đến cuối tháng 8/2020, tổng tài sản đạt 12,93 triệu tỷ đồng, tăng 52,1% so với cuối năm 2016, vốn điều lệ của toàn hệ thống đạt 629,1 nghìn tỷ đồng, tăng 28,8% so với cuối năm 2016; vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống đạt 1.007,7 nghìn tỷ đồng, tăng 69,4% so với cuối năm 2016.
Nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD tiếp tục được xử lý, kiểm soát và duy trì ở mức dưới 3% (tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 7/2020 ở mức 1,92%, ước tính đến cuối tháng 8/2020 ở mức 1,96%).
Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 7/2020, toàn hệ thống các TCTD ước tính đã xử lý được 1.113,81 nghìn tỷ đồng nợ xấu (riêng năm 2019 xử lý được 159,7 nghìn tỷ đồng và 7 tháng đầu năm 2020 xử lý được 63,81 nghìn tỷ đồng).
Tuy nhiên, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhận định, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc chỉ đạo các TCTD triển khai phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu để đạt được các mục tiêu tại Đề án 1058 gặp không ít khó khăn, đặc biệt là trong việc kiểm soát nợ xấu phát sinh và duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn.
Điều này cũng được thể hiện khá rõ trong đánh giá của Chính phủ khi đánh giá về kết quả tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có mục tiêu đến năm 2020, giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng xuống mức dưới 3%. Chính phủ lý giải, mục tiêu này đến 2019 đã có thể hoàn thành. Song, tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 ngay từ đầu năm 2020 làm cho sản xuất bị đình trệ, nhu cầu hàng hóa và dịch vụ sụt giảm, dẫn đến các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, tình trạng nợ xấu có thể gia tăng.
Cập nhật tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến thời điểm 31/5/2020 của các tổ chức tín dụng, Chính phủ cho biết con số là 1,86%, tăng so với mức 1,63% cuối năm 2019 nhưng giảm so với mức 2,46% cuối năm 2016, mức 1,99% cuối năm 2017, mức 1,91% cuối năm 2018.
"Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 đã và đang tác động tiêu cực đến an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng và các, lĩnh vực trong nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước cho rằng mục tiêu này cần được tiếp tục triển khai thực hiện giai đoạn sau 2020", Chính phủ dẫn đánh giá của Ngân hàng nhà nước.
Nhận định nợ xấu có khả năng tiếp tục gia tăng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết vừa qua khi sơ kết việc thực hiện nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng thì thấy xử lý nợ xấu cũng có kết quả nhưng dường như đang chùng xuống.
Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, đương nhiên có gắn với xử lý nợ xấu. Mà, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước thì việc triển khai cơ cấu lại 3 ngân hàng mua bắt buộc là một quá trình khó khăn, phức tạp, chưa có tiền lệ, phải phối hợp chặt chẽ và lấy ý kiến của nhiều bộ, ngành và các cơ quan liên quan và phụ thuộc vào kết quả đàm phán với các nhà đầu tư.
Để tiếp tục triển khai công tác thanh tra, giám sát, cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu theo Đề án 1058 và Nghị quyết 42 đạt hiệu quả, Ngân hàng nhà nước kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo sát sao quá trình triển khai nhiệm vụ cơ cấu lại hệ thống các TCTD đặc biệt đối với các đề xuất của Ngân hàng Nhà ước về phương án xử lý các TCTD yếu kém.
Cùng đó, chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước trong xử lý vấn đề tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại nhà nước, đặc biệt là việc tăng vốn điều lệ của Agribank từ nguồn ngân sách nhà nước theo Nghị quyết của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
Ngân hàng nhà nước cũng kiến nghị tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh cá thể để phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần hạn chế nợ xấu.
Đối với Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước kiến nghị tiếp tục quan tâm, hỗ trợ quá trình xử lý nợ xấu nói chung và xử lý nợ xấu theo quy định tại Nghị quyết số 42 nói riêng thông qua việc quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội dài hạn và hằng năm của đất nước.
Xem xét đến khía cạnh xử lý nợ xấu khi quyết định chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia, đặc biệt là quy định liên quan đến thuế (nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay) cũng là kiến nghị từ lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước với Quốc hội.
Nguồn: