Quyết định số 1813/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025 đã đặt ra mục tiêu tạo sự chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế với mức tăng trưởng cao. Đưa việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn. Ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của CMCN 4.0 để nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cũng lấy ý kiến sửa đổi Thông tư 19/2016/TT-NHNN về hoạt động thẻ của ngân hàng. Theo dự thảo, các ngân hàng được phát hành thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng và thẻ trả trước định danh đối với chủ thẻ chính là cá nhân bằng phương thức điện tử. Dự thảo cũng bổ sung một Điều để quy định về việc phát hành thẻ bằng phương thức điện tử. Việc bổ sung hành lang pháp lý này nhằm ứng dụng các công nghệ mới để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng. Tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các dịch vụ thanh toán mới, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, kinh doanh trong điều kiện dịch Covid-19. Định hướng xa hơn là thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt trong dân cư.
Như vậy, hành lang pháp lý về việc phát hành thẻ tín dụng bằng phương thức điện tử đã được hoàn thiện. Đây được xem là điều kiện "cần" để các ngân hàng mạnh dạn triển khai, ứng dụng giải pháp công nghệ để tự động hóa quy trình phát hành thẻ tín dụng cho khách hàng trên nền tảng ngân hàng số của ngân hàng.
Theo quan sát của người viết, các ngân hàng tại Việt Nam về cơ bản đã có nền tảng kỹ thuật, hệ thống sẵn có để nâng cấp, phát triển hướng tới việc phát hành thẻ bằng phương thức điện tử trên nền tảng số.
Tuy nhiên, với những quy định cụ thể tại dự thảo sửa đổi Thông tư 19, để quy trình mở thẻ được liền mạch, liên tục và tăng trải nghiệm của khách hàng, ngân hàng cần phải bổ sung thêm một số giải pháp công nghệ để tự động hóa quy trình mở thẻ. Sắp tới khách hàng có nhu cầu mở thẻ tín dụng sẽ tự thao tác trên các nền tảng ngân hàng số của ngân hàng từ khâu nộp hồ sơ tới khâu kích hoạt và sử dụng thẻ mà không cần phải ra ngân hàng hoặc tiếp xúc với nhân viên ngân hàng. Để làm được như vậy, ngân hàng cần hoàn thiện, cải tiến và tích hợp các giải pháp sau vào quy trình mở thẻ tín dụng hiện tại. Đây được xem là điều kiện "đủ" để tự động hóa quy trình mở thẻ tín dụng.
eKYC (định danh điện tử)
Hiện tại, hầu hết các ngân hàng đều đã ứng dụng eKYC để định danh khách hàng khi mở tài khoản thanh toán trên nền tảng ngân hàng số. Qua tìm hiểu của người viết cũng như chia sẻ của một công ty cung cấp giải pháp eKYC (thuộc Tập đoàn FPT) cho biết: có nhiều gói eKYC khác nhau như gói cơ bản, gói nâng cao, gói tùy chọn theo yêu cầu của khách hàng. Gói eKYC cơ bản là giải pháp định danh rất đơn giản và hiệu quả xác thực khách hàng là còn hạn chế. Gói eKYC nâng cao hoặc tùy chọn theo yêu cầu sẽ được tích hợp nhiều giải pháp công nghệ hơn và xác định được nhiều thông tin khách hàng hơn.
Để kiểm chứng thực tế, người viết cũng thử trải nghiệm mở tài khoản thanh toán tại một ngân hàng. Người viết đã có tài khoản tại ngân hàng này, do đó khi nhập số Chứng minh nhân dân (CMND) đã cố tình nhập sai một số cuối và hệ thống xác định người viết chưa có tài khoản tại ngân hàng. Sau đó, người viết sử dụng CMND đã hết hạn (cấp ngày 20/06/2006) để tải lên (upload) ứng dụng. Công nghệ định danh của nhà băng này không nhận dạng được CMND đã hết hạn. Cũng như, ứng dụng không nhận ra sự sai biệt giữa số CMND khai báo và số CMND trên hình chụp được tải lên hệ thống.
Credit Scoring (Thẻ điểm tín dụng)
Quy trình thẩm định để phát hành thẻ tín dụng hiện tại của các ngân hàng thường được thực hiện bởi con người với sự hỗ trợ của một số công cụ như xếp hạng tín dụng nội bộ, kiểm tra lịch sử tín dụng của khách hàng thông qua CIC. Công việc thẩm định có thể thực hiện bằng cách phỏng vấn qua điện thoại hoặc phỏng vấn trực tiếp khách hàng hoặc kết hợp cả hai tùy thuộc vào quy trình nội bộ của mỗi ngân hàng.
Để tiến tới tự động hóa, ngân hàng cần thay thế dần việc thẩm định thủ công. Thẻ điểm tín dụng sẽ là giải pháp hữu ích mà ngân hàng nên tập trung nghiên cứu, phát triển để tự động hóa quy trình thẩm định, phê duyệt thẻ tín dụng.
Thông thường các thẻ điểm tín dụng được xây dựng dựa trên các mô hình toán học như Logit, Decision Tree, K-Nearest Neighbor, Artificial Neural Network,…nhằm xác định xác suất không trả được nợ vay của khách hàng trong tương lai để đưa ra các quyết định từ chối hoặc chấp nhận phê duyệt.
Ngoài ra, dưới sự phát triển của CMCN 4.0 và khối lượng thông tin, dữ liệu của cá nhân được đưa lên môi trường không gian mạng ngày càng nhiều. Sự kết hợp giữa mô hình toán học như trên và việc đánh giá hành vi của khách hàng thông qua các nền tảng mạng xã hội sẽ giúp các mô hình phê duyệt tự động đưa ra các quyết định đúng với xác suất cao hơn.
Qua khảo sát của người viết, một vài tổ chức tín dụng đặc biệt là công ty tài chính đã áp dụng mô hình thẩm định, phê duyệt và cấp hạn mức vay cho khách hàng dựa vào hành vi sử dụng điện thoại thông qua số điện thoại của mình. Qua tìm hiểu, giải pháp này sẽ xác định vị trí của khách hàng thông qua sóng điện thoại để xác minh về cư trú. Phân tích, đánh giá hành vi của chủ sở hữu số điện thoại trên các nền tảng mạng xã hội và kết hợp các giải pháp khác để đánh giá uy tín của chủ sở hữu số điện thoại. Từ đó, đề xuất hạn mức tín dụng cho khách hàng.
Người dân gọi hình thức này là "cho vay bằng sim điện thoại". Phong trào "nuôi sim và bán sim" cho khách hàng có nhu cầu vay tiền cũng từng xuất hiện. Tổ chức cho vay sẽ đối mặt nhiều rủi ro khi cấp tín dụng cho khách hàng không có khả năng trả nợ nhưng được "nhận chuyển nhượng" lại các sim điện thoại đủ điều kiện vay vốn.
Hợp đồng điện tử
Hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu (Điều 33, Luật giao dịch điện tử 2005). Giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử không thể bị phủ nhận chỉ vì hợp đồng đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu (Điều 34, Luật giao dịch điện tử 2005).
Về pháp lý, hợp đồng điện tử được pháp luật công nhận. Các ngân hàng có thể tích hợp vào mẫu hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ của ngân hàng. Khách hàng sử dụng chữ ký điện tử để giao kết hợp đồng với ngân hàng mà không cần phải giao dịch tại ngân hàng.
Tuy nhiên theo quy định, ngân hàng phải có giải pháp công nghệ để xác nhận việc khách hàng đã được định danh đồng ý với từng nội dung tại hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ. Thông tin, dữ liệu của khách hàng và hợp đồng phải được lưu trữ đầy đủ và bảo mật.
Chữ ký điện tử
Chữ ký điện tử được tạo lập dưới dạng từ, chữ, số, ký hiệu, âm thanh hoặc các hình thức khác bằng phương tiện điện tử, gắn liền hoặc kết hợp một cách logic với thông điệp dữ liệu, có khả năng xác nhận người ký thông điệp dữ liệu và xác nhận sự chấp thuận của người đó đối với nội dung thông điệp dữ liệu được ký (khoản 1 Điều 21 Luật giao dịch điện tử 2005).
Chữ ký điện tử có giá trị pháp lý khi thỏa điều kiện: (i) Phương pháp tạo chữ ký điện tử cho phép xác minh được người ký và chứng tỏ được sự chấp thuận của người ký đối với nội dung thông điệp dữ liệu (ii) Phương pháp đó là đủ tin cậy và phù hợp với mục đích mà theo đó thông điệp dữ liệu được tạo ra và gửi đi (Khoản 1 Điều 24 Luật giao dịch điện tử 2005).
Trong các loại hình chữ ký điện tử thì chữ ký số đang được sử dụng phổ biến. Ngân hàng có thể vận dụng chữ ký số để tích hợp vào quy trình phát hành thẻ tín dụng, khách hàng ký kết hợp đồng trực tiếp trên nền tảng ngân hàng số mà không phải ra ngân hàng để ký kết các giấy tờ phát hành thẻ tín dụng.
Giải pháp công nghệ cũng phát sinh những bất cập
Người viết cũng nhận được chia sẻ của đồng nghiệp trong ngành về một vài bất cập khi mở tài khoản trên nền tảng số sử dụng định danh điện tử. Một khách hàng không biết chữ, thực hiện mở tài khoản trên nền tảng số của ngân hàng. Người thân thực hiện khai báo hộ thông tin và thực hiện hầu hết các bước. Khách hàng chỉ thực hiện định danh khuôn mặt. Tài khoản mở thành công và khách hàng được nhận chuyển tiền vào hơn 300 triệu đồng. Sau đó, khách hàng vào trụ sở ngân hàng để rút tiền mặt tại quầy. Tại đây, nhân viên phát hiện khách hàng không biết chữ và phải giải quyết theo quy trình nội bộ đối với trường hợp khách hàng không biết chữ.
Nhận định
Theo nhận định của tác giả, khi ngân hàng tích hợp được các giải pháp trên với giải pháp kích hoạt thẻ, thay đổi PIN ngay trên nền tảng ngân hàng số, khách hàng sẽ có được trải nghiệm liền mạch, liên tục và chủ động khi có nhu cầu mở và sử dụng thẻ tín dụng. Tuy nhiên, các ngân hàng cũng cần nghiên cứu, đầu tư giải pháp để kiểm soát, quản trị rủi ro công nghệ.
Nguồn: